Xi măng Vicem Hạ Long mỗi năm trung bình sản xuất đạt từ 1,6-1,9 triệu tấn clinker và 1,4-2,2 triệu tấn xi măng. Do đó, nhiều năm qua, công ty luôn là khách hàng trọng điểm của Công ty Điện lực Quảng Ninh. Thống kê mỗi năm, công ty chi khoảng 20-23 tỷ đồng tiền điện và nguồn kinh phí này đang chiếm tới 14-17% chi phí giá thành sản xuất của đơn vị.
Việc sử dụng điện trong giờ cao điểm, thấp điểm đều được lãnh đạo Công ty giám sát và tổ chức điều hành chặt chẽ.
Để tăng lợi nhuận, giảm giá thành sản phẩm, bên cạnh việc sử dụng tro bay, thạch cao nhân tạo, bùn thải… thay thế các nguyên liệu đầu vào, công ty cũng tập trung tối đa các giải pháp để tiết giảm năng lượng. Cụ thể, công ty đã cho khảo sát, quy hoạch lại hệ thống cấp điện, xăng, dầu cho các phụ tải; lắp đặt biến tần khởi động mềm cho thiết bị công suất lớn; thay thế toàn bộ bóng đèn sợi đốt bằng bóng đèn led; thay thế hệ thống điều hòa cũ bằng hệ thống điều hòa biến tần inverter; cải tiến hệ thống máy móc để nâng công suất tối đa cho các lò đốt.
Công ty cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt đến toàn thể người lao động về việc sử dụng các thiết bị điện tiết kiệm như: Tắt các thiết bị không cần thiết khi ra khỏi phòng; cắt hẳn nguồn điện nếu không sử dụng các thiết bị; tận dụng tối đa nguồn ánh sáng và thông gió tự nhiên…
Tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải, Công ty đã hạn chế tối đa việc sử dụng máy nghiền vào giờ cao điểm.
Đặc biệt, năm 2019, khi Công ty Điện lực Quảng Ninh triển khai chương trình điều chỉnh phụ tải và là một trong những khách hàng trọng điểm đầu tiên trên địa bàn tỉnh tự nguyện ký cam kết tham gia, được đánh giá là một trong những cách làm mang tính đột phá của đơn vị. Sau khi tham gia chương trình, hằng năm công ty đều xây dựng kế hoạch điều hành sản xuất trong mùa nắng nóng; xây dựng các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, đảm bảo sử dụng đúng công suất và biểu đồ phụ tải đã đăng ký trong hợp đồng mua bán điện; bố trí kế hoạch sản xuất hợp lý, hạn chế tối đa việc sử dụng các thiết bị có công suất tiêu thụ điện lớn (máy nghiền, trạm bơm nước, máy nén khí...) vào giờ cao điểm; hạn chế tối đa các thiết bị điện hoạt động không tải hay hoạt động non tải; lập kế hoạch chi tiết về bảo trì, bảo dưỡng thiết bị; chú trọng đào tạo, nâng cao tay nghề của các kỹ sư vận hành. Đặc biệt, trong giờ cao điểm, công ty chỉ cho chạy các hệ thống bắt buộc như hệ thống lò và những giải pháp trên đều được quản lý, giám sát nghiêm ngặt tới từng bộ phận có liên quan.
Nhờ việc dịch chuyển thời gian sản xuất một cách hợp lý nên công ty vẫn đảm bảo không ảnh hưởng đến chất lượng sản xuất và công suất hoạt động của máy móc mà vẫn tiết kiệm được một sản lượng điện nhất định và làm lợi về giá điện. Theo thống kê, trước khi tham gia điều chỉnh phụ tải, trung bình mỗi ngày công ty sử dụng 21-22MW thì từ năm 2019 đến nay, mỗi ngày công ty chỉ còn sử dụng 16-17MW. Cách làm này đã đảm bảo chia sẻ cùng ngành điện trong những thời điểm thời tiết thiên tai nắng nóng cực đoan có khó khăn về nguồn cung ứng điện.
Xuất hàng tại xi măng Vicem Hạ Long.
Ông Vũ Văn Tăng, Phó Tổng Giám đốc Công ty, chia sẻ: Là một trong những yếu tố cấu thành nên giá thành của sản phẩm, chi phí điện chiếm tỷ trọng không nhỏ bởi sản xuất xi măng là lĩnh vực cần tiêu tốn nguồn điện năng lớn. Định mức 1 tấn clinker tiêu tốn khoảng 60-61kWh/tấn, nhưng ở Vincem Hạ Long, nhờ áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ nên hiện chỉ còn 58kWh/tấn. Điều này đã giúp công ty tiết kiệm được khoảng 5 tỷ đồng/năm, tương đương với việc doanh nghiệp nâng cao được lợi nhuận mà vẫn góp phần giúp hệ thống điện luôn được vận hành an toàn, ổn định.
Với mục tiêu trở thành đơn vị điển hình trong ngành xi măng về “kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh", trong thời gian tới, công ty sẽ triển khai dự án tận dụng nhiệt dư trong sản xuất xi măng để phát điện lên hệ thống lưới điện quốc gia. Nếu dự án này sớm được đi vào thực tế, việc tiết kiệm điện của công ty sẽ có thêm bước đột phá lớn nữa khi dự kiến sẽ giảm được 1/3 lượng điện năng tiêu thụ.
Nguồn: Báo Quảng Ninh