Thứ sáu, 22/11/2024 | 11:19 GMT+7

Hội thảo tham vấn cơ chế hỗ trợ và tài chính ưu đãi cho hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp

15/03/2022

Chiều ngày 14/3/2022, trong khuôn khổ Chương trình hợp tác đối tác năng lượng Việt Nam - Đan Mạch giai đoạn 2020-2025 (DEPP3) đã diễn ra hội thảo tham vấn các cơ chế hỗ trợ và tài chính ưu đãi cho đầu tư hiệu quả năng lượng tại các cơ sở công nghiệp.

Chiều ngày 14/3/2022, trong khuôn khổ Chương trình hợp tác đối tác năng lượng Việt Nam - Đan Mạch giai đoạn 2020-2025 (DEPP3) đã diễn ra hội thảo tham vấn các cơ chế hỗ trợ và tài chính ưu đãi cho đầu tư hiệu quả năng lượng tại các cơ sở công nghiệp. Hội thảo có sự tham gia của đại diện Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), Cơ quan năng lượng Đan Mạch, các Sở Công Thương, tổ chức quốc tế, ngân hàng và doanh nghiệp. 
Mở đầu Hội thảo, ông Hoàng Văn Tâm, đại diện Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (TKNL&PTBV) cho biết Hội thảo là cơ hội để các bên tham gia, cơ quan quản lý, doanh nghiệp, đơn vị cung cấp hỗ trợ tài chính, cùng chia sẻ kinh nghiệm, nhìn nhận những cơ hội, thách thức, từ đó xây dựng được cơ chế hợp tác chung hiệu quả. 
Thời điểm hiện tại các chính sách về giảm phát thải khí nhà kính (KNK) đang được đặt vào trọng tâm ưu tiên khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã chính thức có hiệu lực. Một trong những nội dung mới quan trọng là các quy định, lộ trình, mục tiêu giảm phát thải KNK và hạn ngạch phát thải trong từng lĩnh vực, ngành và tiểu ngành. Bên cạnh đó, các cơ chế thương mại quốc tế cũng đã thay đổi theo hướng khắt khe hơn về các trách nhiệm môi trường, giảm phát thải carbon.
Theo ông Tâm, hiệu quả năng lượng (HQNL) là công cụ thiết thực để doanh nghiệp thực hiện mục tiêu giảm phát thải KNK, nâng cao mức độ tuân thủ quy định pháp luật về BVMT. Đồng thời giúp doanh nghiệp giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh, đặc biệt trong các ngành công nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu cao. Các cơ chế hỗ trợ và tài chính ưu đãi là chất xúc tác quan trọng giúp thúc đẩy các dự án HQNL. 
Hội thảo tham vấn các cơ chế hỗ trợ và tài chính ưu đãi cho đầu tư hiệu quả năng lượng tại các cơ sở công nghiệp thuộc khuôn khổ Chương trình hợp tác đối tác năng lượng Việt Nam - Đan Mạch giai đoạn 2020-2025 (DEPP3). Ảnh chụp màn hình Hội thảo.
Nhu cầu về cơ chế thúc đẩy
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, chuyên gia tư vấn độc lập (RCEE-NIRAS) từ trước đến nay trong lĩnh vực công nghiệp đã có nhiều chương trình hợp tác thí điểm về thúc đẩy HQNL. Ví dụ một số dự án điển hình đã và đang được thực hiện như Thúc đẩy tiết kiệm trong các ngành công nghiệp Việt Nam (VSUEE, 2019-2024), Tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam (WB-VEEIE, 2018-2022), dự án Sử dụng năng lượng hiệu quả và sản xuất sạch hơn tại Việt Nam (2010-2012) đều cung cấp những gói hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho doanh nghiệp thực hiện giải pháp TKNL, kiểm toán năng lượng, ESCO... Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đang nhận được nhiều chính sách khuyến khích thực hiện HQNL thông qua biểu giá điện hỗ trợ (FIT) cho năng lượng tái tạo, cơ chế phát triển sạch hay cơ chế tín chỉ chung. 
Chuyên gia tư vấn khẳng định các dự án đã tạo tiền đề tốt cho việc cân nhắc một Chương trình thỏa thuận tự nguyện (VA) thí điểm trong lĩnh vực công nghiệp. Điển hình, trong khuôn khổ dự án GEF/WB "Tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn tại Việt Nam", Bộ Công Thương và bảy doanh nghiệp đã ký kết các thỏa thuận, từ đó thực hiện nhiều nỗ lực tăng HQNL, giảm chi phí sản xuất. 
Tư vấn cũng nhận định rằng, hiệu quả tổng thể về TKNL trong lĩnh vực công nghiệp vẫn còn thấp, chưa tương xứng tiềm năng. Thực tế cho thấy trong giai đoạn vừa qua công nghiệp vẫn là lĩnh vực tiêu tốn nhiều năng lượng khi chiếm 54% nhu cầu năng lượng cuối cùng vào năm 2018, tăng gấp bốn lần kể từ năm 2000, và hiện chiếm 60% tổng lượng điện tiêu thụ. Theo Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam, tổng nhu cầu tiêu thụ năng lượng cuối cùng có thể tăng lên gấp 3,5 lần vào năm 2050. Đây là một áp lực rất lớn cho hệ thống năng lượng quốc gia gồm cả nguồn cung và phân phối. Đồng thời tác động không nhỏ lên cả nền kinh tế. 
Công nghiệp là lĩnh vực chiếm 60% tổng tiêu thụ năng lượng cuối. 
Chuyên gia cũng nhận định các thách thức chính trong đầu tư HQNL trong lĩnh vực công nghiệp gồm nhiều yếu tố. Trong đó các thách thức chính liên quan đến nhận thức, kiến thức về HQNL hạn chế; năng lực thực hiện các dự án HQNL có thể mang lại lợi nhuận thấp; độ phức tạp và tính rủi ro đầu tư HQNL cao; thiếu lựa chọn tài chính khả thi về mặt thương mại. Ngoài ra, mạng lưới dịch vụ năng lượng chưa phát triển, giá điện so với mặt bằng chung chưa thực sự gây áp lực lên chi phí sản xuất... khiến đầu tư HQNL chưa được doanh nghiệp quan tâm đúng mức. 
Cơ chế thỏa thuận tự nguyện
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy các chương trình quốc gia như Cơ chế thỏa thuận tự nguyện (VA) đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy đầu tư HQNL. Hiện nay VA đã được triển khai ở hơn 30 quốc gia và được đánh giá là biện pháp chính sách hiệu quả về chi phí, mang lại lợi ích  cho các ngành kinh tế và cả xã hội. 
Ví dụ, tại Đan Mạch, các công ty tham gia VA tự nguyện được hoàn thuế năng lượng, tạo ưu thế cạnh tranh. Nghĩa vụ doanh nghiệp phải trả lại là triển khai hệ thống quản lý năng lượng ISO 50001, thực hiện các dự án TKNL. Trong giai đoạn từ 2015-2021, hơn 100 doanh nghiệp lớn chiếm 2/3 tổng lượng tiêu thụ điện trong ngành sản xuất đã tham gia chương trình VA tự nguyện này của chính phủ. Đổi lại, 1.300 dự án HQNL đã được triển khai, giúp tiết kiệm 7% tổng lượng điện tiêu thụ. 50% mức TKNL sẽ không đạt được nếu không có chương trình VA.
Đánh giá quá trình thí điểm chương trình VA cho các ngành công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2016 - 2017 đã khẳng định những kinh nghiệm quốc tế. Theo đó, bên cạnh các công cụ như hệ thống kiểm toán, quản lý năng lượng (như ISO 50001), định hướng công nghệ, nâng cao năng lực; động lực tài chính là cần thiết để thúc đẩy sự quan tâm, mức độ cam kết của các doanh nghiệp thí điểm VA tiềm năng.
Dựa trên phân tích đánh giá, các chuyên gia đưa ra ba phương án thiết kế cơ chế thỏa thuận tự nguyện thực hiện HQNL trong lĩnh vực công nghiệp gồm: VA không có ưu đãi đầu tư, VA với hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn thương mại và tài chính khí hậu, và VA có ưu đãi đầu tư của chính phủ. Đánh giá hiệu quả tiềm năng của ba phương án, đồng thời xem xét các quy định hiện hành của Chính phủ Việt Nam, phương án 2 được cho là tạo được động lực thúc đẩy đầu tư HQNL. 
Ông Carsten Glenting, chuyên gia tư vấn, nhận định mặc dù phương án 2 không có ưu đãi đầu tư công, nhưng khả năng nhận được tiếp cận nguồn vốn thương mại và tài chính khí hậu sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho doanh nghiệp tham gia VA. Từ đó đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho chính doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Về phía doanh nghiệp, đầu tư HQNL giúp giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện hiệu suất quy trình, sử dụng nguyên liệu hiệu quả và xây dựng hình ảnh doanh nghiệp xanh. Đối với nền kinh tế nói chung, đầu tư HQNL tạo ra nhiều việc làm trong lĩnh vực dịch vụ năng lượng (EMS, kiểm toán, tư vấn, chứng nhận ISO, hành chính...), giảm phát thải CO2 và khí thải có hại cho môi trường, sức khỏe con người, giảm áp lực vào hệ thống sản xuất-truyền tải-phân phối điện, tăng cường an ninh năng lượng và tiết kiệm ngân sách chi cho nhập khẩu năng lượng...
Việt Nam đang có nhiều cơ hội thuận lợi để triển khai VA trong lĩnh vực công nghiệp.
Chuyên gia Đan Mạch nhận định, bối cảnh hiện tại đang có nhiều cơ hội để triển khai VA trong lĩnh vực công nghiệp khi đã có thử nghiệm và đạt được một số thành công nhất định. Một số mô hình tiếp cận vốn thương mại cho HQNL đang được triển khai, như dự án VEEIE, hợp tác qua mô hình ESCO. Mặt khác, các hành lang pháp lý nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy phát triển thị trường carbon (Luật Bảo vệ môi trường 2020, Nghị định 06/2022/NĐ-CP) sẽ là cú hích mạnh để các doanh nghiệp nhập cuộc tích cực hơn trong thời gian tới. 
Đại diện các doanh nghiệp tỏ ra quan tâm tới vấn đề cơ chế hỗ trợ tài chính và phi tài chính cho các dự án hiệu quả năng lượng ngay tại thời điểm này. Đồng thời ngỏ ý muốn được tham gia vào Chương trình. Về vấn đề này, ông Hoàng Văn Tâm cho biết, hiện nay Chương trình DEPP3 đã xác định được danh mục các địa phương tham gia thực hiện thí điểm. Tuy nhiên, đại diện Vụ TKNL&PTBV khẳng định, tất cả doanh nghiệp trên cả nước có mục tiêu, điều kiện phù hợp đều được hỗ trợ kỹ thuật để thực hiện các dự án HQNL, từ thiết kế, tư vấn công nghệ, kiểm toán năng lượng, thiết lập báo cáo... Lợi ích trả lại cho doanh nghiệp sẽ là chi phí năng lượng giảm, hoàn thành trách nhiệm môi trường - xã hội. Các yếu tố này đặc biệt có giá trị cạnh tranh khi doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, ông Tâm khẳng định. 
Sau hội thảo, các chuyên gia sẽ tiếp tục thảo luận, tham vấn các doanh nghiệp, địa phương trên cả nước đề xây dựng một đề xuất VA phù hợp với bối cảnh Việt Nam, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm môi trường, tăng tính cạnh tranh; đồng thời đóng góp hiệu quả trong việc đạt mục tiêu giảm phát thải KNK và đảm bảo an ninh năng lượng. 
Giang Nguyễn