Thứ bảy, 21/12/2024 | 22:08 GMT+7

Hội thảo tham vấn về đề xuất sửa đổi định mức tiêu hao năng lượng cho ngành nhựa

06/09/2022

Ngày 06 tháng 9 năm 2022, tại Bắc Ninh đã diễn ra Hội thảo "Tham vấn và đào tạo về đề xuất sửa đổi định mức tiêu hao năng lượng cho ngành nhựa và hệ thống giám sát, báo cáo và thẩm tra về việc thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cấp tỉnh".

Hội thảo do Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững - Bộ Công Thương phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch tổ chức. Tham dự hội thảo có đại diện Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững - Bộ Công Thương, Đại sứ quán Đan Mạch, Cục Năng lượng Đan mạch, Sở Công Thương các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Hưng Yên, các doanh nghiệp và nhà khoa học trong lĩnh vực năng lượng và tiết kiệm năng lượng. 
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), cho biết: “Nhựa là ngành có mức độ tăng trưởng nhanh trong số các ngành công nghiệp với tốc độ tăng trưởng bình quân từ 16-18%/năm, chỉ sau viễn thông và dệt may.”
 Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) phát biểu khai mạc hội thảo.
Đại diện Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững cũng chia sẻ từ năm 2017, cùng với việc ban hành các quy định sửa đổi định mức tiêu hao năng lượng trong ngành nhựa (Thông tư số 38/2016/TT-BCT và Văn bản hợp nhất số 26/VBHN-BCT), hệ thống quy định và chế tài về định mức tiêu hao năng lượng trong lĩnh vực nhựa đã đầy đủ. Đây sẽ là cơ sở quan trọng thúc đẩy mức độ tuân thủ thực hiện giám sát, báo cáo và tiêu thụ năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tiêu thụ năng lượng trọng điểm. 
Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 (VNEEP3) đặt ra mục tiêu giảm tiêu hao năng lượng bình quân đối với ngành sản xuất nhựa từ 18-22% giai đoạn đến năm 2025 và từ 21-24% giai đoạn đến năm 2030. Để đạt được các mục tiêu đề ra, cũng như phù hợp với xu thế phát triển và tiêu thụ năng lượng của ngành, Bộ Công Thương đã chỉ đạo triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện tiết kiệm năng lượng (TKNL). 
Cụ thể, trong khuôn khổ Chương trình Hợp tác đối tác năng lượng Việt Nam – Đan Mạch giai đoạn 2020 - 2025 (DEPP3), dưới sự chỉ đạo của Bộ Công Thương, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững chủ trì quản lý hợp phần “Chuyển hoá carbon thấp trong các ngành công nghiệp Việt Nam” thông qua việc rà soát, cải thiện khung pháp lý về sử dụng năng lượng trong các ngành công nghiệp trọng điểm, từ đó nâng cao năng lực và hỗ trợ cho các doanh nghiệp công nghiệp thực hiện các giải pháp TKNL. 
Ngành nhựa là lĩnh vực tăng trưởng tiêu thụ năng lượng cao thứ ba trong các ngành công nghiệp, chỉ sau viễn thông và dệt may. Theo thống kê tiêu thụ năng lượng năm 2019, tiêu thụ điện trong lĩnh vực cao su và nhựa tăng từ 5,7 tỷ kWh năm 2016 lên 7,62 tỷ kWh năm 2019. 
Theo Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam (EOR21), sử dụng năng lượng hiệu quả là công cụ thiết thực và hiệu quả trong việc thúc đẩy các mục tiêu phát triển kinh tế carbon thấp, đồng thời đảm bảo an ninh năng lượng. Theo tính toán, tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng của Việt Nam dự kiến tăng gấp đôi trong mười năm tới. Điều này đặt ra nhiều thách thức, đồng thời cho thấy nhu cầu cần thiết để tập trung vào các chương trình cải thiện sử dụng năng lượng hiệu quả. 
Ông Mr. Henrik Nybo Lomholt, Chuyên gia tư vấn Cục Năng lượng Đan Mạch, đánh giá Việt Nam đã có chính sách tương đối hoàn thiện để thúc đẩy TKNL trong các ngành công nghiệp tiêu thụ năng lượng trọng điểm, tuy nhiên vẫn còn nhiều khu vực có thể cải thiện hiệu quả tiêu thụ năng lượng.  
Theo kinh nghiệm từ Đan Mạch, cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng có thể đem lại lợi ích đáng kể cho doanh nghiệp ở khía cạnh giảm chi phí sản xuất và giảm phát thải carbon. Đây cũng là giải pháp hiệu quả về mặt chi phí để giảm áp lực phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng. 
Ông Henrik Nybo Lomholt, Đại diện Cục Năng lượng Đan Mạch chia sẻ một số kinh nghiệm từ Đan Mạch và hoạt động của chương trình DEPP3. 
Tại hội thảo, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã trình bày về đề xuất sửa đổi định mức tiêu hao năng lượng cho ngành nhựa và hệ thống hỗ trợ giám sát, báo cáo và thẩm tra thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Các khảo sát cho thấy hiện nay mức độ tuân thủ quy định về định mức tiêu hao năng lượng của doanh nghiệp ngành nhựa còn hạn chế. Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp nộp báo cáo là 50,56%, tỷ lệ đạt định mức tiêu hao năng lượng là 37,99%, tỷ lệ doanh nghiệp có kế hoạch cải thiện hiệu suất tiêu hao năng lượng là 22,47%. 
Nhận định về thực trạng tuân thủ quy định về định mức tiêu hao năng lượng, các chuyên gia trong nước và quốc tế cho biết có nhiều nguyên nhân. Theo đó, các thách thức đến từ phía cơ quan quản lý là thiếu công cụ, cơ chế thúc đẩy sự tuân thủ. Hạn chế này đang dần được dỡ bỏ từ thời điểm công bố các quy định sửa đổi về định mức tiêu hao năng lượng trong ngành nhựa.
Về phía doanh nghiệp, các chuyên gia nhận định khó khăn chính đến từ định mức quá cao khiến nhiều doanh nghiệp khó tuân thủ, thiếu công cụ hỗ trợ kiểm soát và thu thập số liệu sử dụng năng lượng, thiếu sự hỗ trợ của cơ quan quản lý. Ngoài ra, khó khăn còn đến từ việc đa số doanh nghiệp sử dụng công nghệ sản xuất tiêu tốn nhiều năng lượng, trong khi đó việc tiếp cận vốn hỗ trợ đầu tư đổi mới còn hạn chế, đặc biệt với doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Theo khảo sát trên 566 doanh nghiệp tiêu thụ năng lượng trọng điểm trong sáu lĩnh vực, tỷ lệ nộp báo cáo ở từng phân ngành gồm chế biến thuỷ sản 20%, bia-nước giải khát 20%, ngành giấy 13%, ngành nhựa 4%, thép 3% và mía đường 0%. Tỷ lệ doanh nghiệp nộp báo cáo định mức là 10,6%.
Theo ông Dương Chí Công, chuyên gia tư vấn từ Công ty CP Giải pháp Công nghệ Việt Nam (VETS), đặc thù của ngành nhựa là sản phẩm rất đa dạng, nhiều chủng loại, kích thước và thay đổi theo từng đơn đặt hàng do đó doanh nghiệp rất khó khăn trong việc tính toán định mức. “Chẳng hạn, trong lĩnh vực nhựa vật liệu xây dựng có sự khác biệt rất lớn trong sử dụng năng lượng cho từng loại nguyên liệu PVC, PP-R, HDPE…”, ông Công dẫn chứng. 
Đồng quan điểm trên, chuyên gia Đan Mạch ông Peter Kristensen, cho biết rất khó để xây dựng định mức mục tiêu công bằng cho tất cả các doanh nghiệp. Thay vào đó, ông cho rằng nên điều chỉnh định mức tiêu hao năng lượng mục tiêu theo nhóm sản phẩm đồng nhất được xác định bằng mã sản phẩm. Đồng thời, mỗi doanh nghiệp cần ý thức được trách nhiệm và lợi ích trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng tại cơ sở của mình. 
Các đại biểu tham dự hội thảo.
Để cải thiện mức độ tuân thủ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, một số giải pháp đã được các đại biểu tham dự hội thảo đề xuất. Theo đó, bên cạnh việc áp dụng các chế tài xử phạt, các chuyên gia đề xuất giới thiệu các chương trình khuyến khích, khen thưởng cho các doanh nghiệp xuất sắc trong sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Bên cạnh đó, đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức về định mức tiêu hao năng lượng, tập trung vào lợi ích của doanh nghiệp khi đạt các định mức này; cung cấp công cụ hỗ trợ giám sát, thẩm tra cho các cơ quan quản lý và công cụ giúp doanh nghiệp theo dõi, báo cáo và dự báo mức tiêu thụ năng lượng của mình, từ đó xây dựng kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. 
Cũng tại hội thảo, các đại diện tham dự đã được giới thiệu về hệ thống công cụ hỗ trợ giám sát, báo cáo và thẩm tra việc thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Theo nhà phát triển, công cụ được xây dựng nhằm hỗ trợ các Sở Công Thương trong việc tính toán, đánh giá độ chính xác của các báo cáo được gửi lên từ doanh nghiệp, từ đó giúp đưa ra yêu cầu xác minh hoặc phê duyệt. Về phía doanh nghiệp, công cụ hỗ trợ doanh nghiệp xác định suất tiêu hao năng lượng trong năm, xác định xu hướng thay đổi mức tiêu hao năng lượng trong những năm tiếp theo. Trên cơ sở này, doanh nghiệp có thể xây dựng các kế hoạch thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả phù hợp. 
Giang Nguyễn – Hoàng Loan