Theo ông Nguyễn Hoài Đức, Phó Giám đốcCông ty Điện lực Cao Bằng (PC Cao Bằng): Mặc dù gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, song, từ đầu năm đến nay, Công ty đã bố trí kinh phí đầu tư xây dựng 39 trạm biến áp chống quá tải với tổng công suất 60.000 kVA ở tất cả các địa phương; tiến hành khảo sát toàn bộ hệ thống lưới điện, sửa chữa, thay thế các trạm biến áp cũ, đường dây xuống cấp; tăng cường sửa chữa lưới điện 110 kV; thay mới 11.932 công tơ điện… với tổng kinh phí trên 47 tỷ đồng.
Cùng với việc đầu tư, Công ty đã chỉ đạo các đơn vị đã tăng cường kiểm tra những thiết bị có nguy cơ quá tải do phụ tải tăng cao; kiểm tra, giám sát hệ thống lưới điện, phát hiện và xử lý nhanh các sự cố về đường dây, trạm biến áp sau các trận mưa bão. Bố trí nhân lực trực 24/24 giờ xử lý sự cố, sửa chữa điện, nhất là sự cố cháy máy biến áp, đứt dây, nhảy aptomat tổng quá tải gây mất điện cho khách hàng. Tuân thủ nghiêm quy trình vận hành lưới điện và thực hiện các thao tác kỹ thuật nhằm đảm bảo an toàn cho con người và thiết bị trong mùa mưa và khi xảy ra thời tiết cực đoan. Nhờ đó, mùa nắng nóng, mặc dù nhu cầu sử dụng điện tăng cao nhưng hệ thống lưới điện vẫn ổn định, hạn chế đáng kể tình trạng mất điện cục bộ, mất điện khu vực, nhất là vào các khung giờ cao điểm. Giảm tỷ lệ tổn thất điện năng xuống còn 4,67%, giảm 0,45% so với cùng kỳ năm 2020.
Sau sáp nhập đơn vị hành chính, Điện lực Trùng Khánh quản lý 21 xã, thị trấn, trong đó có 2 xã thuộc huyện Hà Quảng và Quảng Hòa. Để cung cấp điện an toàn, đơn vị đã cho rà soát toàn bộ hệ thống lưới điện xuống cấp, hư hỏng, đề xuất đầu tư cải tạo, thay thế các thiết bị kiên cố, xử lý hành lang và các điểm mất an toàn trên lưới điện. Đặc biệt, vừa qua, đơn vị đã được đầu tư 6 công trình trạm biến áp tại các khu vực trọng điểm với công suất 600 kVA.
Điện lực Trùng Khánh kiểm tra dòng điện phụ tải tại trạm biến áp
Ông Triệu Quốc Vinh, Giám đốc Điện lực Trùng Khánh cho biết: Điện lực Trùng Khánh hiện quản lý 260 trạm biến áp, công suất trên 20.000 kVA; 340 km đường dây trung thế, 554 km đường dây hạ thế với trên 22.400 khách hàng sử dụng điện. Để sử dụng điện an toàn trong mùa nắng nóng cũng như mùa mưa bão, đơn vị đã tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân nêu cao ý thức trách nhiệm sử dụng điện an toàn, tiết kiệm; phòng tránh các sự cố đối với các thiết bị điện. Phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành phát quang hành lang lưới điện; đầu tư các công trình điện, thiết bị hữu ích tại các điểm xung yếu, địa bàn dân cư tập trung; gia cố các cột điện có nguy cơ xảy ra sự cố; nâng cấp hệ thống đường dây trung hạ thế; tổ chức diễn tập phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; tăng cường tập huấn bồi dưỡng kỹ thuật cho cán bộ trực tiếp vận hành hệ thống lưới điện. Phát huy hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” và nguyên tắc “3 sẵn sàng” trong việc chuẩn bị nhân lực, vật lực, phương tiện sẵn sàng ứng phó khi thiên tai, sự cố bất ngờ xảy ra.
Theo nhận định của Trung tâm khí tượng thủy văn, mùa mưa bão năm nay mới bắt đầu và có nhiều diễn biến phức tạp; các trận mưa lũ, gió gật mạnh, lũ ống, lũ quét và hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra cao điểm thời gian tới. Vì vậy, để cung cấp điện ổn định, an toàn trong mùa nắng nóng và kịp thời ứng phó với các tình huống xảy ra trong mùa mưa bão năm 2021 cho 144.232 khách hàng, ngành điện cần tập trung khiển khai các giải pháp, phương án xử lý mọi tình huống, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại như: Duy trì, vận hành liên tục hệ thống lưới điện an toàn như: tiếp tục cho rà soát lại toàn bộ đường dây trung áp và các trạm biến áp; sửa chữa, chuyển đổi nấc điện áp và nâng công suất trạm biến áp. Chuẩn bị nhân lực và thiết bị nhằm xử lý khi có sự cố điện xảy ra. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động khách hàng sử dụng điện an toàn và tiết kiệm. Các doanh nghiệp cân đối bố trí lịch sản xuất theo hướng tiết giảm sử dụng điện trong giờ cao điểm và tăng cường sử dụng điện trong giờ thấp điểm…
Tập trung chỉ đạo các đơn vị trực thuộc lên phương án chủ động về vật tư, thiết bị dự phòng, thông tin liên lạc, nhân lực ứng trực khắc phục nhanh các sự cố lưới điện; tuyên truyền, vận động người dân cắt tỉa cây xanh, tháo dỡ các biển quảng cáo trên hành lang an toàn lưới điện; thường xuyên kiểm tra hệ thống cung cấp điện tại các hộ gia đình; kịp thời ứng phó với các tình huống giông lốc, sấm sét, gió giật mạnh trong mùa mưa bão.
Theo Tạp chí Năng lượng Việt Nam