Thứ sáu, 01/11/2024 | 17:41 GMT+7

Lan toả phong trào tiết kiệm điện ở miền Nam

02/10/2020

Tại miền Nam, gần đây, việc tuyên truyền đến doanh nghiệp và người dân tham gia chương trình tiết kiệm điện đã được đẩy mạnh. Nhờ đó, cả nước không chỉ tiết kiệm được hàng triệu kWh điện/ngày mà còn lan tỏa những mô hình tiết kiệm điện hiệu quả lan rông trong cộng đồng

Nhiều địa phương tại khu vực miền Nam hiện nay chương trình tiết kiệm điện với nhiều hình thức đã trở thành phong trào và ngày càng lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.

Nhu cầu sử dụng điện năng ngày càng cao, nguồn cung điện năng ngày càng giảm buộc người dùng điện phải cân nhắc khi sử dụng điện năng. Tiết kiệm điện là chương trình mục tiêu quốc gia và mỗi ngành mỗi người dân cần phải thực hiện. Tại miền Nam, gần đây, việc tuyên truyền đến doanh nghiệp và người dân tham gia chương trình tiết kiệm điện đã được đẩy mạnh. Nhờ đó, cả nước không chỉ tiết kiệm được hàng triệu kWh điện/ngày mà còn lan tỏa những mô hình tiết kiệm điện hiệu quả lan rông trong cộng đồng, nhất là khu vực miền Nam.

Ông Nguyễn Văn Lý - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) - cho biết, sản lượng điện tiết kiệm trong 8 tháng đầu năm 2020 tại 21 tỉnh thành miền Nam là 1.086 triệu kWh, tương ứng đã tiết kiệm 2,20 % sản lượng điện thương phẩm.

Để có được kết quả này, EVNSPC đã chỉ đạo các đơn vị thành viên tăng cường công tác tuyên truyền đến từng cụm dân cư, trường học, bệnh viện, công sở, doanh nghiệp và từng hộ gia đình về các giải pháp thực hành tiết kiệm điện. Các chương trình tiết kiệm điện bằng việc thay thế các thiết bị điện ít tiêu hao điện năng trong canh tác hoa cúc, thanh long, nuôi tôm công nghiệp; đến các mô hình ấp, làng tiết kiệm điện, mô hình ESCO …ở nhiều địa phương đã phát huy tác dụng.

Người dân miền Tây Nam bộ tìm hiểu chương trình tiết kiệm điện do ngành điện lực tư vấn

Theo EVNSPC, so với kế hoạch thực hiện tiết kiệm 2% sản lượng điện thương phẩm, tính đến tháng 8/2020, có 5 công ty điện lực thành viên của EVNSPC đã thực hiện chương trình tiết kiệm điện đạt cao nhất. Bao gồm Kiên Giang lượng điện tiếp kiệm được chiếm 3,32% so với sản lượng điện thương phẩm; Đồng Tháp 2,41%; Bình Phước 3,38%; Hậu Giang 3,34% và Vĩnh Long 3,33%.

Năm 2020, PC Trà Vinh được giao thực hiện tiết kiệm 22,79 triệu kWh, nhưng chỉ mới trong 8 tháng đầu năm, PC Trà Vinh đã thực hiện tiết kiệm được 16,59 triệu kWh điện năng, đạt 107,33% kế hoạch.

Cùng với các mô hình như thay thế thiết bị điện ít hao tốn điện năng để sử dụng, bật tắc thiết bị điện khi thật sự cần thiết, chương trình sử dụng điện mặt trời áp mái vận động, tuyên truyền lồng ghép trong các hội thảo, hội nghị về tiết kiệm điện và được nhiều khách hàng hưởng ứng.

Ông Huỳnh Chí Hải - Phó giám đốc PC Trà Vinh - cho biết, trong 8 tháng năm 2020, đã có thêm 297 khách hàng lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái, trong đó có 244 hộ gia đình; tổng công suất lắp đặt hơn 4.474 kWp, đạt 99,43% kế hoạch năm (4.500 kWp). Theo ông Hải, điện mặt trời áp mái là một giải pháp góp phần tiết kiệm điện hiệu quả đang được nhiều khách hàng, nhất là khách hàng sử dụng trong sinh hoạt.

TP. Đà Lạt và các khu vực lân cận thành phố hiện đang trồng khoảng 2.000ha hoa cúc, nông dân đang thay thế bóng đèn Compact bằng bóng đèn Led, việc này đã tiết kiệm được khoảng 40 triệu kwh/năm. Theo những người nông dân trồng hoa cúc tại TP. Đà Lạt, sử dụng đèn Led để chong cho hoa cúc lượng điện tiêu thụ giảm trên 70%, riêng chất lượng cành hoa đạt khoảng 90% và đèn Led không ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây hoa.

Sử dụng bóng đèn Led để tiết kiệm điện trong trồng thanh long ở tỉnh Bình Thuận

Còn theo thống kê của PC Bình Thuận, khách hàng sử dụng điện trên địa bàn tỉnh này này đã tiết kiệm được 4.106.730 kWh trong tháng 8/2020, lũy kế đến tháng 8 năm 2020, điện năng tiết kiệm được đạt 36.693.507 kWh.

Tại tỉnh Bình Thuận trong thời gian gần đây, chương trình tiết kiệm điện với các mô hình như Gia đình tiết kiệm điện, Chương trình tiết kiệm điện trong trường học, Chương trình hỗ trợ tiết kiệm điện trồng thanh long đã lan tỏa đến các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và hộ gia đình. Nhiều người dân đã có thói quen bật tắc thiết bị dùng điện khi không thật sự cần thiết, mua sắm các loại thiết bị điện ít tiêu hao điện năng, sử dụng điện đúng cách và gắn hệ thống điện mặt trời áp mái.

Ông Huỳnh Văn Bổng, ngụ tại xã Tân Hải, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận, chia sẻ, vừa rồi gia đình bỏ vốn thay thế hơn 9.000 bóng đèn Compact bằng bóng đèn Led để chong thanh long và đầu tư hơn 150 triệu đồng lắp đặt điện mặt trời áp mái. “Đầu tư ban đầu vốn bỏ ra tuy khá nặng nhưng bù lại hàng tháng số tiền chi cho việc sử dụng điện giảm đi đáng kể, đồng thời góp phần làm cho không gian ruộng đồng, nhà cửa thông thoáng hơn”, ông Bổng chia sẻ.

Theo: Báo Công Thương