Mong muốn phát triển công nghiệp bền vững
Chúng ta đều biết, để có được một đơn vị tăng trưởng GDP, Việt Nam cần hai đơn vị tăng trưởng năng lượng. Trong khi các nước phát triển hiện nay chỉ cần chưa đến một đơn vị. Tại Việt nam, các lĩnh vực sản xuất công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng nhất, chiếm khoảng 46,4% tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng của nền kinh tế.
Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (TKNL&PTBV), Bộ Công Thương, cho biết “ trong những thập kỷ qua, nhu cầu về năng lượng trong khối công nghiệp ngày càng cao. Đặc biệt, nhu cầu sử dụng điện trong lĩnh vực này tăng trung bình 13%/ năm trong giai đoạn 2001-2010, và 10,5%/ năm trong giai đoạn 2011-2019”. Điều này đặt ra áp lực rất lớn cho việc phát triển nguồn cung năng lượng, đồng thời ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển ổn định của các ngành kinh tế nói chung, trong đó có ngành công nghiệp.
Minh chứng cụ thể, ông Vũ chia sẻ “Việt Nam đã chuyển từ nước suất siêu về năng lượng sang nhập siêu từ năm 2015. Sắp tới sẽ cần phải nhập khẩu thêm các dạng năng lượng như LNG mới có thể đáp ứng nhu cầu sử dụng năng lượng phục vụ phát triển kinh tế”.
Thực tế cho thấy, riêng trong năm 2020, nước ta đã nhập khẩu từ 36,4 đến 39,4 triệu tấn than. Điều này chủ yếu phục vụ nhu cầu điện cho phát triển kinh tế, trong đó nhu cầu của các nhà máy điện than chiếm tới 48%. Mặc dù trong giai đoạn vừa qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu dùng điện cho sản xuất đã có sự giảm tốc nhẹ, nhưng các chuyên gia dự báo sẽ tăng mạnh khi dịch bệnh được kiềm chế và nhà máy sản xuất hoạt động bình thường trở lại.
Muốn phát triển bền vững, các ngành công nghiệp cần đầu tư vào các thiết bị mới TKNL
Cần thiết có một lực đẩy
Mặc dù TKNL đã được coi là một trong các giải pháp hiệu quả và thiết thực trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, ổn định phát triển kinh tế. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc đầu tư tiết kiệm năng lượng trong các doanh nghiệp công nghiệp nói chung còn chưa tương xứng với lợi ích mà đổi mới công nghệ để tiết kiệm năng lượng mang lại.
Lý giải cho thực tế này, các chuyên gia cho rằng nguyên nhân chủ yếu đến từ sự thiếu vốn chuyển đổi công nghệ. Việc áp dụng một phần hay đồng bộ các giải pháp TKNL, chẳng hạn như: lắp đặt các thiết bị, hệ thống tiêu thụ năng lượng hiệu suất cao, thu hồi nhiệt thải, tích hợp năng lượng tái tạo… đều cần một nguồn vốn lớn. Điều này nhìn chung khá “xa xỉ” với tiềm lực tài chính của đa số các doanh nghiệp trong nước.
Theo ông Chu Bá Thi, chuyên gia cao cấp của WB, ngoài yếu tố tài chính, “còn có yếu tố nhận thức về TKNL hạn chế và rủi ro khi đầu tư trong lĩnh vực này”. Đây là một rào cản khiến đầu tư TKNL ít khi nằm trong danh mục ưu tiên của doanh nghiệp. Ông Thi cũng cho rằng, chi phí năng lượng chưa phản ánh đúng thực tế và các hạn chế ưu đãi cho TKNL trong chính sách cũng là một phần lý do cho việc chậm trễ triển khai các hoạt động TKNL tại doanh nghiệp công nghiệp.
Thúc đẩy hành động qua các khoản vay ưu đãi
Bộ Công Thương phối hợp cùng WB giới thiệu chương trình cho vay ưu đãi dành cho doanh nghiệp công nhiệp thực hiện TKNL
Xác định TKNL là một trong những biện pháp chính trong việc giảm cường độ sử dụng năng lượng, Bộ Công Thương đã tích cực triển khai nhiều chương trình thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả trong lĩnh vực công nghiệp. Trong đó, mô hình hỗ trợ vốn thực hiện dự án TKNL thông qua các tổ chức tài chính được nhiều doanh nghiệp quan tâm.
Chương trình cho vay đầu tư TKNL, một hợp phần của dự án “Tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp Việt Nam” do Bộ Công Thương phối hợp cùng World Bank (WB), được triển khai với tổng nguồn vốn 156 triệu USD. Trong đó, đặc biệt có sự tham gia đóng góp từ các doanh nghiệp công nghiệp với số vốn là 31 triệu USD.
Qua việc tiếp cận các khoản vay ưu đãi, doanh nghiệp có nhiều cơ hội hơn để nâng cao năng lực tài chính, sẵn sàng cho việc chuyển đổi các công nghệ TKNL hiện đại. Thông qua đó tiết giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế và sức cạnh tranh. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi các khu vực kinh tế phát triển đang ngày càng coi trọng việc tối ưu hiệu quả sử dụng tài nguyên. Hàng hoá Việt Nam sẽ thiếu sức cạnh tranh nếu vẫn giữ phương thức sản xuất truyền thống.
Mặt khác, việc tối ưu hiệu quả sử dụng năng lượng không chỉ có ý nghĩa thiết thực với doanh nghiệp, mà còn đóng góp đáng kể cho các mục tiêu giảm phát thải chung của cả nền kinh tế.
Hiệu quả thiết thực trong các ngành công nghiệp
Nhận thấy tiềm năng thực tế, nhiều doanh nghiệp đã đăng ký tham gia. Trong đó có nhiều doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực tiêu thụ năng lượng trọng điểm như mía đường, xi măng, giấy, phân bón… Sau thời gian thực hiện, nhiều kết quả đem lại rất tích cực.
Các khoản vay đãy đầu tư vào công nghệ mới TKNL của doanh nghiệp giúp làm lợi hàng chục tỷ đồng mỗi năm
Là một trong những doanh nghiệp đầu ngành mía đường, Công ty CP Mía đường Thành Thành Công Biên Hoà rất coi trọng việc TKNL. Theo Giám đốc doanh nghiệp, ông Lê Đức Tồn thì “TKNL là điều tất yếu để sản xuất kinh doanh hiệu quả, giảm được giá thành sản phẩm”. Đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh giá mía đường trên thị trường quốc tế rất gay gắt, việc TKNL để giảm giá thành không chỉ là mối quan tâm của riêng doanh nghiệp mà còn trong cả ngành mía đường nói chung.
Từ khoản vay 2,6 triệu USD, doanh nghiệp đã chuyển đổi một số công nghệ TKNL cốt lõi. “Thông qua nâng cấp trung tâm nhiệt điệt, gồm nâng cấp hệ thống xé bã mía và bộ con nước, doanh nghiệp tiết kiệm hàng chục tỷ đồng chi phí năng lượng mỗi năm”, ông Lê Đức Tồn thông tin.
Một ví dụ khác trong lĩnh vực công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng. Trong quá trình sản xuất xi măng có một lượng lớn nhiệt dư phát tán ra môi trường. Điều này gây nên sự lãng phí lớn. Theo thống kê, thu hồi hiệu quả nhiệt khí dư có khả năng cung cấp tới 30% điện năng tiêu thụ cho sản xuất xi măng.
Năm 2018, nhờ gói vay hỗ trợ TKNL, Công ty CP Vissai Ninh Bình đầu tư hai hệ thống tận dụng nhiệt khí dư để phát điện với công suất tổng là 10MW. Hai hệ thống này đã giúp giảm tuyệt đối nhiệt và bụi thoát ra môi trường. Về hiệu quả kinh tế, ông Đỗ Đức Thắng, Giám đốc Vissai Ninh Nình, cho biết “chi phí điện đã giảm 1/3 trên một tấn đơn vị sản phẩm. Mỗi tháng đơn vị tiết kiệm được khoảng 10 tỷ tiền điện.”
Riêng tại Công ty CP phân bón dầu khí Cà Mau (PVCFC), áp dụng các cải tiến, kỹ thuật công nghệ nhằm tối ưu hoá hiệu quả sản xuất, trong đó có TKNL, đã liên tục được áp dụng trong nhiều năm qua. Hiện nhà máy đang tận dụng hai nguồn khí Permeate Gas 84.000 lưu lượng Sm3/ngày và Flash Gas giàu CO2 lưu lượng 45.000 Sm3/ngày.
Hiệu quả triển khai các hoạt động TKNL cho thấy doanh nghiệp đã tiết kiệm đáng kể chi phí năng lượng, tương đương khoảng 50 tỷ đồng/năm. Tổng giảm phát thải CO2 của nhà máy tương đương 80.000 tấn.
Đại diện Bộ Công Thương và WB làm việc với các nhà máy về kết quả thực hiện TKNL
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc PVCFC, bày tỏ mong muốn trong thời gian tới Bộ Công Thương và WB sẽ tiếp tục triển khai những dự án tương tự “để doanh nghiệp có thể tiếp cận thêm gói vay ưu đãi thực hiện các giải pháp TKNL”.
Như vậy có thể thấy, dự án “Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp”, đã giúp giải quyết một phần nhu cầu vốn chuyển đổi công nghệ TKNL đang rất cần thiết trong các doanh nghiệp công nghiệp hiện nay. Sắp tới, Bộ Công Thương, thông qua Vụ TKNL&PTBV, đang lên kế hoạch tiếp tục hỗ trợ khối doanh nghiệp công nghiệp một cách dài hơi hơn thông qua mô hình chia sẻ rủi ro. Ngân hàng Thế giới tiếp tục là đối tác đồng hành trong nỗ lực này.
Hợp phần vay đầu tư tiết kiệm năng lượng thuộc Dự án Tiết kiệm năng lượng cho ngành Công nghiệp Việt Nam (VEEIE), do Bộ Công Thương phối hợp với Ngân hàng Thế giới triển khai. Tổng số vốn dự án là 156 triệu USD, dành cho các khoản vay thực hiện TKNL trong ngành công nghiệp và hỗ trợ kỹ thuật. |
Phong Vũ