Thứ sáu, 01/11/2024 | 18:25 GMT+7

Toạ đàm “Giờ trái đất 2021” trên sóng VTV1

27/03/2021

Chiến dịch Giờ Trái đất 2021 đã được chính thức khởi động dưới sự bảo trợ của Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Quỹ WWF. Nhiều hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng được tổ chức trong khuôn khổ chiến dịch đã thu hút sự quan tâm từ đông đảo người dân.

 

Chiến dịch Giờ Trái đất 2021 đã chính thức khởi động dưới sự bảo trợ của Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Quỹ WWF. Nhiều hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng được tổ chức trong khuôn khổ chiến dịch đã thu hút sự quan tâm từ đông đảo người dân. 

Vào lúc 20h00 ngày 27/3, toạ đàm với chủ đề ”Giờ Trái đất 2021” đã được Đài truyền hình quốc gia Việt Nam, kênh VTV1 thực hiện với sự tham gia của đại diện Bộ Công Thương, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (TKNL&PTBV), đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Phạm Văn Tấn Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (BĐKH), ông Sam Wood, Phó Tổng Lãnh sự Anh Quốc tại TP. HCM, cùng đại diện các bên liên quan khác.

Tại toạ đàm, các đại diện chia sẻ về vai trò và hoạt động phối hợp giữa các bên trong vấn đề giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, tiết kiệm năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam và trên thế giới. 

Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ TKNL&PTBV – Bộ Công Thương (ngoài cùng bên trái), ông Phạm Văn Tấn Phó Cục trưởng Cục BĐKH (thứ 2 từ trái sang), ông Sam Wood, Phó Tổng Lãnh sự Anh Quốc tại TP. HCM (ngoài cùng bên phải) tham gia toạ đàm.

Theo đại diện của Bộ Công Thương, trong giai đoạn vừa qua Bộ đã ban hành nhiều thông tư quy định về định mức tiêu thụ năng lượng cho nhiều ngành công nghiệp như hoá chất, thép… “Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục tiến hành rà soát, kiện toàn tất cả các định mức tiêu thụ năng lượng cho những ngành công nghiệp trọng điểm”, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững chia sẻ. 

Bên cạnh đó, Bộ đã và đang thực hiện nhiều chương trình nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu suất tiêu thụ năng lượng, thay thế các công nghệ cũ lạc hậu bằng những công nghệ mới tiên tiến, tiết kiệm năng lượng.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ TKNL&PTBV, dự án tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp Việt Nam đang được thực hiện nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp các khoản vay đầu tư cho mục đích chuyển đổi công nghệ tiết kiệm năng lượng với tổng số kinh phí tới 100 triệu USD. 

Trong năm 2021, Bộ triển khai thêm một dự án nữa nhằm thiết lập quỹ bảo lãnh có trị giá 75 triệu USD dành cho các khoản vay với mục đích tương tự. Dự án được thực hiện với sự hỗ trợ kinh phí từ Quỹ Khí hậu xanh thông qua Ngân hàng thế giới.

“Cùng với các hỗ trợ về mặt kỹ thuật, Bộ Công Thương tin tưởng các dự án sẽ giúp thúc đẩy hiệu quả các doanh nghiệp công nghiệp chuyển đổi công nghệ, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng”, ông Trịnh Quốc Vũ bày tỏ.  

Theo tính toán trong NDC của Việt Nam, lĩnh vực công nghiệp và năng lượng sẽ đóng góp giảm 5,5%/9,0% mức phát thải khí nhà kính quốc gia vào năm 2030 tương ứng với giảm 51,5 triệu tấn CO2 thông qua thực hiện 25 giải pháp chi phí thấp (16 giải pháp về sử dụng lượng hiệu quả và 9 giải pháp về sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo) và sẵn sàng thực hiện 14 giải pháp có chi phí cao (5 giải pháp về sử dụng năng lượng hiệu quả và 9 giải pháp về sử dụng năng lượng sạch, tái tạo) để đóng góp giảm thêm đạt 16,7%/27% so với tổng mức dự báo phát thải vào năm 2030.

Bộ Công Thương được Chính phủ giao triển khai 02 giải pháp quan trọng là sử dụng năng lượng hiệu quả và phát triển năng lượng tái tạo. Kết quả từ những chương tình trên sẽ đóng góp không nhỏ cho việc giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam khi tham gia Thoả thuận Paris. 

Còn theo đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Phạm Văn Tấn Phó Cục trưởng Cục BĐKH, thì có nhiều cách để tất cả các thành phần xã hội đóng góp cho mục tiêu giảm thát thải khí nhà kính. “Với doanh nghiệp thì giải pháp hiệu quả nhất là chuyển đổi công nghệ, với mỗi cá nhân thì đóng góp có thể đến từ những hành động nhỏ như tắt một ngọn đèn, giảm một chiếc túi nilong, hoặc bền vững hơn là thay đổi lối sống theo hướng xanh, thân thiện môi trường”, ông Phạm Văn Tấn cho biết. 

Phó Tổng Lãnh sự Anh ông Sam Wood chia sẻ mặc dù mới làm việc tại Việt Nam, ông đã chứng kiến nhiều nỗ lực chung giữa các bên xung quanh vấn đề chuyển dịch năng lượng, giảm nhẹ phát thải, ứng phó biến đổi khí hậu. Cụ thể, từ đầu năm nhiều hoạt động đã được thực hiện thành công như Đối thoại đầu tiên trong khuôn khổ Hội đồng Chuyển dịch năng lượng, Chương trình năng lượng các-bon thấp cho ASEAN. Song song, nhiều chương trình giữa chính phủ hai nước đã và đang tiếp tục nhằm giải quyết các vấn đề trên. 

Hình ảnh tại trường quay

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được xác định là một trong những nhân tố then chốt trong chiến lược phát triển bền vững ngành năng lượng của đất nước. Ngày 13/3/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành QĐ số 280/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019–2030. Chương trình đã và đang được Bộ Công Thương triển khai tích cực, đồng bộ, với mục tiêu đạt mức TKNL 5,0-7,0% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2025; và từ 8-10% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ 2019 đến năm 2030.

Thực hiện Chương trình VNEEP3, năm vừa qua Bộ Công Thương đã triển khai một loạt các chương trình như Giải thưởng Năng lượng bền vững, Giải thưởng hiệu suất năng lượng cao nhất 2020, Cuộc thi sáng tác logo và slogan về tiết kiệm điện… và các chương trình truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Trong tháng 3/2021, Bộ Công Thương đồng phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, WWF bảo trợ thông tin chiến dịch Giờ Trái đất, kêu gọi tất cả mọi tầng lớp nhân dân đồng thời lên tiếng và hành động bảo vệ thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính. 

Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững