Thứ sáu, 19/04/2024 | 19:02 GMT+7

Giải pháp tiết kiệm năng lượng trong các doanh nghiệp công nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm

21/09/2022

Trong khuôn khổ các hoạt động truyền thông về tiết kiệm năng lượng (TKNL) năm 2022 thuộc Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030, Văn phòng Ban chỉ đạo TKNL, Bộ Công Thương tổ chức diễn đàn “Tiết kiệm năng lượng trong các doanh nghiệp công nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm”.

Tham dự diễn đàn có ông Trịnh Quốc Vũ – Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo TKNL, Phó Vụ trưởng Vụ TKNL và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương; Ông Trần Viết Nguyên – Phó Trưởng ban Kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Ông Dương Trung Kiên – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Điện lực, cùng đông đảo cơ quan báo chí, truyền hình.
Diễn đàn “Tiết kiệm năng lượng trong các doanh nghiệp công nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm” nằm trong chuỗi các hoạt động truyền thông tiết kiệm năng lượng năm 2022
Cả nước có 2961 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, trong đó có hơn 2400 cơ sở là doanh nghiệp công nghiệp; khoảng 388 cơ sở là các tòa nhà, công trình xây dựng; và 1 số cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trong giao thông, nông nghiệp. Các doanh nghiệp công nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm chiếm phần lớn trong việc sử dụng năng lượng. 
Theo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Nghị định số 21/2011/NĐ-CP, cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm là các cơ sở sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, đơn vị vận tải có tiêu thụ năng lượng tổng cộng trong một năm quy đổi ra 1.000 tấn dầu tương đương (1.000 TOE) trở lên; các công trình xây dựng được dùng làm trụ sở, văn phòng làm việc, nhà ở; cơ sở giáo dục, y tế, vui chơi giải trí, thể dục, thể thao; khách sạn, siêu thị, nhà hàng, cửa hàng có tiêu thụ năng lượng tổng cộng trong một năm quy đổi ra 500 tấn dầu tương đương (500 TOE) trở lên
Rào cản từ phía doanh nghiệp
Ông Trịnh Quốc Vũ – Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo TKNL, Phó Vụ trưởng Vụ TKNL và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương khái quát nhu cầu sử dụng điện trong giai đoạn vừa qua.
Ông Trịnh Quốc Vũ cho biết, trước đây, Việt Nam là nước xuất khẩu năng lượng nhưng từ năm 2015 nước ta đã phải nhập khẩu năng lượng, đây là một bài toán nan giải vì giá nhiên liệu sơ cấp, đặc biệt là khí hóa lỏng ngày một tăng cao. Do đó, ngoài việc cung ứng đủ năng lượng, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả rất quan trọng, giúp giảm năng lượng nhập khẩu. 
Tuy nhiên, qua theo dõi việc sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, chúng tôi nhận thấy vẫn còn tồn tại những khó khăn, rào cản về nhận thức trong việc tuân thủ Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của doanh nghiệp.” Ông Trịnh Quốc Vũ nhận định.
Ông Trần Viết Nguyên - Phó trưởng ban Kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đánh giá các doanh nghiệp hầu hết đã có nhận thức về các chủ trương, quy định của Nhà nước trong việc TKNL, nhưng việc áp dụng các giải pháp TKNL hiệu quả và tiết kiệm tại doanh nghiệp còn hạn chế.
Dưới góc độ là đơn vị cung cấp điện, ông Trần Viết Nguyên, Phó trưởng ban Kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng cho rằng, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nói chung và doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm nói riêng hầu hết đều đã có những nhận thức về các chủ trương, quy định của Nhà nước trong việc TKNL, nhưng việc áp dụng các giải pháp TKNL hiệu quả và tiết kiệm tại doanh nghiệp còn hạn chế. 
Nguyên nhân xuất phát từ nhiều yếu tố như: thiếu nguồn lực cán bộ quản lý năng lượng, nguồn lực tài chính để đầu tư các giải pháp,…“Mặt khác, qua quá trình khảo sát, chúng tôi nhận thấy nguyên nhân không kém phần quan trọng là do giá bán điện của Việt Nam còn thấp so với các nước trên thế giới, đặc biệt là giá bán điện trong khối sản xuất công nghiệp. Đây là cơ chế, chính sách của Nhà nước nhằm khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất. Nhưng cũng chính là lý do khiến nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà khi phải bỏ ra nguồn kinh phí lớn để đầu tư vào các dây chuyền sản xuất hiệu suất cao”, ông Nguyên nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, còn nhiều doanh nghiệp chưa thực thi tốt và đầy đủ các quy định của Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nghị định 21 và nghị định 134. Qua kiểm tra, có nhiều doanh nghiệp thuộc danh sách cơ sở trọng điểm phải kiểm toán năng lượng 3 năm/lần, nhưng có nhiều doanh nghiệp không thực thi hoặc làm mang tính hình thức. Mặc dù các đơn vị điện lực tiến hành tư vấn đầy đủ nhưng doanh nghiệp không thực hiện do những khó khăn riêng. Trong khi đó, các chế tài xử phạt dù có nhưng vẫn chưa áp dụng xử phạt, khiến cho việc thực hiện chưa được gắn liền vào thực tiễn. 
Ông Dương Trung Kiên – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Điện lực tham luận tại diễn đàn.
Đồng quan điểm, Ông Dương Trung Kiên cho biết, việc nhận thức đã có, phần lớn các doanh nghiệp đã có hành lang pháp lý, nhưng thực hiện như nào vẫn là câu hỏi phức tạp. Một số doanh nghiệp làm việc với nước ngoài có những yêu cầu chặt chẽ nên thực hiện rất tốt các quy định của luật về kiểm toán năng lượng, thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Còn đối với một số doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm thì có thể đã làm, nhưng đôi khi thực hiện để đấy chứ hiệu quả chưa cao. 
Ngoài ra, việc tiết kiệm năng lượng chưa được triển khai hiệu quả không chỉ lỗi đến từ các doanh nghiệp mà còn đến từ các đơn vị tư vấn đưa ra các giải pháp chưa thực sự phù hợp, gây khó khăn cho việc triển khai.
Về cơ bản, khoảng 60-70% các doanh nghiệp đã nhận thức được lợi ích to lớn thông qua việc tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, để biến từ nhận thức sang hành động còn gặp không ít rào cản.
“Chìa khóa” đảm bảo điện cho phát triển kinh tế xã hội
Đại diện cơ quan nhà nước, Ông Trịnh Quốc Vũ đã nhấn mạnh yêu cầu đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, theo đó, các đơn vị cần lập kế hoạch sử dụng hàng năm và 5 năm, báo cáo tới Uỷ ban Nhân dân cấp tỉnh thông qua các Sở công thương cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đặt cơ sở.
Đồng thời cơ sở trọng điểm phải có trách nhiệm xây dựng và duy trì hiệu quả sử dụng năng lượng, bổ nhiệm người quản lý năng lượng là những người được cấp chứng chỉ theo quy định của Bộ Công thương và tiến hành kiểm toán năng lượng ít nhất 1 lần trong vòng 3 năm. Trên cơ sở báo cáo có trách nhiệm xây dựng kế hoạch tiết kiệm năng lượng và các giải pháp về tiết kiệm năng lượng theo khuyến nghị báo cáo kiểm toán năng lượng của Bộ Công thương.
Tại diễn đàn, các sinh viên hăng hái nêu lên những ý kiến cá nhân xoay quanh các giải pháp tiết kiệm năng lượng.
Hiện, Bộ Công Thương đã xây dựng định mức tiêu thụ năng lượng cho 7 lĩnh vực sản xuất công nghiệp như: hoá chất, thép, bia - rượu - nước giải khát, giấy và bột giấy, ngành nhựa, chế biến thuỷ hải sản và mía đường. Sắp tới sẽ tiếp tục rà soát, xây dựng định mức quy chuẩn để áp dụng với một số ngành nữa, bao gồm: da giày, chế biến thực phẩm, dệt may. Đồng thời phối hợp với Bộ xây dựng để xây dựng quy chuẩn định mức tiêu thụ năng lượng đối với một số ngành sản xuất tiêu thụ nhiều năng lượng như ngành xi măng, ngành sản xuất kính.
Ngoài ra, các cơ quan hành chính sự nghiệp sử dụng ngân sách của nhà nước, cần có trách nhiệm thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng như xây dựng quy trình, quy chế, mua sắm các thiết bị tiết kiệm năng lượng theo danh mục của Bộ Công Thương trình Chính phủ phê duyệt.
Sinh viên trường Đại học Điện lực chụp ảnh lưu niệm cùng các diễn giả tại diễn đàn.
Đối với vai trò của EVN, Tập đoàn đã thí điểm cung cấp 1 số giải pháp cho khách hàng công nghiệp theo phương thức đầu tư hoàn toàn nhằm chứng minh tính hiệu quả của tiết kiệm điện đối với các doanh nghiệp. Đặc biệt, nâng cao vai trò của công tác tuyên truyền tiết kiệm điện đến với khách hàng.
Cụ thể, EVN hỗ trợ truyền thông, tổ chức đoàn tuyên truyền, đội ngũ tuyên truyền viên, kết hợp với Trung tâm Khuyến công, Sở Công Thương các tỉnh để truyền thông về các quy định của pháp luật mà doanh nghiệp phải thực hiện. Đồng thời, thông qua các tổng đài chăm sóc khách hàng, giải đáp thắc mắc và tư vấn cho khách hàng những giải pháp tiết kiệm điện.
Có thể thấy, cùng với các giải pháp đảm bảo cung ứng năng lượng, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là vô cùng quan trọng nhằm bảo đảm điện cho phát triển kinh tế xã hội. TKNL là công cụ then chốt giúp Việt Nam tiến tới mục tiêu cân bằng phát thải (net zero) vào năm 2050 theo cam kết tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu toàn cầu COP26.
Cả nước hiện có 2.961 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm. Theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tổng số điện năng tiêu thụ mỗi năm của các cơ sở này là hơn 70 tỷ kWh, chiếm hơn 32% tổng mức tiêu thụ điện toàn quốc. Các cơ sở này chỉ cần tiết kiệm tối thiểu 2% điện năng tiêu thụ mỗi năm thì hàng năm cả nước sẽ tiết kiệm được khoảng 1,4 tỷ kWh điện (tương đương tiết kiệm chi phí tiền điện khoảng 2.700 tỷ đồng)
Tố Quyên