Thứ năm, 07/11/2024 | 13:27 GMT+7
III. Tính hệ thống và tiềm năng giảm tiêu thụ năng lượng
Một số đánh giá về tiềm năng TKNL:
1/ Trước Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), trong khuôn khổ Đề tài độc lập cấp Nhà nước - KCĐL 95-04 (1995-97) và Đề tài sử dụng NLTK&HQ thuộc Chương trình Nhà nước KHCN-09 (giai đoạn 1996-2000), bước đầu đã có đánh giá tổng thể tiềm năng tiết kiệm năng lượng của Việt Nam rất lớn, có thể đạt 15-20% tổng tiêu thụ năng lượng.
2/ Trong hai giai đoạn thực hiện Chương trình MTQG về SDLNTK&HQ - 2006 - 2010 và 2012-2015, đồng thời với việc thực thi các dự án TKNL ở một số ngành, xây dựng văn bản pháp luật, đào tạo, tuyên truyền, Chương trình cũng triển khai điều tra đánh giá tiềm năng TKNL ở một số ngành công nghiệp và thực hiện các dự án với kết quả tiết kiệm khoảng 5% như phần trên đã trình bày.
3/ Gần đây (2018), để chuẩn bị xây dựng Chương trình MTQG về SDTK&HQNL, giai đoạn 2019-2030 [3], Bộ Công Thương đã triển khai đánh giá điển hình cho 10 cơ sở trong gần 2.500 cơ sở tiêu thụ năng lượng trọng điểm của cả nước, kết quả cho thấy khả năng tiết kiệm khoảng 4,8% tổng tiêu thụ năng lượng, nếu thực hiện những giải pháp hợp lý, có thể thu hồi vốn trong vòng 2,6 năm, cũng cho thấy tiềm năng TKNL lớn.
4/ Công nghệ sản xuất và tiêu thụ năng lượng, đặc biệt trong khâu tiêu thụ còn khá lạc hậu, tiêu hao năng lượng cao, nhìn chung cao hơn mức tiên tiến khoảng 30-35%. Chúng ta chưa quan tâm đầy đủ về nghiên cứu đánh giá trình độ công nghệ cho từng ngành và tổng thể để phục vụ cho lộ trình thay đổi công nghệ, giảm tiêu thụ năng lượng.
Tính hệ thống của hiệu quả năng lượng:
Nội dung sử dụng NLTK&HQ, nên được hiểu một cách hệ thống là "Sử dụng hiệu quả năng lượng". Thuật ngữ này tương thích với cách hiểu của nhiều nước trên thế giới. Trong các tài liệu khoa học và cả văn bản luật họ thường dùng: Hiệu quả năng lượng (Energy Efficency) hoặc, Bảo tồn năng lượng (Energy Conservation). Tính hệ thống được xem xét với các phạm vi khác nhau và tổng hợp.
Thứ nhất: Tính hệ thống theo phạm vi quốc gia.
Nội dung sử dụng HQNL có tính hệ thống cao, nói hiệu quả là bao gồm cả tiết kiệm, để giảm tiêu thụ năng lượng nhiều hơn. Ngoài việc tiết kiệm năng lượng đối với từng hộ tiêu thụ, thì nền kinh tế cần xem xét phát triển các ngành tiêu thụ năng lượng thấp mà đem lại giá trị gia tăng cao, giảm dần các ngành tiêu thụ nhiều năng lượng (nếu không phải là bắt buộc) mà giá trị gia tăng thấp.
Hiện nay, công nghiệp Việt Nam tiêu thụ trên 52% điện năng, khoảng 39% tổng năng lượng thượng mại (NLTM) mà chỉ làm ra 32,5%GDP, trong đó sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng, sắt thép... được đánh giá là tiêu tốn nhiều năng lượng. Trong khi nông - lâm - ngư nghiệp vốn là những ngành tiêu thụ ít năng lượng. Thực tế cho thấy, chỉ tiêu thụ 1,4% tổng điện năng, 1,3 % tổng NLTM mà đem lại 22%GDP. Hiện nay nông nghiệp vẫn bị đánh giá canh tác còn thủ công, chế biến, bảo quản kém làm mất đi giá trị sản phẩm, phải nhập nhiều nhu yếu phẩm cho sản xuất, chăn nuôi… Thực tế chúng ta chưa làm rõ nội dung điện khí hóa trong nông nghiệp và cung cấp năng lượng đầy đủ cho nó. Bên cạnh đó các ngành công nghiệp nhẹ, dịch vụ, thường được xem là "đầu tư ngắn ngày mau ăn", đặc biệt các ngành công nghệ cao, thiếu định hướng chiến lược.
Hơn 30 năm đổi mới, cơ cấu kinh tế Việt Nam gần như chưa mấy thay đổi, chúng ta cần nghiên cứu cơ cấu lại nền kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng. Có thể thực hiện thông qua Bài toán tối ưu cân đối phát triển liên ngành, qua đó sử dụng hiệu quả năng lượng một cách hệ thống - đây chính là tiềm năng giảm tiêu thụ năng lượng và tạo điều kiện giảm tiêu thụ năng lượng nhiều hơn, chứ không phải chỉ là tiết kiệm theo từng dự án, cường độ năng lượng quốc gia mới có thể giảm nhiều và tránh tụt hậu.
Lưu ý rằng, việc đánh giá tiềm năng giảm tiêu thụ năng lượng một cánh hệ thống thông qua cơ cấu lại nền kinh tế quốc dân, chúng ta chưa bao giờ tổ chức thực hiện. Đây là một khâu cần thay đổi tư duy để phát triển.
Thứ hai: Tính hệ thống thể hiện theo phạm vi ngành.
Trong từng ngành có nhiều hộ tiêu thụ năng lượng quy mô tương đương, công nghệ tương tự, có thể lập thành nhóm để nghiện cứu.
Ví dụ như trong công nghiệp, các hệ thống lò hơi, lò đốt, lưới nhiệt; trong xây dựng, kiến trúc các tòa nhà xây dựng có cùng mục đích sử dụng; trong giao thông vận tải có các chủng loại xe, tàu vận tải tương tự, v.v... có thể tiến hành kiểm toán, xây dựng dự án cải tạo, chuyển đổi công nghệ điển hình, xây dựng các quy chế, định mức năng lượng, để cùng thực hiện, như vậy sẽ tiết kiệm thời gian, kinh phí…
Thứ ba: Tính hệ thống thể hiện theo phạm vi vùng.
Việt Nam hiện đã có phân vùng: Tây Bắc bộ, Đông Bắc bộ, Trung bộ, Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Nam bộ; trong mỗi vùng có đặc điểm tự nhiên, khí hậu, tập quán tương tự nhau, có thể phân loại quy mô nhà ở, tập quán đun nấu, sấy, sưởi, sử dụng năng lượng, cần nghiên cứu phát hiện các phương thức hiệu quả năng lượng với quy mô vùng.
Thứ tư: Đánh giá chung tiềm năng giảm tiêu thụ năng lượng/điện, với quan điểm hệ thống. Trong bài viết này, chúng tôi dùng cụm từ tổng quát "tiềm năng giảm tiêu thụ năng lượng" thay vì "tiềm năng tiết kiêm năng lượng" vốn có tính đơn lẻ.
Từ kết quả đã trình bày trên, khả năng giảm tiêu thụ năng lượng (từ Chương trình MTQG) khoảng 4-5%; kết quả mới khảo sát điển hình vừa qua khoảng 5%. Nếu chỉ như vậy thì chưa lý giải được cường độ năng lượng, cường độ điện của Việt Nam bao giờ mới theo kịp các nước tiên tiến.
Rõ ràng chúng ta phải phân tích một cách toàn diện, hệ thống. Khả năng giảm tiêu thụ năng lượng thông qua cơ cấu lại kinh tế quốc dân được đánh giá lớn hơn nhiều, có thể khoảng 30-40% tổng tiêu thụ năng lượng, cần nghiên cứu làm rõ.
Theo đánh giá của chuyên gia WB, tiềm năng giảm tiêu thụ năng lượng của Việt nam cũng lên tới 25-35%.
Ngày 13 tháng 3 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình quốc gia về SDTK&HQNL giai đoạn 3, từ năm 2019 - 2030 (VNEEP3) trong Quyết định số 280/QĐ-TTg, trong đó mục tiêu TKNL trong tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc giai đoạn 2019 - 2025 là từ 5 - 7%, giai đoạn 2026 - 2030 là 8 - 10%.
IV. Một số khuyến nghị
1/ Chính phủ - mà trực tiếp là Bộ Kế hoạch - Đầu tư tổ chức nghiên cứu tính toán cơ cấu phát triển kinh tế quốc dân hợp lý, hướng tới nền kinh tế phát triển bền vững tiêu thụ ít năng lượng.
2/ Bộ Công Thương và Chương trình MTQG về SDNLTK&HQ, nên tổ chức khảo sát, đánh giá toàn diện khả năng giảm tiêu thụ năng lượng, trình độ công nghệ ở tất cả các lĩnh vực (ít nhất là đối với các ngành trọng điểm), từ đó có cơ sở khoa học, thực tiễn để tiến hành các dự án hiệu quả năng lượng, xây dựng lộ trình thay đổi công nghệ hướng tới công nghệ hiện đại và hiệu quả năng lượng.
3/ Bộ Công Thương nên khẩn trương tổ chức xây dựng Quy hoạch năng lượng tổng thể quốc gia và các phân ngành (dĩ nhiên gồm QHĐ VIII), đến 2030-2035. Theo đó, tính toán dự báo nhu cầu chính xác, cơ cấu sử dụng hợp lý các nguồn năng lượng, giảm tiêu thụ năng lượng.
4/ Tình hình năng lượng và kinh tế quốc gia hiện tại đã có nhiều thay đối so với thời điểm ban hành Luật SDNLTK&HQ (2010), vậy nên đề nghị nghiên cứu sửa đổi bổ sung.
5/ Hiện nay, Việt Nam có đủ điều kiện nhân tài vật lực để thực hiện các khuyến nghị trên, vấn đề là tổ chức thực hiện.
Tài liệu tham khảo chính:
1/ Luật 50/2010/QH, 2012
2/ Quy hoach điện VII, 2012 và Quy hoạch điện VII ĐC, 2016
3/ QĐ phê duyệt CTMTQG về sử dụng năng lượng TK&HQ giai đoạn 2019-30
4/ BC Hội thảo CTQG về SDNLTK&HQ giai đoạn 2019-30, Hà Nội 6-2018, Chủ biên Trịnh Quốc Vũ - Bộ CT
5/ DTBCĐề tài: Đánh giá hiện trạng thực hiện Luật SDTK&HQNL-Bộ KH&CN SDNLTKHQVN, 12-2019
6/ Bùi Huy Phùng, Hiệu quả năng lượng và năng suất lao động Việt Nam, TCNLVN, 5-2018
7/ Bùi huy Phùng-HQNL-Biện pháp căn cơ khắc phục thiếu điện, Tạp chí Năng lượng Việt Nam, 11-2019
Hết
PGS, TS. Bùi Huy Phùng
Tạp chí Năng lượng Việt Nam