Thứ bảy, 21/12/2024 | 21:27 GMT+7

Tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp đạt hơn 1 triệu MWh/năm

27/10/2022

Sáng 27/10, tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Hội nghị “Tổng kết Dự án Tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam”.

Hội nghị có sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành liên quan; Sở Công Thương các tỉnh, thành phố; Trung tâm khuyến công; Trung tâm tiết kiệm năng lượng; các tổ chức quốc tế; các tổ chức tài chính tham gia dự án; các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Ông Phương Hoàng Kim - Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững - Bộ Công Thương cho biết: “Sau 4 năm triển khai thực hiện, Dự án Tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam đã đạt được những kết quả, thành tích khả quan. 2 Hợp phần của dự án đều được triển khai một cách hiệu quả, đồng bộ. Hơn 100 doanh nghiệp đã được cung cấp, tiếp cận thông tin dự án trong đó có khoảng 50 doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp đã được nhận hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp từ dự án như đánh giá hiệu quả vận hành, tính toán tiềm năng TKNL, tính toán hiệu quả đầu tư cũng như đưa ra các giải pháp tiết kiệm năng lượng”.
Ông Phương Hoàng Kim - Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững - Bộ Công Thương phát biểu khai mạc Hội nghị
Dự án Tiết kiệm năng lượng cho ngành Công nghiệp Việt Nam (Vietnam Energy Efficiency for Industrial Enterprises Project - VEEIE) là dự án do Bộ Công Thương phối hợp với Ngân hàng Thế giới triển khai xây dựng với tổng giá trị là 158 triệu USD. Dự án có sự tham gia của các ngân hàng thương mại gồm: Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB).
Dự án VEEIE được thực hiện từ tháng 12/2017 – 31/7/2022 với mục tiêu cải thiện và nâng cao việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các doanh nghiệp công nghiệp thông qua các chương trình cho vay đầu tư các dự án tiết kiệm năng lượng trị giá khoảng 156 triệu USD thực hiện trong vòng 10 năm, trong đó vốn vay từ Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD) là 100 triệu USD. Các ngân hàng tham gia sẽ cho các doanh nghiệp công nghiệp/công ty dịch vụ năng lượng vay để thực hiện các dự án tiết kiệm năng lượng. 
Cũng tại Hội nghị, ông Chu Bá Thi - Chuyên gia năng lượng cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) cho biết: “Để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo như cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP 26, Việt Nam cần tích hợp ở mức cao các nguồn năng lượng tái tạo và đặc biệt phải thúc đẩy sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng. Do đó, trong những năm qua WB đã hợp tác chặt chẽ với Bộ Công Thương, các cơ quan của chính phủ thực hiện nhiều chương trình, dự án bao gồm cả hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn chính sách và các dự án tài chính nhằm thúc đẩy thị trường thúc đẩy tiết kiệm năng lượng ở Việt Nam. Dự án VEEIE là một trong những dự án thí điểm có quy mô lớn nhất về đầu tư tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp ở Việt Nam”.
Ông Chu Bá Thi cho rằng, Việt Nam cần tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo và thúc đẩy tiết kiệm năng lượng để đạt phát thải ròng bằng không vào năm 2050
Theo báo cáo kết quả giám sát, đánh giá hiệu quả thực hiện dự án VEEIE, kết quả VEEIE được coi là đạt yêu cầu. Dự án VEEIE đã giúp nhiều doanh nghiệp tiếp cận được với nguồn vốn vay đầu tư để thực hiện các dự án tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm chi phí sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo việc làm ổn định cho người lao động. Tất cả các tiểu dự án được tài trợ thông qua cấp dự án đều hoạt động tốt và đạt hiệu quả về tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải, giúp các doanh nghiệp công nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách tối ưu hoá chi phí và sản xuất sạch hơn.
Về tổng thể, dự án đã đạt được hoặc vượt so với mục tiêu và kết quả đặt ra: Lượng năng lượng tiết kiệm được hàng năm đạt 1,18 triệu MWh/năm, vượt 72,5% so với kế hoạch đề ra và lượng phát thải khí nhà kính tránh được hàng năm đạt khoảng 996.000 tấn CO2/năm, vượt 8,5% so với kế hoạch đề ra.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, dự án cũng gặp phải không ít thách thức như việc lãi suất không quá hấp dẫn và chưa đủ khuyến khích so với lãi suất thương mại từ nguồn vốn khác; Mức tiết kiệm năng lượng cố định ở mức cao chỉ áp dụng đối với các công nghệ hiện đại trong một số ngành cụ thể. Trong giai đoạn 2020-2021, do tình hình dịch bệnh Covid-19 khiến các doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn trong hoạt động, dẫn đến hạn chế mua sắm và đầu tư, nhất là đầu tư cho tiết kiệm năng lượng.
Thông qua Hội nghị các bên đã có cơ hội chia sẻ, phổ biến các kinh nghiệm triển khai đầu tư các dự án tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp, cũng như tháo gỡ những rào cản, vướng mắc trong quá trình triển khai, qua đó, cùng nhau lan tỏa, nhân rộng nhằm đóng góp vào mục tiêu tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới phát triển kinh tế xã hội bền vững của Việt Nam.
Ban tổ chức trao cúp chứng nhận và kỷ niệm chương cho các doanh nghiệp có đóng góp tích cực trong Dự án VEEIE.
Tại Hội nghị, đại diện Bộ Công Thương và WB đã trao cúp chứng nhận và kỷ niệm chương cho 11 doanh nghiệp tiêu biểu đã ứng dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng góp phần đạt mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong khuôn khổ Dự án tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam.
Tiếp nối Dự án Tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam, Bộ Công Thương hiện đang phối hợp với WB triển khai thực hiện Dự án Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành Công nghiệp Việt Nam (Vietnam Scaling up Energy Efficiency for Industrial Enterprises  Project - VSUEE) với tổng kinh phí là 11,45 triệu USD.
Dự án VSUEE ra đời với mục tiêu Thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực công nghiệp của Việt Nam, góp phần đạt mục tiêu quốc gia về tiết kiệm năng lượng, đảm an ninh năng lượng, và thực hiện triển khai các nhiệm vụ, muc tiêu giảm phát thải nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu. 
Dự án được thiết kế thành hai Hợp phần:
- Hợp phần 1 – Vận hành Quỹ chia sẻ rủi ro (Risk Sharing Facility - RSF): Hợp phần 1 có kinh phí là 03 triệu USD viện trợ không hoàn lại, tương đương 69 tỷ đồng VND, dùng để triển khai các hoạt động của Quỹ chia sẻ rủi ro.
- Hợp phần 2: Hỗ trợ kỹ thuật: Hợp phần 2 có kinh phí 8,3 triệu USD, tương đương 190,9 tỷ đồng VND, dùng để Hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực cho các bên tham gia Dự án, xây dựng và hoàn thiện khung chính sách, hướng dẫn thực hiện, hỗ trợ các hoạt động tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu. 
Minh Khuê