Chủ nhật, 08/12/2024 | 19:47 GMT+7

Tổng công ty Điện lực miền Bắc đồng hành cùng khách hàng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

08/04/2022

Sáng ngày 8/4/2022 tại Hà Nam, Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đã tổ chức Hội nghị gặp gỡ khách hàng năm 2022 với chủ đề “EVNNPC đồng hành cùng khách hàng sử dụng điện”. Hội nghị nhằm cung cấp các thông tin về dịch vụ khách hàng, tình hình cung cấp điện năm 2022, nhất là mùa nắng nóng cũng như triển khai chương trình tiết kiệm điện.

Tham dự hội nghị về phía Bộ Công Thương có ông Trần Tuệ Quang -  Phó Cục Trưởng Cục Điều tiết Điện lực, ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ Trưởng, Vụ Tiết kiệm Năng lượng và Phát triển bền vững; UBND tỉnh Hà Nam có sự tham dự của ông Nguyễn Anh Chức  - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nam. Ông Võ Quang Lâm – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam; bà Đỗ Nguyệt Ánh - Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Điện lực miền Bắc; ông Nguyễn Đức Thiện – Tổng giám đốc; các ông trong HĐTV và Ban Tổng Giám đốc và các ban chuyên môn Tổng công ty, cùng đại diện lãnh đạo tỉnh và các sở ngành 27 tỉnh miền Bắc tham trực tuyến qua cầu truyền hình kết nối đến trụ sở các Công ty Điện lực thuộc EVNNPC. 

Toàn cảnh hội nghị
Khai mạc Hội nghị bà Đỗ Nguyệt Ánh - Chủ tịch HĐTV EVNNPC cho biết: Hội nghị khách hàng năm 2022 là dịp để Tổng công ty có cơ hội được gặp mặt các lãnh đạo chính quyền địa phương, các khách hàng lớn, các đối tác trên địa bàn 27 tỉnh, thành phố phía Bắc. Hội nghị là cơ hội để Tổng công ty Điện lực miền Bắc cùng chính quyền địa phương các cấp, quý khách hàng và đối tác có cơ hội thấu hiểu nhau hơn, chia sẻ khó khăn, tăng cường quan hệ, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau, mở rộng hợp tác lâu dài, cùng có lợi. Chia sẻ, cập nhật thông tin về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ khách hàng, các giải pháp cung ứng điện và chương trình sử dụng điện tiết kiệm điện, đặc biệt trong bối cảnh miền Bắc đang có nguy cơ thiếu điện cục bộ ở một số thời điểm mùa nắng nóng năm 2022.
"Nhìn lại công tác điều chỉnh phụ tải (DR), nếu như năm 2019 mới có 2.440 khách hàng tham gia DR chiếm tỷ lệ 84%, thì đến năm 2020 đã có 3.303 khách hàng tham gia, chiếm tỷ lệ 95,4%, năm 2021 có 3.225 khách hàng tham gia DR chiếm tỷ lệ 95,9% với tổng tiềm năng tiết giảm khoảng 1.000 MW. Các khách hàng tham gia chương trình DR tự nguyện đã dịch chuyển thời gian sản xuất đảm bảo không ảnh hưởng đến chất lượng sản xuất và công suất hoạt động của máy móc nhưng vẫn tiết kiệm được một sản lượng điện nhất định, đảm bảo chia sẻ cùng ngành điện trong những thời điểm thời tiết thiên tai nắng nóng cực đoan có khó khăn về nguồn cung ứng điện buộc phải tiết giảm để đảm bảo an ninh năng lượng, an toàn hệ thống điện Quốc gia." - Bà Ánh thông tin thêm.
Tại Hội nghị ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triền bền vững, Bộ Công Thương cho biết, theo kịch bản phụ tải cao do EVN tính toán thì dự báo tăng trưởng nhu cầu điện năm 2022 là 11,5% và giai đoạn 2023-2025 là 10,36%/năm. Điều này đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho ngành điện trong việc đảm bảo cung cấp điện, vận hành ổn định, an toàn và liên tục hệ thống điện quốc gia.
Vì vậy, song song với việc khai thác các nguồn năng lượng sơ cấp để đáp ứng nhu cầu về năng lượng cho nền kinh tế và toàn xã hội, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất giúp giảm áp lực trong việc khai thác, chế biến và cung ứng các dạng năng lượng, giúp cải thiện hiệu quả của nền kinh tế, đồng thời giúp bảo tồn nguồn năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp cho việc thực hiện cam kết của Việt nam tại Thỏa thuận Paris năm 2015 về ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu cũng như tại Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu COP26 về thực hiện lộ trình giảm phát thải khí nhà kính về 0 vào năm 2050.
Ông Trịnh Quốc Vũ – Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triền bền vững, Bộ Công Thương phát biểu tại hội nghị.
"Hội nghị khách hàng của EVNNPC là dịp để Bộ Công Thương đồng hành cùng các địa phương, các cơ quan, đơn vị và các khách hàng sử dụng điện cùng nhau xác định mục tiêu, nội dung và giải pháp triển khai thực hiện các giải pháp sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm trong thời gian tới trong nhằm đảm bảo tính nhất quán, đồng bộ và vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Chính phủ. Đây cũng là cơ hội để các địa phương, cơ quan, đơn vị chia sẻ những kinh nghiệm, sáng kiến cũng như những khó khăn vướng mắc trong việc thực thi chức năng quản lý nhà nước và thực hiện các hoạt động thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc để cùng nhau thực hiện thắng lợi Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030."  - ông Trịnh Quốc Vũ nhấn mạnh.
Với trách nhiệm của chính quyền tại địa phương ông Nguyễn Anh Chức  - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, Hà Nam đã và đang tích cực triển khai các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, Chính phủ và Bộ Công Thương về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả như Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị; Quyết định 279/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ phê quyệt chương Chương trình quốc gia về Quản lý nhu cầu điện giai đoạn 2018- 2020, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 175/QĐ-BCT về Chương trình Điều chỉnh phụ tải điện của Bộ Công Thương; Chỉ thị 20 của Thủ tướng về Tiết kiệm điện và nhiều chương trình khác.
Theo đó, Hà Nam là tỉnh đang tập trung phát triển công nghiệp, nhu cầu sử dụng điện vẫn rất cao, tuy nhiên để sử dụng tiết kiệm điện hiệu quả, giảm áp lực cho công suất phụ tải đỉnh giờ cao điểm, chúng tôi mong rằng các doanh nghiệp trên địa bàn cùng chung tay với ngành điện, có kế hoạch sản xuất phù hợp, nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng. Tỉnh Hà Nam sẽ đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp trong chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả nói chung và chương trình quản lý nhu cầu, điều chỉnh phụ tải nói riêng, ông Chức cam kết.
Chia sẻ về kế hoạch cung ứng điện trong thời gian tới, ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, đối với miền Bắc, nhu cầu điện chiếm gần 50% toàn quốc và dự báo tốc độ tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước. Tuy nhiên các nguồn điện mới dự kiến hoàn thành hằng năm trong giai đoạn 2022-2025 luôn thấp hơn so với tăng trưởng phụ tải nên việc bảo đảm cung cấp điện ngày càng khó khăn và có thể xảy ra tình trạng thiếu hụt công suất đỉnh vào các tháng 5-8 là thời điểm nắng nóng, đồng thời do là cuối mùa khô nên công suất khả dụng các nhà máy thủy điện bị suy giảm. 
Trong bối cảnh giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào tăng cao, một số dự án truyền tải điện gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên EVN thực hiện đồng bộ hàng loạt các giải pháp để đảm bảo cung ứng điện như: (i) Đôn đốc các đơn vị trong toàn EVN đóng điện đúng tiến độ các công trình điện; (ii) Tăng cường việc nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc; (iii) Nỗ lực tối đa để có nguồn cung than ổn định cho các nhà máy nhiệt điện cũng như huy động tối đa các nguồn điện năng lượng tải tạo để bổ sung nguồn cung cho Hệ thống điện;(iv) Chuẩn bị đầy đủ thiết bị, vật tư dự phòng để phục vụ sản xuất, truyền tải và phân phối điện.

Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẳng định Ngành điện sẽ tập trung mọi nỗ lực bảo đảm cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống nhân dân.
Để đảm bảo an toàn vận hành hệ thống điện, EVN đề nghị Quý khách hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp hạn chế sử dụng công suất vào các giờ cao điểm trong các tháng nắng nóng, bố trí hợp lý và dịch chuyển sản xuất từ giờ cao điểm sang các giờ thấp điểm và bình thường. Đồng thời, EVN kêu gọi người dân và các khách hàng sử dụng điện thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện như: Tắt các thiết bị điện không cần thiết, tránh sử dụng nhiều thiết bị điện vào các giờ cao điểm, sử dụng hợp lý điều hoà nhiệt độ,... góp phần giảm bớt những khó khăn về nguồn điện.
Trong khuôn khổ hội nghị, đại diện các doanh nghiệp cũng trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm về công tác điều chỉnh phụ tải (DR) và tiết kiệm điện thực tế tại doanh nghiệp. Điển hình như tại Công ty cổ phần Prime Vĩnh Phúc, từ năm 2019 công ty đã tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải điện và xây dựng kế hoạch điều hành sản xuất trong mùa nắng nóng. Việc thực hiện tiết giảm nhiều lần với công suất tiết giảm Max khoảng 5.4 MW đã giúp công ty tiết giảm gần 40% tổng công suất sử dụng.
Hay tại Công ty TNHH thép Hòa Phát Hưng Yên, giai đoạn 2019-2020 công ty đã phối hợp với Công ty Điện lực (PC) Hưng Yên thực hiện 05 sự kiên DR có kế hoạch với mức tiết giảm công suất Max là 25 MW. Đặc biệt trong năm 2021 công ty đã thực hiện sa thải một số phụ tải trong những thời điểm cao điểm mùa hè khi lưới điện thiếu nguồn.
Để phối hợp thực hiện tốt các sự kiện DR, Công ty TNHH thép Hòa Phát Hưng Yên đã phân loại nhà máy ra 05 bộ phận sản xuất, đánh giá các mức độ thiệt hại khi các bộ phận này phải ngừng sản xuất đột xuất. Từ đó, phối hợp với PC Hưng Yên xây dựng quy trình phối hợp vận hành giữa 02 đơn vị nhằm đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện và sản xuất ổn định trong các tình huống, kịch bản thực hiện tiết giảm phụ tải khi xảy ra thiếu nguồn, đặc biệt là khi thực hiện các sự kiện DR có kế hoạch và tiết giảm khẩn cấp. 
Vinh danh các doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong phong trào Tiết kiệm điện và DR.
Tại Hội nghị khách hàng năm 2022, Tổng công ty Điện lực miền Bắc tôn vinh danh các doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong phong trào Tiết kiệm điện và DR.
Kết luận Hội nghị, ông Nguyễn Đức Thiện - Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc EVNNPC khẳng định, mục tiêu cao nhất của Tổng công ty là huy động tối đa mọi nguồn lực, quyết liệt và linh hoạt trong chỉ đạo điều hành để đảm bảo cung ứng điện an toàn, liên tục phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân góp phần cùng các doanh nghiệp và người dân hồi phục sản xuất và cuộc sống sau khi đại dịch dần được kiểm soát.
Để đạt được mục tiêu đó, đề nghị Quý khách hàng chủ động tăng năng lực để sản xuất tối đa trong tháng 4/2022, từ tháng 5 đế tháng 8/2022 các doanh nghiệp bố trí hợp lý sản xuất, tránh sản xuất vào các giờ cao điểm, đặc biệt là các phụ tải tiêu thụ công suất lớn của các ngành sản xuất thép, xi măng, luyện quặng, sản xuất vật liệu xây dựng. Đặc biệt, trong thời gian cao điểm nắng nóng (từ tháng 5-8/2022) đề nghị Quý khách hàng kết hợp bảo dưỡng, bảo trì thiết bị, dây chuyền sản xuất nhằm giảm tải cho lưới điện...
Việc đảm bảo cung ứng điện trong năm 2022 và các năm tiếp theo được dự báo là rất khó khăn, vì vậy EVNNPC rất mong nhận được sự chỉ đạo của Bộ Công Thương và các Tỉnh/Thành cũng như việc phối hợp chia sẻ của các doanh nghiệp và người dân để cung ứng điện liên tục, an toàn trong năm 2022.
Mai Anh - Minh Sơn