Thứ ba, 24/12/2024 | 10:46 GMT+7

Lợi ích kép từ lắp đặt điện mặt trời mái nhà

02/11/2021

Nghệ An được đánh giá là địa phương có tiềm năng về năng lượng mặt trời lớn. Lựa chọn nguồn năng lượng mặt trời thân thiện với môi trường, giúp tiết kiệm nguồn năng lượng, mang lại hiệu quả nhiều mặt đang được Sở Công Thương hướng tới, mà trước mắt là xây dựng mô hình thí điểm lắp đặt điện mặt trời mái nhà cho các cơ quan, công sở.

Tiềm năng lớn
Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước. Căn cứ tài liệu khảo sát về bức xạ mặt trời và bản đồ tiềm năng năng lượng mặt trời Việt Nam do Cơ quan Năng lượng Việt Nam và Cơ quan hợp tác phát triển Tây Ban Nha (AECID) tổ chức đánh giá tỉnh Nghệ An nằm trong khu vực có tiềm năng về năng lượng mặt trời lớn, bức xạ mặt trời trung bình khoảng 4.73kWh/m2/ngày. Các tỉnh ở phía Bắc (từ Thừa Thiên Huế trở ra) bình quân trong năm có chừng 1.800 - 2.100 giờ nắng. Trong đó, các vùng Tây Bắc (Lai Châu, Sơn La, Lào Cai) và các vùng Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh) được xem là vùng có nắng nhiều.
Trong những năm gần đây, việc tiêu thụ năng lượng gia tăng đáng kể, cơ cấu tiêu thụ năng lượng chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, do quản lý cũng như làm tốt công tác tuyên truyền nên việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ngày càng được quan tâm. Tuy vậy, ngành năng lượng nước ta nói chung và ở tỉnh Nghệ An nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế; các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn; nhiều dự án điện bị chậm so với quy hoạch, kế hoạch; một số chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng đang biến động theo chiều hướng bất lợi.
Điện áp mái trụ sở một doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Vinh. Ảnh: Thu Huyền
Công tác quản lý, khai thác nguồn tài nguyên năng lượng còn một số hạn chế. Hiệu quả khai thác, sử dụng năng lượng còn thấp. Cơ sở hạ tầng ngành năng lượng còn thiếu và chưa đồng bộ, chính sách giá năng lượng còn bất cập, chưa hoàn toàn phù hợp với cơ chế thị trường, chưa tách bạch với chính sách an sinh xã hội. Đặc biệt, công tác bảo vệ môi trường trong ngành năng lượng có nơi, có lúc chưa được quan tâm đúng mức, gây bức xúc xã hội.
Chính vì vậy, lựa chọn nguồn năng lượng mặt trời trong giai đoạn hiện nay là nguồn năng lượng sạch, thân thiện với môi trường; giúp giảm sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch (dầu mỏ, than đá...), Giảm được chi phí trả cho lượng điện năng sử dụng hàng tháng. Hệ thống cũng không phát sinh các chi phí hàng tháng khác và rất ít khi phải bảo dưỡng. Nhờ đó, mà việc sử dụng điện luôn ổn định và tiết kiệm. 
Ngoài ra, hệ thống điện mặt trời mái nhà rất phù hợp khi lắp đặt cho các cơ quan, công sở vì thời gian làm việc chủ yếu vào buổi ngày nên tận dụng được tối đa nguồn năng lượng này. Mặt khác, Chính phủ đã có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các hộ gia đình, các cơ quan hành chính sử dụng hệ thống điện mặt trời hòa lưới.
Cần xem xét xây dựng mô hình thí điểm
Thi công điện áp mái nhà. Ảnh: Thu Huyền
Thực hiện chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Chính phủ, nhằm tiết kiệm sử dụng năng lượng hóa thạch và góp phần bảo vệ môi trường, đảm bảo tiết kiệm tối thiểu 5,0% tổng điện năng tiêu thụ trong năm, Sở Công Thương đang trình tỉnh chủ trương xây dựng Đề án “Lắp đặt mô hình thí điểm hệ thống điện mặt trời mái nhà cho cơ quan, công sở”. Mục tiêu nhằm góp phần vào mục tiêu đến cuối năm 2025 có khoảng 100.000 hệ thống điện mặt trời mái nhà (hoặc tương đương 1.000Mwp) được lắp đặt và vận hành.
Trên cơ sở đó, Sở Công Thương cũng khảo sát địa điểm và phương án lắp đặt mô hình thí điểm tại một số đơn vị, xây dựng phương án cung cấp điện mặt trời, tính toán lượng điện năng sản xuất và dự kiến thi công mô hình thí điểm điện mặt trời.
"Theo tính toán, chi phí đầu vào, đầu ra thì thời gian hòa vốn của hệ thống là sau 4 năm. Đánh giá tất cả các chỉ tiêu kinh tế tài chính của các dự án đều đạt hiệu quả nên triển khai dự án là phù hợp. Đối với vận hành và bảo dưỡng mô hình điện mặt trời, một vấn đề tương đối quan trọng trong việc sử dụng dàn pin năng lượng mặt trời hiệu quả là việc vệ sinh và làm sạch bản mặt pin." - Ông Mai Anh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng, Sở Công Thương cho biết.
Điện áp mái nhà đang được nhiều cơ quan công sở lắp đặt, sử dụng. Ảnh: Thu Huyền
Nghệ An nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa ẩm, việc xảy ra mưa là rất thường xuyên, đặc biệt là các tháng mùa Xuân thường có mưa phùn, lượng mưa nhỏ và thường kéo theo bụi từ không khí bám vào bề mặt pin, mặc dù bề mặt pin được phủ những lớp chống bám bụi, nhưng trong những cơn mưa phùn như thế này thì việc bụi bám vào các tấm pin là điều khó tránh khỏi, bụi bám vào các lớp kính gây mờ lớp kính phủ bên ngoài và điều này kéo theo giảm công suất của dàn pin mặt trời. Trong thời tiết trời mưa phùn tốt nhất 2-3 tháng 1 lần dàn pin cần được lau chùi. Trong tháng 6 đến tháng 10 tuy thời tiết có mưa nhiều nhưng lượng mưa lớn và thường là mưa rào nên dàn pin sẽ không bị bám bụi nhiều như mùa Xuân, với thời tiết này thời gian giữa các lần làm sạch tấm pin có thể kéo dài hơn, thường là 3-4 tháng 1 lần.
Nhiều gia đình đã sử dụng điện áp mái giúp tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường. Ảnh: Thu Huyền
Với vị trí địa lý và khí hậu Nghệ An có thể khai thác điện mặt trời hiệu quả trong cả năm. Đặc biệt là từ tháng 4 cho đến tháng 10. Việc áp dụng trạm điện mặt trời nối lưới có thể giúp tiết kiệm được tiền điện hàng tháng, giảm độ nóng của mái nhà, và giảm phát thải CO2 ra môi trường, đồng thời cũng tạo ra lợi nhuận cao. Hiện nay, Sở Công Thương đang trình UBND tỉnh xem xét chấp thuận để có thể lập đề án triển khai xây dựng hệ thống điện năng lượng mặt trời mái nhà cho các cơ quan công sở để giảm chi phí sử dụng điện và góp phần giảm ô nhiễm môi trường.
Lắp đặt điện mặt trời áp mái đang là nhu cầu có thực, mang lại lợi ích kép, và thực tế diễn ra thời gian qua cho thấy, việc lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà đã không còn dừng lại ở việc tự cung, tự cấp mà đã trở thành một hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Do đó, cần có hướng dẫn rõ ràng từ Bộ Công Thương, cũng như chủ trương kịp thời từ phía tỉnh, các sở, ngành liên quan.
Theo: Báo Nghệ An