Chủ nhật, 08/12/2024 | 18:41 GMT+7

Hưng Yên: Doanh nghiệp chủ động tiết kiệm năng lượng trong sản xuất

07/10/2020

Sở Công Thương Hưng Yên phối hợp với Công ty điện lực Hưng Yên đã thực hiện công tác tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp nắm bắt và thực hiện Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNLTK&HQ).

Sở Công Thương Hưng Yên phối hợp với Công ty điện lực Hưng Yên đã thực hiện công tác tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp nắm bắt và thực hiện Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNLTK&HQ). 

 
Việc thay thế thiết bị mới tiêu tốn ít năng lượng giúp các DN ở Hưng Yên tiết kiệm được năng lượng điện đáng kể.

Nhiều doanh nghiệp đã tích cực lựa chọn sử dụng các công nghệ hiện đại, nhằm giảm tiêu hao năng lượng, giảm bớt khí thải trong hoạt động sản xuất.

Ông Đoàn Đình Trường - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Phụ tùng ô tô xe máy Việt Nam (huyện Văn Lâm) cho biết, doanh nghiệp đang sử dụng đa dạng nguồn năng lượng rất lớn trong tất cả các công đoạn sản xuất. Để SDNLTK&HQ, Công ty đã đầu tư nâng cấp, lắp đặt thêm một số máy móc, dây chuyền sản xuất hiện đại, tận dụng tối đa tính năng của máy móc, thiết bị; cải tiến hệ thống công cụ và bộ gá, tăng tính chính xác trong quá trình lắp ráp sản phẩm; áp dụng thành công hệ thống quản lý chất lượng ISO... Do đó, Công ty đã tiết kiệm năng lượng ở các khâu sản xuất, năng suất lao động tăng 1,5 lần so với trước, chất lượng sản phẩm được nâng lên, giá thành hạ, góp phần tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm trên thị trường.

Theo tính toán, với công nghệ hiện nay, một doanh nghiệp sản xuất thép trong tỉnh cần khoảng 600 kWh điện để sản xuất 1 tấn thép. Rõ ràng, lượng điện tiêu thụ là rất lớn và để tiết kiệm điện, nhiều công ty chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ như: Công ty Cổ phần Thép Việt Ý; Công ty TNHH Một thành viên Thép Hoà Phát; Công ty TNHH Sản xuất thương mại Hòa Bình…, đã sử dụng công nghệ Consteel và cán thép Siemens-VAI với mức tiêu hao điện để làm ra thép chỉ từ 450 - 500 kWh/tấn.

Theo đại điện lãnh đạo của một doanh nghiệp sản xuất thép tại Hưng Yên cho biết: Khi triển khai dự án, nhà máy đã chú trọng đầu tư công nghệ hiện đại, dù chi phí ban đầu cao hơn so với đầu tư thiết bị, công nghệ giá rẻ. Sử dụng công nghệ trên đã tận dụng được khí thải ở nhiệt độ 300 - 400 độ C trong lò để sấy phế liệu trước khi đưa vào luyện, nhờ đó giảm tiêu hao điện cho quá trình luyện thép tới 30%, chi phí sản xuất giảm. Cùng với đó, quá trình sản xuất thép từ phôi nóng được nạp trực tiếp từ nhà máy luyện đã giúp giảm 30% chi phí gia nhiệt trong quá trình cán thép thành phẩm.

Tiết kiệm năng lượng nói chung, tiết kiệm điện nói riêng là vấn đề gắn liền với lợi ích của doanh nghiệp. Trong điều kiện giá nhiên liệu đầu vào cho sản xuất ngày càng tăng cao, đầu ra của sản phẩm đang bị cạnh tranh, do đó các doanh nghiệp sản xuất sử dụng năng lượng với số lượng lớn càng phải nỗ lực hơn nữa trong việc thực hành tiết kiệm năng lượng để hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường. Đây cũng là cách để doanh nghiệp chia sẻ gánh nặng với ngành Điện trong việc tiết giảm lượng điện năng tiêu thụ, nhất là trong thời gian cao điểm.

Theo: CN&TD