Thứ sáu, 01/11/2024 | 16:38 GMT+7

Quản lý năng lượng - giải pháp phát triển bền vững cho doanh nghiệp

08/07/2022

Việc quản lý tốt năng lượng không chỉ giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, tối ưu hóa quá trình sản xuất và tăng năng suất lao động mà còn giúp doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn của chính phủ trong giảm thải carbon.

Trước tình hình giá nhiên liệu tăng cao do những biến động trên thế giới, vấn đề quản lý năng lượng tại các doanh nghiệp lại được quan tâm hơn bao giờ hết. Bởi lẽ, cũng giống như các nước đang phát triển khác, nhu cầu sử dụng năng lượng của Việt Nam đang tăng lên nhanh chóng. 
Đối với mỗi doanh nghiệp, việc quản lý tốt năng lượng không chỉ giúp tiết kiệm chi phí, tối ưu hóa quá trình sản xuất và tăng năng suất lao động mà còn có thể giúp doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn của chính phủ trong giảm thải carbon. Mặt khác, việc quản lý năng lượng còn giúp doanh nghiệp hội nhập quốc tế và giúp tiết kiệm chi phí đầu tư về năng lượng 10-20%, đồng thời góp phần đảm bảo an ninh năng lượng hướng đến đáp ứng cam kết của Chính phủ Việt Nam vào 2050 hướng đến phát thải bằng 0.
Ngành công nghiệp ở Việt Nam hiện chiếm hơn 47% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc, với tiềm năng tiết kiêm năng lượng lên tới 30-35%.
Quản lý năng lượng đem lại cho doanh nghiệp không ít những lợi ích. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc quản lý năng lượng của nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thực sự hiệu quả. Lý giải về vấn đề này, ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương cho rằng, mặc dù đã có các khung pháp lý và văn bản hướng dẫn cụ thể về việc thi hành việc quản lý năng lượng nhưng trên thực tế, do việc nhận thức của doanh nghiệp vẫn chưa đầy đủ về lợi ích mà tiết kiệm năng lượng mang lại nên dẫn đến tình trạng ngại ngần bỏ ra các chi phí để xây dựng mô hình quản lý năng lượng, khiến việc quản lý năng lượng tại các doanh nghiệp chưa thực sự hiệu quả.
Về phía doanh nghiệp, ông Đồng Mai Lâm - Tổng giám đốc Schneider Electric Việt Nam và Campuchia đồng tình với ông Trịnh Quốc Vũ và nhận định: “Để tạo ra quy trình hiệu quả trong quản lý năng lượng không chỉ yêu cầu về công nghệ mà còn phải nâng cao nhận thức của doanh nghiệp”.
Bên cạnh đó, giải pháp nâng cao chất lượng quản lý năng lượng mà phía doanh nghiệp đưa ra xoay quanh 4 yếu tố chính: đo lường và thu thập dữ liệu; phân tích dữ liệu để đưa ra giải pháp; tối ưu hóa sử dụng năng lượng, và giám sát việc thực thi hiệu quả.
Trước những giải pháp từ phía doanh nghiệp, ông Trịnh Quốc Vũ cũng nêu ra các giải pháp thiết thực từ phía cơ quan quản lý. Theo đó, bên cạnh quy định về xử phạt các doanh nghiệp chưa đáp ứng tiêu chí quản lý năng lượng, chính phủ đang nghiên cứu cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp quản lý năng lượng hiệu quả. 
Cùng với đó, đẩy mạnh công tác hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng nghiêm túc việc xây dựng mô hình quản lý năng lượng và thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng, giúp doanh nghiệp và quốc gia giảm lượng tiêu thụ năng lượng, bảo tồn năng lượng quốc gia, giảm phát thải khí nhà kính. Cụ thể, từ năm 2014, Bộ Công Thương đã xây dựng các quy định về định mức tiêu hao năng lượng cho các ngành công nghiệp tiêu thụ trọng điểm bao gồm các ngành như ngành hóa chất, sản xuất giấy, sản xuất nhựa, sản xuất bia, nước giải khát,… Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Xây dựng cũng ban hành các quy định về định mức tiêu hao năng lượng trong các lĩnh vực như sản xuất vật liệu xây dựng. 
“Doanh nghiệp hiện vẫn ngần ngại bỏ ra các chi phí để xây dựng mô hình quản lý năng lượng” - Ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, Bộ Công Thương.
Ông Trịnh Quốc Vũ nhấn mạnh: “Trong thời gian tới, các cơ quan quản lý cũng như các doanh nghiệp cần có hành động thiết thực và kế hoạch chặt chẽ trong việc xây dựng quy trình và tìm kiếm giải pháp quản lý năng lượng nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Đồng thời, các bộ ngành địa phương cần thúc đẩy hơn nữa các quy định của luật về sử dụng tiết kiệm năng lượng.” 
Với các giải pháp trên, Bộ Công Thương kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao công tác giám sát quản lý năng lượng tốt hơn cũng như tạo áp lực cho các doanh nghiệp trong các lĩnh vực sản xuất trọng điểm áp dụng các biện pháp quản lý năng lượng và thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng đề ra. 
Ngành công nghiệp ở Việt Nam hiện chiếm hơn 47% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc, với tiềm năng tiết kiệm năng lượng lên tới 30-35%. Vì vậy, việc các doanh nghiệp sản xuất tăng cường triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu doanh nghiệp phát triển bền vững.
Nhiều năm qua, Bộ Công Thương đã thông qua các nguồn tài trợ để hỗ trợ các doanh nghiệp quản lý năng lượng. Cụ thể năm 2017 đã xây dựng và triển khai dự án tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam và được Ngân hàng Thế giới hỗ trợ vay vốn quy mô 100 triệu USD. Gần đây thông qua quỹ GCF (Quỹ Khí hậu xanh) và Ngân hàng Thế giới, tiếp cận nguồn vốn thiếp lập quỹ bảo lãnh vốn vay cho các dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng quy mô 75 triệu USD. Ngoài ra Bộ Công Thương cũng là đầu mối của Chính phủ tiếp nhận nguồn tài trợ không hoàn lại trong dự án này quy mô 8,3 triệu USD hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp đầu tư vào giải pháp tiết kiệm năng lượng.
Tố Quyên