Thứ sáu, 22/11/2024 | 15:24 GMT+7

Mô hình quản lý năng lượng trong các cơ sở sử dụng năng lượng lĩnh vực công nghiệp

30/10/2020

Ngày 30/10/2020, tại Hà Nội, Hội Khoa học và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam đã tổ chức hội thảo "Mô hình quản lý năng lượng trong các cơ sở sử dụng năng lượng lĩnh vực công nghiệp."

Ngày 30/10/2020, tại Hà Nội, Hội Khoa học và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam (VECEA) đã tổ chức Hội thảo "Mô hình quản lý năng lượng trong các cơ sở sử dụng năng lượng lĩnh vực công nghiệp."

Tham dự hội thảo có  ông Đỗ Hữu Hào – Chủ tịch Hội VECEA, ông Nguyễn Đình Hiệp - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VECEA, cùng các TS, ThS, chuyên gia năng lượng đến từ các ban ngành, trung tâm, và các trường đại học trên địa bàn Hà Nội.

 

Ông Nguyễn Đình Hiệp - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VECEA trình bày tại hội thảo

Hội thảo chính là diễn đàn để các chuyên gia, các nhà doanh nghiệp, kỹ sư, cán bộ quản lý năng lượng trao đổi, chia sẻ các mô hình đã thực hiện thành công, có tính sáng tạo trong việc thực hiện cũng như tiếp cận các hệ thống quản lý năng lượng mới. Tại hội thảo, các mô hình ứng dụng tiết kiệm năng lượng và thực trạng quản lý năng lượng tại các cơ sở sản xuất một số ngành như sợi, bia, gốm sứ… cũng đã được nêu ra để cùng thảo luận.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Đình Hiệp – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VECEA đã trình bày chi tiết về hiện trạng, xu hướng phát triển và tiềm năng tiết kiệm năng lượng của Việt Nam.

Theo ông Hiệp, Việt Nam hiện là nền kinh tế có cường độ tiêu thụ năng lượng cao nhất trong khu vực. Một số nghiên cứu trong ngành công nghiệp và xây dựng đã cho thấy tiềm năng có tính khả thi về tài chính trong việc giảm cường độ tiêu thụ năng lượng thông qua cải tiến công nghệ và áp dụng quản lý tài nguyên hiệu quả hơn. Nghiên cứu cũng cho thấy các chi phí giảm phát thải cacbon nhờ tiết kiệm năng lượng thấp hơn so với mức tiết kiệm chi phí đạt được. Do đó các phương án sử dụng năng lượng hiệu quả cùng cơ hội thay thế nhiên liệu có thể đem lại lợi ích kinh tế, đồng thời giảm phát thải cacbon và cải thiện nguồn cung năng lượng.

Khảo sát thực tế trong lĩnh vực công nghiệp cũng cho biết mức độ lãng phí năng lượng trong các ngành sản xuất công nghiệp tại Việt Nam còn khá lớn, tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp ước tính khoảng 20-30%. Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm & hiệu quả có hiệu lực từ năm 2011 đã thúc đẩy các cơ sở sử dụng năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp tại Việt Nam nâng cao ý thức trách nhiệm thực hiện các quy định về quản lý tại cơ sở, đầu tư nhiều hạng mục cải thiện chế độ sử dụng năng lượng như lắp đặt biến tần điều khiển động cơ công suất lớn, cải tạo hệ thống chiếu sáng, thông gió, làm mát, v.v…

Với thực trạng sử dụng và quản lý năng lượng tại các cơ sở sử dụng năng lượng hiện nay, việc định hướng để tiến hành sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực quản lý năng lượng nói chung và quản lý cơ sở sử dụng năng lượng nói riêng là rất cần thiết, nhằm hạn chế các yếu kém phát sinh trong hoạt động quản lý năng lượng tại doanh nghiệp, tạo hành lang pháp lý để triển khai có hiệu quả VNEEP3 và hoạt động tiết kiệm năng lượng tại địa phương.

Quản lý năng lượng tại các cơ sở sử dụng năng lượng là nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài, góp phần xây dựng và tạo lập xã hội có trách nhiệm trong hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Việc điều chỉnh, bổ sung các quy định pháp luật phù hợp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở SDNL thực hiện tốt các biện pháp quản lý và công nghệ về sử dụng năng lượng tiết kiệm & hiệu quả, đảm bảo thực hiện thành công các mục tiêu của VNEEP3.

Doãn Tâm