Thứ sáu, 22/11/2024 | 12:58 GMT+7

Diễn đàn Cấp cao Năng lượng Việt Nam 2020: tạo đà cho phát triển năng lượng bền vững

23/07/2020

Sáng 22-7 tại Hà Nội, Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đã tổ chức diễn đàn cấp cao năng lượng Việt Nam 2020, nhằm triển khai Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Sáng 22-7 tại Hà Nội, Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đã tổ chức diễn đàn cấp cao năng lượng Việt Nam 2020, nhằm triển khai Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình phát biểu tại diễn đàn năng lượng sáng nay 22-7.

Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết, Nghị quyết số 55 tạo bước đột phá về phát triển ngành năng lượng quốc gia, dành ưu tiên cao hơn cho việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới và năng lượng sạch.

Theo đó, phát triển năng lượng quốc gia phải phù hợp với thể chế kinh tế thị trường, nhanh chóng xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch với nhiều hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh. Áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng. Khuyến khích tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng. Kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền, cạnh tranh thiếu bình đẳng.

Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách về phát triển năng lượng và trong bối cảnh phát triển mới của đất nước, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là hoàn thiện thể chế để tạo lập môi trường thuận lợi cho phát triển điện năng và kiểm soát sự phát triển đúng hướng, hiệu quả bền vững. Tập trung sửa đổi, bổ sung một số Luật như Luật dầu khí, có thể có Luật năng lượng tái tạo, đồng thời, sửa đổi, bổ sung các văn bản luật, văn bản dưới luật, xây dựng các cơ chế đặc thù phát triển năng lượng.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại diễn đàn.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nhấn mạnh cần xây dựng chiến lược nhập khẩu năng lượng dài hạn. Giải thích thêm về vấn đề này, Phó Thủ tướng viện dẫn báo cáo của Ngân hàng Thế giới. Theo đó, nhu cầu công suất nguồn điện cần tăng từ 42 GW hiện nay lên 60 GW năm 2020 và 100 GW vào năm 2030. Để đáp ứng mục tiêu này, mỗi năm Việt Nam cần phải lắp đặt 5 GW công suất mới trong giai đoạn từ 2018 đến 2030. Điều này đặt ra rất nhiều thách thức về kỹ thuật, quản lý và tài chính.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, với những yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn hội nhập sâu rộng này, ngành năng lượng Việt Nam cần 'chiếc áo mới" để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.

Dưới góc độ là cơ quan đầu mối tham mưu cho Chính phủ trong lĩnh vực năng lượng, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Chính phủ để sớm ban hành Chương trình hành động của Chính phủ, làm cơ sở để xây dựng những kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết.

Bộ trưởng  Bộ Công thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại diễn đàn

Theo đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ đã được Bộ Công Thương trình Chính phủ và dự kiến sẽ được ban hành trong tháng 7/2020, nhưng có những việc Bộ Công Thương đã phải triển khai sớm để có những giải pháp thực hiện như: triển khai xây dựng Quy hoạch điện VIII (dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10 năm 2020), Quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng quốc gia (dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ cuối năm 2020), Chiến lược phát triển ngành than Việt Nam, đồng thời tiếp tục rà soát để bổ sung, điều chỉnh các dự án điện vào Quy hoạch điện VII trong khi chờ Quy hoạch điện VIII. Có thể nói đây là các đề án có tính nền tảng, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển năng lượng, điện lực Việt Nam trong thời gian tới.

Thực tế công tác phát triển năng lượng tái tạo thời gian vừa qua cho thấy, nếu có sự góp sức của các thành phần kinh tế khác ngoài doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là kinh tế tư nhân, chúng ta có thể đạt được những mục tiêu đề ra trong thời gian ngắn hơn so với kỳ vọng.

Vì vậy, cần tạo điều kiện để thu hút các thành phần kinh tế tham gia vào phát triển lĩnh vực năng lượng. Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ Công Thương đã báo cáo Chính phủ xem xét, kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết giải thích và làm rõ một số quy định tại một số Luật chuyên ngành nhằm tạo hành lang pháp lý rõ ràng để thu hút khu vực tư nhân tham gia vào những lĩnh vực khác nhau của hệ thống năng lượng quốc gia. Hiện nay, Bộ đang tiến hành nghiên cứu, sửa đổi Luật Điện lực để có cơ sở tách bạch rõ ràng phạm vi đầu tư giữa Nhà nước và tư nhân để tháo gỡ nút thắt quan trọng trong hạ tầng năng lượng.

Tại Diễn đàn, đại diện đến từ các tỉnh Ninh Thuận, Thừa Thiên Huế... đã trao đổi, đề xuất với Chính phủ, các Ban, Bộ ngành xem xét việc giải tỏa công suất cũng như tạo điều kiện để điện mặt trời, điện gió phát triển. 

Về những đề xuất này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, Bộ Công Thương cùng các Bộ ngành thực hiện các chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, bổ sung quy hoạch dựa trên cơ sở ý kiến nhất quán của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về luật quy hoạch. Từ đó, tạo điều kiện cho các dự án và các nhà đầu tư có tiềm năng nhất triển khai tốt các ưu thế của  địa phương.

“Trong ngắn hạn, Chính phủ sẽ thúc đẩy triển khai chương trình trao đổi điện từ các nước láng giềng Lào, Campuchia và Trung Quốc. Nghiên cứu, thực hiện các giải pháp kỹ thuật nhập khẩu từ các nhà máy điện hoặc qua lưới điện; nghiên cứu liên kết lưới điện với các nước tiểu vùng Mê Công để tăng cường đa dạng hóa nguồn năng lượng”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết. 

Toàn cảnh diễn đàn

Chính phủ cũng sẽ nghiên cứu các cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia đầu tư dự án năng lượng ở nước ngoài. Thúc đẩy hợp tác với các quốc gia có tiềm năng về nghiên cứu và phát triển năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo; tranh thủ hợp tác nâng cao năng lực và tiềm lực khoa học công nghệ đối với cán bộ và tổ chức khoa học công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng.

Hùng Cường t/h