Thứ bảy, 21/12/2024 | 21:14 GMT+7
Ngày 13 tháng 3 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 tại Quyết định số 280/QĐ-TTg (Chương trình quốc gia). Như vậy, kể từ khi kết thúc Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (2006-2015), sau 4 năm, Việt Nam đã có kế hoạch tổng thể tầm quốc gia về sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm, cũng như bảo tồn tài nguyên năng lượng.
Đưa ngành năng lượng Việt Nam phát triển bền vững, ổn định
Nhận thức được vai trò quan trọng của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với giai đoạn phát triển mới của công nghiệp năng lượng nói riêng, của nền kinh tế Việt Nam nói chung, Ban Chỉ đạo Chương trình quốc gia được thành lập do Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban Chỉ đạo, thành viên là lãnh đạo các Bộ ngành, một số Tập đoàn kinh tế, hội Khoa học và công nghệ về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Bộ trưởng Bộ Công Thương là Phó Trưởng ban thường trực của Ban Chỉ đạo.
Để Chương trình triển khai có hiệu quả, vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu các Bộ, ngành và đặc biệt là UBND các tỉnh đặc biệt quan trọng. Trong đó, việc triển khai thực hiện Chương trình tại các địa phương được coi là điểm mấu chốt quyết định việc hoàn thành các mục tiêu mà Chương trình đã đề ra.
Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đặt ra hai mục tiêu quan trọng, đặt trọng tâm vào việc cải thiện chất lượng sử dụng năng lượng tại tất cả ngành/lĩnh vực của Việt Nam, tạo tiền đề đưa ngành năng lượng Việt Nam phát triển bền vững, ổn định, phục vụ hiệu quả việc phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.
Thứ nhất là tiết kiệm từ 8 -10% lượng năng lượng cần thiết để phát triển đất nước theo kịch bản phát triển bình thường. Mục tiêu này được phân kỳ thành 02 giai đoạn, bao gồm: Giai đoạn 2019-2025 với yêu cầu cả nước phải tiết kiệm từ 5 -7% tổng năng lượng yêu cầu cho phát triển đất nước ; Giai đoạn 2026 – 2030 với yêu cầu tiết kiệm từ 8 – 10% tổng năng lượng cần thiết để phục vụ việc phát triển đất nước theo kịch bản phát triển bình thường.
Với mục tiêu này, nếu hoàn thành, chúng ta có thể tiết kiệm đươc khoảng 60 triệu tấn dầu quy đổi, tương đương với tổng lượng năng lượng sơ cấp đã tiêu thụ của cả nước vào năm 2014.
Thứ hai là thay đổi hành vi sử dụng năng lượng của cơ quan, tổ chức, cộng đồng và cá nhân theo hướng tiết kiệm, hiệu quả và trách nhiệm.
Đây là mục tiêu hướng tới xây dựng con người, xã hội Việt Nam có trách nhiệm với tài nguyên năng lượng quốc gia, với các thế hệ mai sau thông qua thay đổi nhận thức, tư duy, hành vi, hình thành thói quen của người Việt Nam về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Nói cách khác, với mục tiêu này, Chương trình định hướng lối sống văn minh, hiện đại, trách nhiệm và có văn hóa về sử dụng năng lượng, bảo tồn tài nguyên năng lượng.
Đổi mới công nghệ phải gắn chặt với yếu tố sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
Để hoàn thiện được các mục tiêu đã đề ra, Việt Nam phải kiên trì áp dụng ba giải pháp nền tảng. Trước hết, phải lồng ghép mục tiêu tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào trong kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế. Thay đổi cấu trúc nền kinh tế theo hướng hài hòa, bền vững, hạn chế tiến tới loại bỏ việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dựa vào tiêu thụ năng lượng. Đồng thời, cần xem xét lại nhu cầu phát triển và cơ cấu tiêu thụ năng lượng của từng ngành, từng lĩnh vực để định hình cấu trúc kinh tế quốc gia ít hoặc hạn chế phát triển dựa vào tiêu thụ năng lượng.
Ngoài ra, mục tiêu tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng phải được lồng ghép vào kế hoạch chiến lược đổi mới công nghệ, kỹ thuật quốc gia. Không nhập khẩu những công nghệ, thiết bị lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng, tiêu thụ điện cao vào Việt Nam. Xây dựng lộ trình thay thế công nghệ, kỹ thuật, máy móc, thiết bị cũ có hiệu suất sử dụng năng lượng, sử dụng điện thấp.
Thêm vào đó, cần lồng ghép mục tiêu tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào chiến lược về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Điều này phải trở thành đặc điểm văn minh của con người Việt Nam mới, nhằm xây dựng một xã hội mới có trách nhiệm với tài nguyên năng lượng quốc gia, với các thế hệ mai sau trong bảo tồn nguồn tài nguyên năng lượng.
8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm
Từ các giải pháp nền tảng trên, Chương trình đề ra 08 nhóm nhiệm vụ trọng tâm nhằm thống nhất, hiệu quả hóa, tận dụng tối đa mọi nguồn lực, tiến tới xã hội hóa việc thực hiện hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên phạm vi cả nước.
Theo đó, đối với công tác pháp quy, tiến hành rà soát, đánh giá và lên kế hoạch điều chỉnh bổ sung văn bản quy phạm pháp luật về tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Tập trung việc xây dựng lộ trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về định mức tiêu hao năng lượng, tiêu hao điện cho các ngành, tiểu ngành, đảm bảo 100% các ngành, tiểu ngành sẽ có kế hoạch xây dụng định mức tiêu hao năng lượng/điện. Rà soát, lên kế hoạch việc thực hiện điều chỉnh các nội dung liên quan đến sử phạt vi phạm về sử dụng điện/năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các văn bản quy phạm pháp luật.
Với công tác pháp chế, xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra, giám sát toàn diện việc thực hiện quy định pháp luật về sử dụng điện/năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đặc biệt đối với các ngành/tiểu ngành đã có quy định về định mức tiêu hao năng lượng, tiêu hao điện năng.
Trong việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, chú trọng việc điều chỉnh, bổ sung và ban hành giáo trình, tài liệu học tập, đào tạo về kiểm toán năng lượng, người quản lý năng lượng, đảm bảo bắt kịp thay đổi thực tiễn trong kiểm toán năng lượng và quản lý năng lượng tại các cơ sở sở sản xuất, kinh doanh. Lập kế hoạch xây dựng và chuẩn bị đầu tư các trung tâm đào tạo về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Xây dựng mạng lưới đào tạo nhân sự về kiểm toán năng lượng và người quản lý năng lượng gồm các cơ sở đào tạo tại các địa phương, các cơ sở đào tạo đại học, giáo dục nghề nghiệp, viện nghiên cứu liên quan. Tổ chức các khóa đào tạo nâng cao năng lực cho các ngân hàng thương mại có hoạt động tín dụng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Việc đầu tư cải tạo, nâng cấp công nghệ, thay thế trang thiết bị, máy móc, cũng phải được chú trọng. Cụ thể là triển khai nhanh, hiệu quả các dự án tín dụng quốc tế thúc đẩy tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam. Lập danh mục công nghệ, trang thiết sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với một số ngành/lĩnh vực có cường độ sử dụng năng lượng cao.
Đối với công tác đổi mới sáng tạo, cần lập kế hoạch tài trợ hoặc tài trợ một phần đối với các nghiên cứu ứng dụng, triển khai các giải pháp hữu ích về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Đối với công tác cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, cần phối hợp và lồng ghép mục tiêu sử dụng điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào Đề án tới cấu trúc nền kinh tế của Chính phủ giai đoạn 2021-2025.
Về công tác tuyên truyền, đào tạo, cải thiện hành vi sử dụng điện/năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, xây dựng kế hoạch, nội dung và triển khai từng phần nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục để cải thiện hành vi của cá nhân, tập thể về tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo các nhóm đối tượng: với công chức, viên chức, nhân viên văn phòng; với người lao động tại các đơn vị sản xuất kinh doanh; với học sinh, sinh viên; với nông dân v.v.
Đối với lĩnh vực hợp tác quốc tế, xây dựng kế hoạch hợp tác quốc tế về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho giai đoạn 2020-2025 theo hướng tập trung các hỗ trợ tài chính cho đổi mới, cải tạo công nghệ, kỹ thuật trong các ngành/lĩnh vực có cường độ sử dụng năng lượng cao, tính cạnh tranh yếu. Hoàn thiện và đưa vào triển khai các dự án hợp tác quốc tế về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương