Thứ bảy, 21/12/2024 | 20:50 GMT+7

Giải pháp tiết kiệm năng lượng bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng trong bối cảnh mới

16/09/2022

Chiều 16/9, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Công Thương, Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao tổ chức Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2022 với chủ đề “Giải pháp tiết kiệm năng lượng bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng trong bối cảnh mới”.

Diễn đàn nhận được sự quan tâm tham dự của trên 600 đại biểu trong nước và quốc tế dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến, trong đó khoảng 300 đại biểu tham dự trực tiếp và hơn 300 đại biểu tham dự trực tuyến với nhiều đại sứ quán các nước như: Pháp, Úc, Isrel, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Séc, Thái Lan, Đan Mạch...
Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam năm 2022
Diễn đàn là nơi chia sẻ, thảo luận về các chính sách, giải pháp công nghệ và chương trình hỗ trợ về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả phục vụ chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh và bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng trong bối cảnh mới.
Diễn đàn gồm hai phiên. Phiên 1 cung cấp những thông tin giúp các nhà hoạch định chính sách, các đơn vị quản lý nhà nước, chuyên gia tư vấn chiến lược và cộng đồng nhà khoa học trong và ngoài nước cùng thảo luận. Đồng thời cung cấp thông tin hữu ích trong các chương trình hỗ trợ sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm phục vụ chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh góp phần thực hiện các mục tiêu cam kết tại Hội nghị COP26, với sự tham gia của các cơ quan và tổ chức quốc tế như: Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ Việt Nam (USAID), Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), đại sứ quán các nước,…
Tại phiên 1, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng vụ Tiết kiệm năng lương và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương đã trình bày về tình hình tiêu thụ năng lượng tại Việt Nam, cũng như các chính sách và Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019- 2030.
Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng vụ Tiết kiệm năng lương và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương nhấn mạnh mục tiêu của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả 2019 - 2030
"Mục tiêu của giai đoạn này là huy động mọi nguồn lực trong nước và quốc tế cho thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thông qua việc triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý nhà nước, hỗ trợ kỹ thuật, nghiên cứu KHCN và phát triển sản phẩm, chuyển đổi thị trường, đào tạo và phát triển nguồn lực trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đồng thời, hình thành thói quen sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong mọi hoạt động xã hội để tiết kiệm năng lượng trở thành hoạt động thường xuyên đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm và các ngành kinh tế trọng điểm tiêu thụ nhiều năng lượng, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững", ông Trịnh Quốc Vũ nhấn mạnh.
Phiên 2 đặc biệt quan trọng với sự tham gia của cộng đồng các viện trường, các nhà khoa học công nghệ trong và ngoài nước. Nội dung giới thiệu các xu hướng công nghệ mới tới cộng đồng giúp sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm trong bối cảnh mới. Thông tin được chia sẻ bởi Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Yokohama - Nhật Bản, Đại học Oxford, Viện nghiên cứu Bears - Singapo, Đại học Hải Dương quốc gia Đài Loan, mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Châu Âu, Trung tâm nghiên cứu năng lượng Châu Á - Thái Bình Dương, Csiro - Úc, Sustainable Buildings Hà Lan, Công ty cổ phần Phích nước Rạng Đông, Công ty Thép Hoà Phát,….
Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2022 đã đưa ra bức tranh tổng quan về nhu cầu năng lượng của Việt Nam trong bối cảnh xu hướng chuyển dịch năng lượng trên thế giới; Tiếp nhận ý kiến đóng góp từ chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp trong nước và quốc tế; Đề xuất các giải pháp xây dựng hoàn thiện chính sách ứng dụng, phát triển, chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển năng lượng bền vững.
Cũng tại diễn đàn, các diễn giả đã cùng nhau thảo luận về lộ trình thực hiện cam kết của Chính phủ tại Hội nghị COP26. Hội nghị đặc biệt nhấn mạnh về công nghệ khuyến cáo nên sử dụng; Đưa lĩnh vực ứng dụng công nghệ trong năng lượng trở thành một lĩnh vực đóng góp hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội, chăm sóc sức khoẻ nhân dân và bảo vệ môi trường; Hình thành và đưa vào hoạt động có hiệu quả mô hình quản lý sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, trong hoạt động quản lý nhà nước, quản lý doanh nghiệp, trong các tòa nhà và trong đời sống xã hội,...
Ngoài ra, đề ra định hướng và phương án phát triển các cơ sở nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo, chú trọng hiệu quả hoạt động, ứng dụng công nghệ mới, cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, phát triển nguồn nhân lực; Vận động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại các địa phương trong từng lĩnh vực, trong doanh nghiệp và từng cá nhân; Từng bước tiếp nhận, chuyển giao và làm chủ công nghệ tiên tiến nhập khẩu, xây dựng và phát triển năng lực nội sinh về công nghệ trong doanh nghiệp, tập trung đầu tư xây dựng một số cơ sở hạ tầng kỹ thuật làm nền tảng phục vụ ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Minh Khuê