Thứ sáu, 22/11/2024 | 21:46 GMT+7

Nhiều chính sách khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả

05/08/2020

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNLTK&HQ) không chỉ là giải pháp góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển bền vững, ổn định nền kinh tế đất nước, mà còn giúp doanh nghiệp (DN) tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng như năng lực cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, để tạo động lực cho DN triển khai các giải pháp SDNLTK&HQ, cơ quan quản lý Nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế chính sách hợp lý trong thời gian tới.

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNLTK&HQ) không chỉ là giải pháp góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển bền vững, ổn định nền kinh tế đất nước, mà còn giúp doanh nghiệp (DN) tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng như năng lực cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, để tạo động lực cho DN triển khai các giải pháp SDNLTK&HQ, cơ quan quản lý Nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế chính sách hợp lý trong thời gian tới.
 
Sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời là 1 giải pháp hiệu quả giúp TKNL
 
Thời gian qua, để khuyến khích SDNLTK&HQ, Nhà nước đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ như: Chương trình mục tiêu quốc gia về SDNLTK&HQ từ năm 2006-2015, trong đó, Bộ Công Thương là đơn vị đầu mối thực hiện chương trình và đã thu được rất nhiều thành công. Đặc biệt vào tháng 3/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 280 phê duyệt Chương trình quốc gia về SDNLTK&HQ cho giai đoạn từ 2019-2030 với mục tiêu tiết kiệm được từ 8 – 10% tổng năng lượng tiêu thụ cho cả giai đoạn này, tương ứng từ 60-80 triệu tấn dầu quy đổi. Nếu đạt được mục tiêu này sẽ đóng góp đáng kể vào mục tiêu của quốc gia về tiết kiệm năng lượng (TKNL), giảm phát thải khí nhà kính và tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế đất nước.
 
Ông Trịnh Quốc Vũ – Phó Vụ trưởng Vụ TKNL & Phát triển bền vững, Bộ Công Thương cho biết, trong những năm qua, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp tổ chức nhiều chương trình, kế hoạch về SDNLTK&HQ, nhất là trong khối sản xuất công nghiệp. Qua đó, tạo được sự lan tỏa, chuyển biến tích cực, mức TKNL bình quân hàng năm đã đạt trị giá hàng chục tỷ đồng. Điển hình như: Thí điểm Quỹ đầu tư xanh từ năm 2015 - 2017 với quy mô 6,5 triệu USD do Chính phủ Đan Mạch tài trợ, nhằm hỗ trợ cho các DNNVV chủ yếu trong các ngành gạch ngói, gốm sứ, chế biến thực phẩm, tiếp cận được khoản vay và được bảo lãnh vốn vay 50% để triển khai các dự án đầu tư về TKNL. Trong khoảng hơn 2 năm, Quỹ đầu tư xanh đã hỗ trợ được cho 63 dự án.
 
Từ năm 2018 đến nay, Bộ Công Thương cũng triển khai 1 quỹ cho vay của Ngân hàng thế giới là Dự án TKNL cho ngành công nghiệp Việt Nam, trong đó, Ngân hàng thế giới cho vay vốn vay ưu đãi 100 triệu USD để thực hiện cơ chế cho vay lãi, với cơ chế này, các DN công nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn thông qua 2 Ngân hàng là BIDV và Vietcombank với mức hỗ trợ lãi suất khoảng 1-2%. Đến nay, Quỹ này đã giải ngân được khoảng 25 triệu USD. Đặc biệt, từ cuối năm 2020 sẽ có cơ chế bổ sung đó là bảo lãnh vốn vay cho các DN công nghiệp để DN có thể vay được vốn ưu đãi từ các ngân hàng thương mại với mức bảo lãnh vốn vay là 50% từ nguồn vốn của Quỹ khí hậu xanh. Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ kết nối các tổ chức tín dụng, các ngân hàng với các DN có nhu cầu về vốn để đầu tư các giải pháp TKNL và giải pháp về năng lượng tái tạo tích hợp.
 
Cần nâng cao ý thức sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả
 
Cũng theo ông Vũ, để tiếp tục thúc đẩy việc SDNLTK&HQ và đạt được các mục tiêu tiết kiệm điện theo yêu cầu của Chỉ thị 20 của Thủ tướng, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân, cộng đồng và DN về sử dụng điện tiết kiệm; Tiếp tục xây dựng và kiện toàn hệ thống quy chuẩn cũng như các văn bản pháp luật quy định về định mức tiêu hao để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm cho những ngành công nghiệp trọng điểm tiêu thụ nhiều năng lượng, đồng thời sẽ có những quy định để quản lý những cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, các cơ sở này hàng năm phải thực hiện các giải pháp kiểm toán năng lượng, xây dựng hệ thống quản lý năng lượng và thực thi các giải pháp TKNL.
 
Cùng với đó, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT để xây dựng Quỹ thí điểm thúc đẩy SDNLTK&HQ, quỹ này được kỳ vọng sẽ thu hút sự quan tâm và hỗ trợ từ các nhà tài trợ quốc tế cũng như sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Qua đó, các DN có thêm cơ hội để tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi từ Chính phủ cũng như các tổ chức quốc tế.
 
Có thể thấy, trong thời gian qua, với sự chủ động của các bộ ngành trong việc triển khai các giải pháp SDNLTK&HQ, đặc biệt là cơ quan chức năng của Bộ Công Thương đã tạo được sự lan tỏa và nhiều chuyển biến tích cực trong xã hội. Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu TKNL mà Chính phủ đã đề ra trong thời gian tới, bên cạnh sự nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước, rất cần sự chung tay của cộng đồng DN và người dân cả nước.
 
Thanh Thanh t/h