Thời gian qua, để các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có nhận thức đúng về hiệu quả sử dụng năng lượng tiết kiệm, Sở Công Thương Quảng Ngãi đã thực hiện công tác tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp nắm bắt và thực hiện Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp đã tích cực lựa chọn sử dụng các công nghệ hiện đại, nhằm giảm tiêu hao năng lượng, giảm bớt khí thải trong hoạt động sản xuất.
Nhiều doanh nghiệp tìm ra những giải pháp tối ưu để tiết kiệm năng lượng như đổi mới công nghệ sản xuất, sử dụng điện an toàn và hiệu quả.
Là doanh nghiệp hoạt động trong ngành nghề chế biến thủy sản, nhất là sản phẩm đông lạnh xuất khẩu, Công ty TNHH Chế biến Thủy sản Tân Thành bình quân hằng tháng phải trả trên 500 triệu tiền điện. Hai khâu tiêu tốn điện nhiều nhất là cấp đông và bảo quản sản phẩm trước khi xuất hàng. Để tiết kiệm điện, công ty đã tính toán nhiều giải pháp như nhập hàng, xuất hàng dựa trên thời tiết mát mẻ để khi vận hành hệ thống lạnh nhanh nhất. Các hệ thống lạnh vận hành sẽ được thực hiện vào những giờ thấp điểm.
Bên cạnh đó, Công ty có riêng một tổ vận hành máy, thường xuyên kiểm tra công suất và biểu đồ phụ tải, hạn chế tối đa việc huy động thiết bị tiêu thụ công suất điện lớn. Đối với hệ thống lạnh, Công ty thường xuyên kiểm tra bộ phận trao đổi nhiệt, vệ sinh thường xuyên từ 3 tháng, 6 tháng để tăng năng suất trao đổi nhiệt, tiết kiệm được năng lượng; thường xuyên theo dõi các thông số vận hành; đồng thời, bố trí thời gian cấp đông, trữ đông hợp lý hơn, hạn chế việc đóng mở cửa kho để giảm bớt tổn thất nhiệt. Không những vậy, hàng tháng, Công ty TNHH Chế biến Thủy sản Tấn Thành còn theo dõi lượng điện tiêu thụ, tiêu tốn trong một tháng trên đơn vị sản phẩm, từ đó có những phân tích cụ thể để có những giải pháp phù hợp.
Ông Đoàn Thái Nguyên - Phó Giám đốc Công ty TNHH chế biến Thủy sản Tấn Thành thông tin: “Năm 2020 công ty đã đầu tư thêm một hệ thống cấp đông hiện đại giá 7 tỷ đồng. Công nghệ mới rút ngắn thời gian cấp đông cho sản phẩm, tự động ngắt khi đã đủ lạnh, giúp giảm thiểu được tiền điện đáng kể. Nhiều giải pháp được Công ty chúng tôi nghiên cứu thực hiện để giảm chi phí và giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh, nâng cao thu nhập cho người lao động”.
Hay tại Công ty Thép Hòa Phát Dung Quất cho biết, Hòa Phát áp dụng các giải pháp công nghệ tuần hoàn khép kín, thu hồi triệt để nhiệt năng dư thừa để vận hành máy phát điện. Dây chuyền hiện đại của các nước G7 giúp tối ưu hóa sản xuất, tận dụng mọi nguồn nhiệt, khí dư thừa trong quá trình luyện than coke, luyện gang để nâng cao hiệu suất phát điện.
Trong đó, Khu liên hợp Sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất hiện có 4 tổ máy phát điện với tổng công suất 240 MW. Tổng lượng điện phát lên trạm 110 kV trong nửa đầu năm của Công ty đạt 815 triệu kWh, bằng sản lượng điện phát cả năm 2020. Điều này đồng nghĩa với việc Hòa Phát Dung Quất tự chủ 70% điện sản xuất.
Trạm phát điện Khu liên hợp Sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất.
Cũng bắt đầu bằng việc nâng cao ý thức sử dụng điện, Nhà máy may Vinatex Quảng Ngãi cho biết ngoài việc tận dụng ánh sáng tự nhiên, doanh nghiệp còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền tiết kiệm điện đến từng công nhân. Nhờ đó mà mỗi công nhân ở nhà máy luôn nâng cao nhận thức về tiết kiệm.
Chị Châu Thị Loan, công nhân Nhà máy may Vinatex Quảng Ngãi cho biết, hơn 700 công nhân đang làm việc tại đây đề có ý thức tiết kiệm điện bằng những việc làm cụ thể. “Để tiết kiệm điện, hết giờ hết ca thì toàn bộ ánh sáng đều tắt. Những vị trí nào tồn hàng mà công nhân xin ở lại làm ca thì để lại bóng điện, còn không thì trước khi ra về đều tắt hết”.
Vấn đề sử dụng hợp lý, hiệu quả và tiết kiệm năng lượng ngày càng có ý nghĩa đối với doanh nghiệp. Những kết quả bước đầu của các doanh nghiệp tại Quảng Ngãi trong việc thực hiện tiết kiệm năng lượng đã góp phần trong việc bảo tồn tài nguyên quốc gia và bảo vệ môi trường. Đây cũng là việc làm cấp thiết trong hiện tại cũng như lâu dài ở nước ta.
Mai Anh