Thứ sáu, 01/11/2024 | 23:33 GMT+7

Sử dụng điện an toàn, hiệu quả và tiết kiệm trong mùa nắng nóng

26/04/2023

Điện là nguồn năng lượng tiêu dùng thiết yếu trong sản xuất, đời sống sinh hoạt hàng ngày. “Sử dụng điện hiệu quả và tiết kiệm thời gian cao điểm nắng nóng” không chỉ giúp giảm hoá đơn tiền điện phải trả trong mỗi gia đình mà còn góp phần tiết kiệm nguồn tài nguyên năng lượng của đất nước.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hiện tượng El-Nino sẽ chi phối và tác động đến thời tiết nước ta. Hiện vẫn đang là thời gian cao điểm nắng nóng ở khu vực miền Nam và trải xuống miền Trung.
Nắng nóng ở khu vực miền Bắc sẽ bắt đầu từ tháng 5 và cao điểm của nắng nóng năm nay ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ tập trung từ tháng 6 đến tháng 8 - với dự báo nền nhiệt trên cả nước thời kỳ này có thể cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,5 độ C. Các dự báo cho thấy chúng ta sẽ phải đối diện với một mùa hè rất nóng. Có khả năng xuất hiện từ sáu đến tám đợt nắng nóng, tập trung trong khoảng từ đầu tháng 6 đến nửa đầu tháng 8, trong đó có một số đợt nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt.
Điện là nguồn năng lượng tiêu dùng thiết yếu trong sản xuất, đời sống sinh hoạt hàng ngày. “Sử dụng điện hiệu quả và tiết kiệm thời gian cao điểm nắng nóng” không chỉ giúp giảm hoá đơn tiền điện phải trả trong mỗi gia đình mà còn góp phần tiết kiệm nguồn tài nguyên năng lượng của đất nước. 
Phóng viên trao đổi với ông Trần Viết Nguyên – Phó Trưởng ban Kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
PV: Thưa ông, xin ông cho biết EVN đã có kế hoạch đảm bảo cung ứng điện cao điểm mùa khô 2023 trên cả nước như thế nào?
Ông Trần Viết Nguyên: Chúng tôi đã lập kế hoạch, phương thức vận hành toàn hệ thống điện theo diễn biến thời tiết, đặc biệt là “nắng nóng cực đoan”; tăng cường trực vận hành, sửa chữa điện 24/24; chuẩn bị 4 tại chỗ: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ.  
Các Tổng Công ty Điện lực rà soát, củng cố lưới điện nhằm đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục, tin cậy; Điều chỉnh lịch sửa chữa các nhà máy điện để đảm bảo công suất nguồn cấp điện cho phụ tải (tránh các tháng 4, 5, 6, 7); Duy trì mực nước các hồ thủy điện để đảm bảo sản lượng và công suất cuối mùa khô (phải huy động các nguồn nhiệt điện đắt tiền để duy trì mức nước); Đẩy nhanh tiến độ thi công, đưa vào vận hành các đường dây 500kV; 220kV; 110kV để giải tỏa công suất. Đồng thời tăng cường tiết kiệm điện trong nội bộ tất cả các đơn vị thuộc EVN, đẩy mạnh các chương trình tuyên truyền tiết kiệm điện tới tất cả các khách hàng dùng điện cả nước “sử dụng điện an toàn, hiệu quả và tiết kiệm. 
Mới đây, TP Hà Nội đã “Thông qua Lễ phát động cao điểm điểm Hè năm 2023”, đại diện Sở Công Thương TP Hà Nội nhấn mạnh: Xuyên suốt năm 2023, Thành phố sẽ tổ chức hoạt động phong trào hộ gia đình tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng trên địa bàn thành phố; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, vận động cộng đồng xây dựng thói quen sử dụng điện, năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Các chương trình như: tiết kiệm điện trong hộ gia đình; trường học tiết kiệm điện, công sở tiết kiệm điện; doanh nghiệp tiết kiệm điện, v.v… mà Tp. Hà Nội cũng như các tỉnh/thành phố cả nước đã và đang triển khai nhiều năm qua có ý nghĩa hết sức quan trọng, đó là (i) tạo thói quen tiết kiệm điện trong cộng đồng; (ii) tạo nếp sống văn minh, nếp sống xanh; (iii) ý thức bảo vệ môi trường. 
Tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm trong sản xuất công nghiệp. 
PV: Thưa ông Trần Viết Nguyên: Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền tiết kiệm điện, được biết trong nhiều năm qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị điện lực đã làm việc với các khách hàng là các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp thuộc danh sách các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm để triển khai chương trình điều chỉnh phụ tải điện (DR) nhằm góp phần giảm quá tải cho hệ thống lưới điện trong những giờ cao điểm. Xin ông cho biết cụ thể lợi ích từ chương trình này?
Ông Trần Viết Nguyên: Chương trình Điều chỉnh phụ tải điện được Bộ Công Thương triển khai theo Thông tư 23/2017/TT-BCT, trong đó yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các cá nhân, tổ chức có liên quan thực hiện. 
Việc triển khai chương trình DR sẽ giúp khách hàng phối hợp với ngành Điện để triển khai trong những thời điểm cần thiết, như: cao điểm tới hạn của hệ thống; sự cố và vận hành kinh tế. 
Hiện nay, Chúng ta đang thực hiện chương trình DR tự nguyện phi thương mại (có nghĩa là khách hàng tham gia trên tinh thần hợp tác và tự nguyện là chính, đổi lại khách hàng được một số lợi ích như: (i) được thông báo cấp điện trở lại sớm nhất trong trường hợp có sự cố mất điện; (ii) được vào danh sách khách hàng ưu tiên đảm bảo điện; (iii) được tri ân hàng năm; (iv) được miễn phí nhân công bảo trì, bảo dưỡng máy biến áp và các chăm sóc khách hàng khác (tùy theo điều kiện thực tế của Công ty Điện lực). 
Hiện Bộ Công thương đang nghiên cứu cơ chế DR thương mại (có khuyến khích tài chính để khách hàng tham gia DR tích cực hơn).  
PV: Theo nhiều doanh nghiệp thì cần có cơ chế khuyến khích để doanh nghiệp thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải điện (DR). Quan điểm từ phía đơn vị cung cấp điện là EVN thì sao?
Ông Trần Viết Nguyên: Hoàn toàn nhất trí, để chương trình DR được thực hiện lâu dài và bền vững, Nhà nước cần ban hành cơ chế tài chính để (i) khuyến khích doanh nghiệp tham gia tích cực hơn vào các chương trình DR; (ii) để hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và nhà nước; (iii) thu hút các tổ chức trung gian và khách hàng tham gia vào thị trường DR trong tương lai, để có thể mua bán công suất; xây dựng nhà máy điện ảo, v.v…
Lưu ý khi sử dụng điều hòa để tiết kiệm điện.
Đặt nhiệt độ từ 26 độ C.
Sử dụng rèm hạn chế ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp.
Sử dụng quạt đảo gió để làm thoáng phòng. 
Hạn chế/tránh dùng các thiết bị gây nhiệt (bàn là, bếp từ cùng phòng điều hòa).
Không để nắng chiếu vào cục nóng (trồng cây xanh, bóng râm che mát) làm hiệu suất máy giảm.  
Vệ sinh/bảo dưỡng định kỳ. 
Bật chế độ sleep mode máy sẽ tự động cân bằng nhiệt độ cơ thể phù hợp với nhiệt độ môi trường xung quanh (từ 26 độ lên tối đa 29 độ, mỗi giờ tăng 1 độ). Giữ sức khỏe, thư thái khi ngủ và tiết kiệm điện.  
Sử dụng đúng lúc, đúng nhu cầu (có thể bật trước khi sử dụng và tắt sớm hơn khi không sử dụng để tận dụng không khí mát còn lại, sử dụng chung phòng, không lãng phí). 
Sử dụng tủ lạnh đúng cách.
Đặt nhiệt độ phù hợp (ngăn mát 18 – 20 độ; ngăn đông 0 – 3 độ).
Phân loại, bọc kín thực phẩm.
Sắp xếp thực phẩm khoa học.
Không để đồ nóng vào tủ lạnh.
Không để tủ lạnh quá trống hoặc quá nhiều.
Không mở cửa tủ lạnh nhiều lần, quá lâu khi không cần thiết.
Đặt tủ lạnh ở nơi thông thoáng, tránh ẩm ướt.
Hạn chế tắt/bật tủ lạnh.
Vệ sinh tủ (1, 2 tháng/lần), làm sạch tuyết trong tủ lạnh.  
Kiểm tra gioăng cửa tủ, bị hỏng, bám bụi không còn khít > mất nhiệt. 
Theo: Trang tin Điện tử ngành Điện