Chủ nhật, 22/12/2024 | 22:14 GMT+7

Tiềm năng thị trường tiết kiệm năng lượng Việt Nam: vẫn còn nhiều dư địa

23/06/2020

Đây là nhận định của đại diện Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) và các chuyên gia năng lượng trong buổi tọa đàm với Đài tiếng nói Việt Nam sáng ngày 21/6.

Sáng ngày 21/6, Đài tiếng nói Việt Nam (VOV) đã có buổi tọa đàm về chủ đề "Giải pháp nào đạt được các mục tiêu tiết kiệm điện theo yêu cầu của Chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện?". Khách mời là ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), và ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh (Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam).

Tại đây, các khách mời đã có những chia sẻ về ý nghĩa của Chỉ thị số 20/CT-TTg về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020 -2025 cũng như là tiềm năng của thị trường tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam.

Đại diện Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững - Bộ Công Thương, trao tặng hoa cho các phóng viên VOV nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6. 

Ý nghĩa và kế hoạch thực hiện Chỉ thị 20

Tại buổi tọa đàm, các khách mời và thính giả đã được nghe chương trình tổng hợp lại những nội dung cơ bản được thể hiện trong Chỉ thị số 20/CT-TTg về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020 -2025. Theo đó, trọng tâm của Nghị quyết là các giải pháp mà Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp và người dân… phải thực hiện để tiết kiệm tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ hàng năm.

Chia sẻ về vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Vụ TKNL&PTBV), cho biết trong những năm vừa qua, nhờ chủ trương đúng đắn và hành động quyết liệt của Chính phủ cũng như hưởng ứng tích cực của người dân, Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2006-2015 đã đạt được những kết quả rất tích cực.

Cụ thể, theo ông Vũ, "cả nước đã tiết kiệm được trên 9 tỷ kWh, tương đương 15.000 tỷ đồng, với mức tiết kiệm bình quân đạt 1,5% tổng điện năng tiêu thụ hằng năm.". "Đây là tiền đề quan trọng cho phép cả nước cần phải tiếp tục đẩy nhanh, mạnh việc cải thiện chất lượng sử dụng điện, coi tiết kiệm điện là một giải pháp then chốt để giảm thiểu nguy cơ thiếu điện trong giai đoạn 2020 - 2025", đại diện Vụ TKNL&PTBV nhấn mạnh. 

Về kế hoạch thực hiện Chỉ thị 20, ông Trịnh Quốc Vũ cho biết 63 tỉnh thành trong cả nước đã và đang xây dựng kế hoạch hành động chi tiết. Bộ Công Thương, với vai trò nòng cốt được Chính phủ giao, sẽ đồng hành và hỗ trợ các địa phương trong việc xây dựng, triển khai, giám sát thực hiện kế hoạch đó. Hiện nay, Bộ đang xây dựng hệ thống thanh tra từ các ngành, địa phương. Bên cạnh đó, Bộ cũng xây dựng bộ chỉ tiêu và tham mưu kịp thời cho Chính phủ để điều chỉnh các mục tiêu, giải pháp, khen thưởng để khuyến khích các đơn vị làm tốt.

Dưới góc nhìn của một chuyên gia năng lượng, ông Hà Đăng Sơn cho biết việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 20 về tăng cường tiết kiệm điện ở thời điểm này là rất kịp thời và cần thiết để bảo đảm an ninh năng lượng và tăng cường sử dụng điện hiệu quả. 

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh Việt Nam là quốc gia đang trên đà phát triển thì nhu cầu sử dụng điện cũng càng cao. Tăng trưởng tiêu thụ điện giai đoạn 2011-2015 trên 10%/năm và giai đoạn 2016-nay tuy đã giảm xuống khoảng 10%/năm nhưng vẫn ở mức cao trong khu vực. Cộng với nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao, những vấn đề đến từ các yếu tố bất thường và thời tiết cực đoan càng đặt ra nhiều áp lực cho việc đảm bảo cung cấp điện cho cả nước.

Thực tế thời gian qua nước ta đã phải nhập khẩu than cho phát điện và tới năm 2023 sẽ phải nhập khẩu khí hóa lỏng (LNG). Theo báo cáo của Bộ Công Thương, với kịch bản tăng trưởng GDP bình quân 7%/năm thì nhu cầu năng lượng cho năm 2020 phải đạt 235 tỷ kWh điện; đến năm 2025 cần 352 tỷ kWh và đến 2035 là 506 tỷ kWh điện. Để đáp ứng nhu cầu điện cao như vậy thì cần khoảng 60.000MW công suất nguồn điện vào năm 2020 và 130.000MW năm 2030. Đây là một thách thức rất lớn đặt ra cho ngành năng lượng Việt Nam. Do đó, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ góp phần quan trọng trong việc đảm bảo cung ứng điện.

Hai khách mời, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), và ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh (Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam) tọa đàm cùng phóng viên Nguyên Long. 

Dư địa thị trường tiết kiệm năng lượng còn rất lớn

Theo một số chuyên gia, Việt Nam còn nhiều dư địa cho thị trường TKNL. Cụ thể, ông Nguyễn Quân, Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, Chủ tịch Hội tự động hóa thông tin, cho biết khoảng 30% sản lượng điện là dành cho chiếu sáng – bao gồm cả chiếu sáng dân dụng và công cộng. Nếu tiết kiệm được một nửa số điện dùng cho mục đích này thì sẽ tiết kiệm tương đương với việc không phải xây dựng một nhà máy điện công suất khoảng 4.000MW.

Tương tự, hiện nhu cầu sử dụng điều hòa ở khu vực thành thị, các trung tâm thương mại, hội nghị, hội thảo… rất cao. Chỉ cần tiết kiệm khoảng 10% lượng điện này bằng cách ứng dụng công nghệ mới (như công nghệ inverter) thì lượng điện tiết kiệm được cũng không hề nhỏ. 

Nói về tiềm năng trong việc tiết kiệm điện tại cơ quan, công sở; trong chiếu sáng; tại các hộ gia đình, đặc biệt là trong khối DN sản xuất… ông Hà Đăng Sơn khẳng định còn rất lớn. Chẳng hạn, ông Sơn dẫn chứng, nghiên cứu của Hội Kinh tế xanh chỉ ra rằng nếu sử dụng các thiết bị tiêu thụ điện hiệu suất cao có thể tiết kiệm từ 20-40% lượng điện tiêu thụ tùy quy mô và công nghệ. Đặc biệt với khối công sở, cơ sở sản xuất thì lượng điện tiết kiệm này là không hề nhỏ. 

Ngoài ra, việc lắp đặt các hệ thống sử dụng năng lượng tái tạo quy mô như điện mặt trời áp mái cũng là một giải pháp giúp giảm lượng điện năng tiêu thụ và thậm chí có thể bán lại nguồn điện dư thừa cho nhà cung cấp. Đây là giải pháp có chi phí đầu tư ban đầu không quá lớn và hiệu quả lâu dài. Thời gian qua khá nhiều doanh nghiệp, công sở và hộ dân đã thực hiện giải pháp này khi thấy hiệu quả kinh tế mà nó đem lại. Tính đến giữa tháng 6 vừa qua, cả nước đã lắp đặt hơn 33.500 hệ thống điện mặt trời áp mái, tổng công suất hơn 683 MWh, tương đương một nhà máy phát điện cỡ vừa. 

Đẩy mạnh sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả không chỉ là vấn đề tiết kiệm năng lượng cho từng cơ sở tiêu thụ mà còn góp phần giảm phụ tải cho hệ thống điện chung, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, ông Sơn nhấn mạnh. 

Song song với vấn đề tiết kiệm điện, chuyên gia Hà Đăng Sơn cũng chia sẻ một câu chuyện mà ông quan sát thấy khá phổ biến trong cuộc sống hàng ngày đó là tình trạng rò rỉ điện, gây thất thoát và lãng phí rất lớn cho các doanh nghiệp, công sở và hộ gia đình. Đối với các hệ thống có thời gian vận hành khoảng lâu năm hoặc các thiết bị mới lắp đặt nhưng là đồ cũ, thì cần phải kiểm tra rà soát lại tình trạng vận hành, dây cáp, thiết bị xem có rò rỉ gây thất thoát điện hay không. Điều này nhằm đảm bảo "túi tiền" và sự an toàn cho người sử dụng. 

Để tìm hiểu hành vi tiết kiệm điện của người dân, các phóng viên VOV1 đã thực hiện một khảo sát trên địa bàn Hà Nội. Theo đó, bên cạnh các thói quen tránh lãng phí quen thuộc như tắt điện khi ra khỏi phòng, để điều hòa ở mức nhiệt từ 25 độ trở lên... nhiều người đã chủ động tìm hiểu và sử dụng các thiết bị sử dụng hiệu suất năng lượng cao, tiết kiệm điện như đèn LED, thiết bị tiết kiệm điện công nghệ inverter, các thiết bị cảm ứng thông minh tự hẹn giờ bật tắt... Điều này cho thấy sự chuyển biến rõ rệt trong hành vi của người dân theo hướng sử dụng năng lượng tiết kiệm điện và hiệu quả hơn. 

Cũng theo phóng sự VOV, khối doanh nghiệp cũng đã có chuyển biến rõ rệt trong việc TKNL nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh. 

Ví dụ, theo ông Đào Văn Phương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần dệt lụa Nam Định, cho biết từ nhiều năm nay doanh nghiệp đã chú trọng đến sử dụng điện tiết kiệm. Cụ thể doanh nghiệp đã cho khảo sát thiết kế lại nhà xưởng, trang bị các giải pháp chống nóng, thay hệ thống chiếu sáng tiết kiệm điện và đặc biệt quan trọng, theo ông Phương, là "truyền thông nâng cao ý thức cán bộ, công nhân, người sử dụng điện về các hành vi thói quen tiết kiệm điện". "Mỗi tháng chi phí điện của chúng tôi khoảng 2 tỷ đồng, do đó chỉ tiết kiệm một phần nhỏ trong đó cũng là rất đáng kể", ông Phương chia sẻ.

Theo Tổng công ty điện miền Bắc, trong giai đoạn từ 2016-2019, tốc độ tăng trưởng tiêu thụ điện bình quân tăng 11,5%/năm. Sản lượng tiêu thụ điện năm 2019 gấp 1,6 lần so với năm 2015. Đặc biệt trong giai đoạn nắnng nóng cao điểm vừa qua, sản lượng tiêu thụ điện tăng 1,3 lần so với bình thường. Để hưởng ứng Chỉ thị 20, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã tích cực triển khai nhiều giải pháp tiết kiệm điện như lắp đặt hệ thống chiếu sáng LED, cho công nhân làm theo ca luân phiên để vẫn đảm bảo năng suất nhưng không quá tải vào giờ cao điểm.

Cũng theo phóng sự, các giải pháp hiệu quả mà doanh nghiệp thường áp dụng có thể kể đến là: chuyển đổi năng lượng, lắp đặt các hệ thống sử dụng kết hợp với năng lượng tái tạo như điện mặt trời áp mái; lắp đặt các hệ thống thu hồi nhiệt năng cao hiệu quả làm mát; áp dụng các giải pháp, công nghệ TKNL; tăng cường tuyên truyền, giám sát thực hiện thói quen thực hành TKNL. 

Từ góc nhìn của những chuyên gia, nhà quản lý và thực tế trên cho thấy, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 20 về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả không chỉ là nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cá nhân; mà còn góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, và tránh lãng phí cho cá nhân và cộng đồng nói chung. 

Thanh Hà ghi