Thứ bảy, 21/12/2024 | 23:16 GMT+7

Kết quả Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam – Đan Mạch (DEPP)

06/11/2020

Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam – Đan Mạch (Chương trình DEPP) do Chính phủ Đan Mạch tài trợ được Bộ Công Thương triển khai thực hiện từ năm 2017 đến năm 2020 với tổng nguồn vốn ODA viện trợ không hoàn lại là 21,6 triệu Cua-ron Đan Mạch, tương đương 3,15 triệu đô la Mỹ.

Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam – Đan Mạch (Chương trình DEPP) do Chính phủ Đan Mạch tài trợ được Bộ Công Thương triển khai thực hiện từ năm 2017 đến năm 2020 với tổng nguồn vốn ODA viện trợ không hoàn lại là 21,6 triệu Cua-ron Đan Mạch, tương đương 3,15 triệu đô la Mỹ.

Hiệp định Chương trình DEPP được ký kết giữa đại diện của hai Chính phủ Việt Nam và Đan Mạch vào ngày 21 tháng 12 năm 2017. 

Lễ Ký kết Biên bản phê duyệt Văn kiện dự án giữa Bộ Công Thương và Cục Năng lượng Đan Mạch

Mục tiêu của Chương trình DEPP nhằm hỗ trợ triển khai ứng dụng rộng rãi các cơ hội chuyển đổi carbon thấp, tối ưu về chi phí trong hệ thống năng lượng tại Việt Nam.

Chương trình được chia thành 03 Hợp phần:

Hợp phần 1: Nâng cao năng lực về Quy hoạch ngành năng lượng dài hạn, do Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương chủ trì thực hiện.

Hợp phần 2: Nâng cao năng lực tích hợp năng lượng tái tạo vào hệ thống điện, do Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương chủ trì thực hiện

Hợp phần 3: Phát triển carbon thấp trong ngành công nghiệp, do Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương chủ trì thực hiện. 

Trong hợp phần 3 này, Dự án tập trung vào một số kết quả cụ thể chính như sau:

• Kết quả cụ thể 1: Đề xuất cải thiện khung pháp lý cấp quốc gia về carbon thấp trong ngành công nghiệp

• Kết quả cụ thể 2: Xây dựng các công cụ pháp lý về carbon thấp trong ngành công nghiệp tại cấp tỉnh

• Kết quả cụ thể 3: Tăng cường năng lực thể chế quốc gia nhằm đảm bảo triển khai các công cụ pháp lý về carbon thấp trong ngành công nghiệp

Với mục tiêu: Hỗ trợ mở rộng quy mô chuyển đổi sang ngành công nghiệp carbon thấp của các doanh nghiệp công nghiệp trên toàn quốc với sự hợp tác với Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững rà soát các quy định cấp quốc gia nhằm cải thiện khung pháp lý về tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp và hỗ trợ cho 02 tỉnh được chọn là Bắc Giang và Đồng Nai nâng cao năng lực thực thi quy định về tiết kiệm năng lượng tại cấp tỉnh.

Sau thời gian thực hiện, dự án dã đạt được một số kết quả tiêu biểu, trong đó có thể kể đến:

1. Thu thập số liệu và đánh giá tác động của việc mở rộng phạm vi của Nghị định 21/2011/NĐ-CP của Chính phủ theo hướng mở rộng các doanh nghiệp sử dụng nhiều năng lượng trọng điểm; xây dựng các công cụ hỗ trợ các Sở Công Thương, các Cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trong việc báo cáo, quản lý báo cáo công tác triển khai Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại địa phương.

Các kết quả cụ thể đã đạt được: 

• Danh sách các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm năm 2017 đã được xây dựng và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1221/QĐ-TTg ngày 21 tháng 9 năm 2018

• Danh sách các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm năm 2018 đã được lập, trình Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1469/QĐ-TTg ngày 28 tháng 10 năm 2019

• Danh sách các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm năm 2019 đã được lập, trình Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1577/QĐ-TTg ngày 12 tháng 10 năm 2020.

2. Đề xuất, khuyến nghị sửa đổi Thông tư 09/2012/TT-BCT ngày 20 tháng 4 năm 2012 Quy định về việc lập kế hoạch, báo cáo thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, thực hiện kiểm toán năng lượng (Thông tư 09). Báo cáo đề xuất sửa đổi đã được trình bày tại các Hội thảo ở Hà Nội và Tp. HCM vào tháng 11/2018 để tham vấn lấy ý kiến của tất cả các Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên cả nước, các cơ sở sử dụng năng lượng và các bên liên quan. 

Các chuyên gia trao đổi với các học viên về Quy trình tuân thủ

Ngày 29/09/2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư Số 25/2020/TT-BCT thay thế thông tư 09 nhằm hỗ trợ Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương dễ dàng triển khai các quy định trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiêu quả, cụ thể: (i) xây dựng danh sách Cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm hàng năm; (ii) kiểm tra tuân thủ quy định báo cáo của các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm (mức 1, mức 2 và mức 3).

Bên cạnh việc sửa đổi các nội dung liên quan đến chính sách, dự án cũng đề xuất cải tiến công cụ thu thập dữ liệu tiêu thụ năng lượng theo Thông tư sửa đổi đã được soạn thảo và trình bày tại các hội thảo ở Hà Nội và Tp HCM tham vấn lấy ý kiến của tất cả các Sở Công Thương trên cả nước, cơ sở sử dụng năng lượng và các bên liên quan. Tháng 10/2020, dự án đã triển khai 03 Hội thảo đào tạo cho 63 tỉnh thành về công cụ mới theo Thông tư Số 25/2020/TT-BCT, với khoảng 60 đại biểu tham dự gồm doanh nghiệp và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố cho mỗi hội thảo.

3. Hỗ trợ Bộ Công Thương xây dựng bộ mẫu hướng dẫn lập Kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2020-2025, được ban hành theo Công văn số 5866/BCT-TKNL ngày 11/8/2020. Bộ mẫu hướng đãn cung cấp các phương pháp luận, thông tin pháp lý và công cụ tính toán mục tiêu nhằm hỗ trợ các tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình Quốc gia về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030. 

Hội thảo tham vấn sửa đổi Thông tư 09 của Bộ Công Thương

Ngoài những kết quả kể trên, dự án còn hỗ trợ triển khai trên nhiều lĩnh vực khác như: Dự thảo Quy trình quản lý cho Sở Công Thương các tỉnh, thành phố về kiểm tra tuân thủ quy định của Thông tư 19/2016/TT-BCT ngày 14/9/2016 Quy định mức tiêu hao năng lượng trong nghàng công nghiệp sản xuất Bia và nước giải khát;   khuyến nghị ban đầu về sửa đổi Nghị định 134/2013/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả. 

Tuy ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, song các hoạt động của năm 2020 của Chương trình vẫn được thực hiện, các cuộc họp trao đổi nội dung kỹ thuật hoạt động ở Hợp phần 3 đã thực hiện hình thức trực tuyến giữa đại diện của Vụ TKNL, Cục Năng lượng Đan Mạch, tư vấn quốc tế và tư vấn trong nước. Tới nay, các sản phẩm của hoạt động của Hợp phần 3 đã cơ bản được hoàn thành. Các quy định xây dựng của Hợp phần 3 với một loạt quy trình quản lý được xây dựng để giúp Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý hiệu quả báo cáo của CSSDNLTĐ, kiểm soát chất lượng báo cáo kiểm toán năng lượng, báo cáo định mức tiêu hao năng lượng. Đây là những công cụ để giúp Sở Công Thương các tỉnh, thành phố thực thi hiệu quả hoạt động kiểm tra, thanh tra, giám sát hiệu quả tuân thủ quy định SDNLTKHQ trong lĩnh vực công nghiệp-lĩnh vực có tỷ trọng tiêu thụ năng lượng lớn nhất trong tổng tiêu thụ năng lượng quốc gia.

                                                                     Cù Huy Quang

                                  Văn phòng giúp việc Ban Chỉ đạo Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả