Chủ nhật, 22/12/2024 | 13:15 GMT+7
Ngày 26 tháng 4 năm 2021, tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh Bộ Công Thương phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức Hội thảo tham vấn “Xây dựng Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành Công Thương giai đoạn 2021 - 2030".
Tham dự Hội thảo có đại diện của các Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Tài chính, các viện nghiên cứu, các Tập đoàn kinh tế trọng điểm và các tổ chức quốc tế.
Tại hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Vụ TKNL) - Bộ Công Thương ông Tăng Thế Hùng nhấn mạnh cam kết về mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính (KNK) của Chính phủ tại Báo cáo Đóng góp quốc gia tự quyết định cập nhật (NDC cập nhật) đã trình UNFCCC tháng 9 năm 2020. Theo đó, đến năm 2030 Việt Nam sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải KNK so với Kịch bản phát triển thông thường (BAU); 27% khi nhận được hỗ trợ quốc tế thông qua hợp tác song phương, đa phương và các cơ chế mới trong khuôn khổ Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Cam kết này một lần nữa đã được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tại Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu ngày 22-23 tháng 4 năm 2021.
Ông Tăng Thế Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương chủ trì Hội thảo
Ông Lê Hồng Giang, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh phát biểu
Ông Lê Hồng Giang, Phó Giảm đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh chia sẻ cách thức “chuyển đổi phương thức phát triển từ nâu sang xanh” trong bối cảnh đặc thù của tỉnh. Cụ thể, khi hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt thì nhận thức của người dân cũng tăng lên rõ rệt, giúp chỉ số quản trị môi trường của Quảng Ninh luôn thuộc nhóm cao nhất cả nước, góp phần đưa Quảng Ninh tiếp tục dẫn dầu cả nước về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) năm 2020.
Tại Hội thảo, chuyên gia tư vấn trình bày về các kịch bản biến đổi khí hậu và dự thảo Khung Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030. Dự thảo nêu ra các nhiệm vụ, giải pháp thuộc ba nhóm nhiệm vụ về thể chế - chính sách, thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu.
Tiếp theo, đại diện các đơn vị, Tập đoàn kinh tế trọng điểm như Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã trao đổi về kinh nghiệm, thành quả trong công tác ứng phó biến đổi khí hậu thời gian vừa qua; đồng thời đóng góp nhiều ý kiến về nội dung triển khai trong kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu của ngành giai đoạn 2021-2030.
Kết luận, đại diện Bộ Công Thương, Vụ TKNL đánh giá cao những nỗ lực và kết quả đạt được của các tập đoàn, các đơn vị trong công tác ứng phó biến đổi khí hậu; đồng thời đảm bảo tất cả các ý kiến sẽ được nghiêm túc cân nhắc, tiếp thu để tiếp tục hoàn thiện KHHĐ ứng phó BĐKH của ngành Công Thương đảm bảo khả thi, phù phù hợp với thưc tiễn của ngành và điều kiện quốc gia.
Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững