Hà Nội sắp bước vào những tháng hè nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện chắc chắn tăng cao. Để nguồn cung ứng điện được ổn định, đầy đủ và chất lượng, cùng với những nỗ lực của ngành Điện trong bảo đảm nguồn cung, rất cần sự chung tay, góp sức của các hộ gia đình, doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh tiết kiệm điện sinh hoạt, sản xuất.
Thời gian qua, việc sử dụng điện tiết kiệm luôn được thành phố quan tâm, đẩy mạnh và đạt được hiệu quả cao. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, năm 2021, Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả như: Hỗ trợ trên 60 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, tòa nhà, công trình xây dựng triển khai tư vấn hỗ trợ kỹ thuật nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng; vận động trên 60 cơ sở tham gia công nhận danh hiệu Cơ sở sử dụng năng lượng xanh theo tiêu chí của thành phố; lựa chọn 5 đơn vị điển hình tư vấn tham gia giải thưởng Tiết kiệm năng lượng ASEAN; xây dựng chương trình truyền thông để phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức, kiến thức, khả năng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả với đa dạng các hình thức. Việc triển khai chương trình đã góp phần tiết kiệm 447,14 triệu kWh điện trong năm 2021, bằng 2,2% sản lượng điện thương phẩm.
Nhân viên Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội hướng dẫn người dân cách sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Năm 2022, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, tình hình thời tiết sẽ diễn biến phức tạp, có khả năng xảy ra các đợt nắng nóng kéo dài làm tăng nhu cầu sử dụng điện, gây quá tải cho hệ thống điện của thành phố.
Theo Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVNHANOI) Nguyễn Danh Duyên, mức tiêu thụ điện trong mùa hè năm 2022 dự kiến tăng cao trong khi việc cung ứng điện đang gặp nhiều khó khăn. Đây là những thách thức đặt ra cho ngành Điện, bởi vậy, việc sử dụng tiết kiệm điện vào thời gian cao điểm hè của các doanh nghiệp, cơ quan, công sở, hộ gia đình là rất cần thiết.
Theo Trưởng ban Truyền thông EVNHANOI Nguyễn Thị Thu Phương, hiện việc sử dụng điện tiết kiệm vẫn còn phụ thuộc vào nhận thức của người tiêu dùng. Một trong những thói quen phổ biến của người dân là không tắt đèn khi rời khỏi phòng hay không rút phích điện khi không sử dụng thiết bị. Thực tế, các thiết bị điện tử, đồ gia dụng vẫn tiêu thụ năng lượng khi đã tắt nhưng không rút phích cắm điện. "Nhu cầu sử dụng điều hòa nhiệt độ ở khu vực thành thị rất cao. Chỉ cần mỗi gia đình tiết kiệm khoảng 10% lượng điện tiêu thụ bằng cách sử dụng thiết bị ứng dụng công nghệ mới thì sản lượng điện tiết kiệm không hề nhỏ", bà Nguyễn Thị Thu Phương nói.
Theo đánh giá của các chuyên gia khoảng 30% sản lượng điện tiêu thụ dành cho chiếu sáng, bao gồm cả chiếu sáng dân dụng và công cộng. Tiết kiệm một nửa sản lượng điện dùng cho mục đích này tương đương với việc không phải đầu tư xây một nhà máy điện công suất khoảng 4.000MW.
Do vậy, việc tiết kiệm điện, sử dụng điện đúng cách là hết sức cần thiết. Năm 2022, Hà Nội đang triển khai kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế, tập trung giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thi công đưa các công trình, dự án trọng điểm vào hoạt động; các doanh nghiệp triển khai các dự án hạ tầng kỹ thuật khu, cụm công nghiệp và tổ chức sản xuất nên nhu cầu sử dụng điện là rất lớn.
Để tiếp tục triển khai Chương trình quốc gia về việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2022 trên địa bàn Hà Nội, thành phố đã ban hành kế hoạch hành động với mục tiêu phấn đấu đạt mức tiết kiệm năng lượng từ 1,3% đến 1,7% so với mức năng lượng dự báo nhu cầu, trong đó, tiết kiệm tối thiểu 2,2% tổng điện năng tiêu thụ, tương đương trên 450 triệu kWh.
Do đó, để chung sức cùng thành phố hoàn thành mục tiêu Chương trình quốc gia về việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2022, trên hết cần sự đồng hành của người dân, doanh nghiệp trong việc triển khai hiệu quả chương trình tiết kiệm điện bằng những hành động cụ thể như sử dụng đèn compact - LED, sử dụng điều hòa công nghệ mới có hiệu suất cao và tiết kiệm điện, tắt các thiết bị điện khi ra khỏi nhà, công sở...
Nguồn Hanoimoi