Thứ hai, 23/12/2024 | 04:05 GMT+7

Kêu gọi sự chung tay của doanh nghiệp và người dân sử dụng tiết kiệm điện

15/05/2023

Việc cung cấp điện trong giai đoạn mùa khô năm 2023 cũng như những năm tới dự kiến sẽ khó khăn do nhu cầu sử dụng điện có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt là trong các ngày cao điểm nắng nóng. Do đó, sự vào cuộc, phối hợp của các bộ, ban ngành, địa phương, sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, khách hàng sử dụng điện là rất quan trọng.

Theo báo cáo đánh giá cập nhật của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nhu cầu phụ tải điện của hệ thống điện quốc gia cả năm 2023 dự kiến đạt 283,2 tỷ kWh, tăng trưởng 5,5% so với năm 2022, đạt 99,5% so với Kế hoạch năm 2023 được Bộ Công Thương phê duyệt. Nhìn chung, việc cung ứng điện năm 2023 của toàn hệ thống điện quốc gia về cơ bản được đảm bảo và không phải thực hiện tiết giảm điện nếu không có các diễn biến quá bất thường xảy ra.
Để đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định trong mùa khô năm 2023 nói riêng và cả năm 2023 nói chung, Bộ Công Thương đã quyết liệt chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp, trong đó yêu cầu EVN, bám sát và cập nhật liên tục diễn biến thực tế của phụ tải điện, các điều kiện vận hành hệ thống điện và thị trường điện, đảm bảo vận hành và cung cấp điện an toàn, ổn định và tin cậy cho hệ thống điện quốc gia trong năm 2023. Trường hợp có những ảnh hưởng bất thường đến việc đảm bảo an ninh cung cấp điện, kịp thời báo cáo Bộ Công Thương để xem xét, chỉ đạo; phối hợp với khách hàng sử dụng điện, đặc biệt là các khách hàng sử dụng điện lớn chuẩn bị kịch bản, kế hoạch thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải điện trong trường hợp cần thiết nhằm đảm bảo an ninh hệ thống điện.
Chỉ đạo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia lập kế hoạch huy động tối ưu các nguồn điện, đặc biệt là các nguồn thủy điện (kể cả các thủy điện nhỏ) trong các giờ cao điểm để đáp ứng nhu cầu phụ tải điện.
Đảm bảo công tác quản lý, bảo dưỡng các tổ máy phát điện vận hành an toàn, ổn định; vận hành an toàn hệ thống lưới điện, đặc biệt là hệ thống truyền tải điện 500kV Bắc - Nam; bố trí lịch sửa chữa nguồn điện phù hợp, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước thủy điện phục vụ nhu cầu nước hạ du cũng như mục tiêu phát điện, nâng cao khả dụng các nguồn điện nhất là vào cao điểm mùa khô ở miền Bắc.
Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị điện lực sắp xếp kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa hợp lý, rút ngắn thời gian bảo dưỡng, tránh sửa chữa các nguồn-lưới điện trong thời gian cao điểm nắng nóng.
Trong tháng 4/2023, Bộ cũng đã có nhiều văn bản gửi các đơn vị liên quan về việc đảm bảo cung cấp than và khí cho sản xuất điện, đạm – các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống. 
Đối với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Bộ Công Thương yêu cầu phối hợp với các đơn vị Điện lực tại địa phương để tăng cường công tác tuyên truyền thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 07 tháng 5 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020-2025 và tổ chức, giám sát việc thực hiện tiết kiệm điện của khách hàng sử dụng điện tại địa phương. Tham mưu cho Ủy ban nhân dân các tỉnh để xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các đơn vị Điện lực tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình quốc gia về quản lý nhu cầu điện đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 279/QĐ-TTg ngày 08 tháng 3 năm 2018; Đồng thời giám sát Tổng công ty Điện lực, Công ty Điện lực tại địa phương trong việc thực hiện cung cấp điện, giải quyết các khiếu nại của khách hàng. 
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, tình hình sản xuất và cung ứng điện toàn hệ thống trong 4 tháng đầu năm 2023 đã được thực hiện tốt, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu điện cho sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân cả nước, đặc biệt trong thời gian diễn ra kỳ nghỉ lễ giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 Âm lịch) và kỳ nghỉ Lễ 30/4 và 01/5 năm 2023 (từ 29/4 đến 03/5 năm 2023). 
Trong thời gian tới, hệ thống điện quốc gia sẽ bước vào thời gian cao điểm của mùa hè. Việc cung cấp điện sẽ gặp nhiều khó khăn do phụ tải tăng cao, đồng thời nhu cầu cấp nước cho hạ du các hồ thủy điện cũng sẽ là một yêu cầu cấp thiết. Bộ Công Thương đề nghị các tỉnh, các địa phương có nhu cầu sử dụng nước hạ du phối hợp chặt chẽ, chỉ đạo kịp thời các chủ hồ chứa thủy điện và các đơn vị liên quan trong việc điều tiết các hồ chứa thủy điện, đảm bảo cung cấp đủ nước cho nhu cầu hạ du và đóng góp cho cung cấp điện.
Ngoài ra, việc đẩy mạnh việc tuyên truyền, thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện, sử dụng điện hợp lý và hiệu quả, đồng thời tích cực triển khai các giải pháp tiết kiệm nước cho sản xuất, sinh hoạt trên phạm vi cả nước cũng là nhiệm vụ quan trọng. Việc tiết kiệm điện làm giảm tổng chi phí đầu tư toàn xã hội cho hạ tầng điện để dành nguồn lực cho các hạ tầng khác, giúp phát triển kinh tế-xã hội, giảm việc phải huy động các nguồn năng lượng hóa thạch gây phát thải carbon, góp phần phát triển bền vững.
Nguồn: Bộ Công Thương