Thứ sáu, 22/11/2024 | 19:01 GMT+7

‘Tính hệ thống’ của sử dụng hiệu quả năng lượng ở Việt Nam (Phần 1)

05/06/2020

Trong thời gian qua, chương trình mục tiêu quốc qia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hoạt động khá sôi nổi, nhưng tính lan tỏa, hiệu quả còn thấp, nhận thức của cộng đồng, doanh nghiệp, kể cả nhà quản lý vẫn còn hạn chế, do đó, lượng năng lượng tiết kiệm được còn khá khiêm tốn.

Quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị trong Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả như sau: "Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường phải được xem là quốc sách quan trọng và trách nhiệm của toàn xã hội. Tăng cường kiểm toán năng lượng; xây dựng cơ chế, chính sách đồng bộ, chế tài đủ mạnh và khả thi để khuyến khích đầu tư và sử dụng các công nghệ, trang thiết bị tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, góp phần thúc đẩy năng suất lao động và đổi mới mô hình tăng trưởng".

Về cơ cấu lại các ngành và khu vực tiêu thụ năng lượng song song với thực hiện chính sách về sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm và hiệu quả, Nghị quyết của Bộ Chính trị đã định hướng như sau:

- Cơ cấu lại các ngành tiêu thụ năng lượng, đặc biệt là khu vực đầu tư nước ngoài để giảm thiểu cường độ năng lượng. Có chính sách khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp tiêu thụ ít năng lượng và có hiệu quả về kinh tế-xã hội.

- Rà soát, điều chỉnh phân bố các nguồn tiêu thụ năng lượng linh hoạt theo hướng phân tán, hạn chế việc tập trung quá mức vào một số địa phương, kết hợp chặt chẽ với phân bố lại không gian phát triển công nghiệp và đô thị trên phạm vi cả nước, từng vùng và địa phương.

- Rà soát, hoàn thiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2020-2030. Triển khai áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn bắt buộc kèm theo chế tài về sử dụng hiệu quả năng lượng đối với những lĩnh vực, ngành và sản phẩm có mức tiêu thụ năng lượng cao. Có chính sách khuyến khích các hộ tiêu thụ sử dụng năng lượng sạch, tái tạo, nhất là trong công nghiệp và giao thông; thúc đẩy phát triển các phương tiện giao thông sử dụng điện năng phù hợp với xu thế chung trên thế giới.

I. Tiêu thụ điện và năng lượng Việt Nam tăng nhanh, hiệu quả thấp

1/ Tiêu thụ năng lượng và điện năng tăng nhanh:

Thực trạng tiêu thụ năng lượng Việt Nam thời gian qua tăng nhanh. Theo số liệu thống kê năng lượng, và đã nêu trong bài "Điện tái tạo và điện hạt nhân: Hai nguồn chiến lược" trên NangluongVietnam Online: "Tiêu thụ năng lượng cuối cùng của Việt Nam giai đoạn 2012 - 2018 bình quân với tốc độ khoảng 6%/năm; Tiêu thụ điện giai đoạn 2011-2019 tăng nhanh (khoảng 10%/năm), năm 2019 tổng công suất điện đạt trên 54.880 MW, sản xuất điện năng đạt gần 240 tỷ kWh. Cơ sở hạ tầng của ngành năng lượng phát triển nhanh. Hiện về quy mô nguồn điện đã đứng 2 khu vực Đông Nam châu Á, thứ 23 trên thế giới. Nội dung sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường đang từng bước được quản lý tốt hơn, nhưng hiệu quả sử dụng còn nhiều bất cập".

Điện thương phẩm và tốc độ tăng giai đoạn 2010-19 được trình bày dưới đây.

Theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) - QHĐVII ĐC, Chính phủ đã phê duyệt tháng 3/2016 [1, 2], tổng điện năng sản xuất so với QHĐVII được điều chỉnh giảm khoảng 20%.

Cụ thể, năm 2015: 164 tỷ; 2020: 265; 2025: 400; 2030: 575 tỷ kWh. Trong đó, nhiệt điện than có tỷ trọng lớn, trên 50% tổng sản xuất điện, thủy điện giảm từ 25 xuống 12,4%, điện từ khí đốt ở mức 17-19%, điện năng lượng tái tạo (NLTT) tăng 6,5-6,9% giai đoạn 2020-25 lên 10,7% vào 2030.

So với QHĐVII, tỷ trọng điện năng từ NLTT được điều chỉnh tăng 1,8 lần, nhưng lượng tuyệt đối chỉ 1,3 lần, vì tổng điện năng sản xuất được điều chỉnh giảm 20%. Theo đó, điện sản xuất đầu người thực tế, năm 2016: 2.010; 2017: 2.185; năm 2018: 2.300 kWh; dự báo năm 2020: 2.800; 2025: 4.100; 2030: 5.200 kWh/người.

Dưới đây, chúng tôi giới thiệu một vài con số để thấy mức tiêu thụ năng lượng của Việt Nam đang ở đâu trong bối cảnh quốc tế hiện nay.

Theo thống kê quốc tế năm 2018, tiêu thụ năng lượng bình quân thế giới khoảng 1.795 kgOE/người, sản xuất điện bình quân khoảng 3.100 kWh/người. Với các nước trong khu vực, tiêu thụ điện bình quân đầu người năm 2018: Singapore là 8.300, Malaysia: 4.300; Thailand: 2.736, Trung Quốc: 4.018; Hàn Quốc: 9.872; Nhật Bản: 7.480 kWh; v.v...

Với mức tiêu thụ và dự báo như đã trình bày trên, so với các nước tiên tiến, Việt Nam còn thấp. Nếu so với mức trung bình thế giới, tiêu thụ năng lượng nói chung Việt Nam chỉ mới khoảng 35-40%, về tiêu thụ điện chỉ khoảng 65%. Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay việc sử dụng công nghệ cao, tiêu thụ ít năng lượng, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường mới là điều đáng quan tâm hơn.

2/ Hiệu quả sử dụng điện, năng lượng của Việt Nam thấp:

Hiệu quả sử dụng năng lượng, được hiểu tổng quát là mức tiêu thụ năng lượng, tiêu thụ điện để sản xuất một đơn vị vật chất/tiền tệ. Tổng quoát đối với một quốc gia thường được đo lường bằng "Cường độ năng lượng" (CĐNL) và "Cường độ điện" (CĐĐ) đối với GDP - nghĩa là cần bao nhiêu đơn vị năng lượng/điện năng để có được một đơn vị GDP ( 1 USD, 1000 USD...). Chỉ tiêu này ở một số nước vào năm 2014 như sau:

Ở Việt Nam hiện nay cường độ điện khoảng 0,95-1 kWh/USD, lại còn được dự báo tăng lên vào 2020-2025. Đồng thời hệ số đàn hồi điện - tỷ lệ tốc độ tăng trưởng điện so với tốc độ tăng GDP, các nước nói chung nhỏ hơn 1, Việt Nam hiện tại khoảng 1,6 và có xu thế tăng. Cường độ năng lượng nói chung năm 2017 khoảng 300 kgOE/KUSD.

Như vậy mức tiêu thụ điện năng của Việt Nam cao hơn các nước 2-3 lần! Điều này dẫn tới chi phí sản xuất xã hội cao, tính cạnh tranh thấp, năng suất lao động thấp [6].

Kết quả thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNLTK&HQ) [4, 5].

1/ Luật đã có tác động tích cực đến hoạt động của ngành năng lượng nói riêng và kinh tế xã hội Việt Nam nói chung.

2/ Xây dựng và hoàn thiện một số văn bản pháp luật, hệ thống quy định pháp lý, các tiêu chuẩn, chính sách tạo điều kiện, làm cơ sở pháp lý cho hoạt động SDHQ&TKNL, có thể kể tới là: Luật 50/2010/QH12; Nghị định CP21/2011; Nghị định CP 134/2013; và nhiều thông tư, quyết định khác cho từng ngành...

3/ Các kết quả tuyên truyền và đào tạo: Công tác tuyên truyền đã được chú ý triển khai từ Trung ương tới địa phương. Qua một số khảo sát cho thấy, nhiều cán bộ quản lý và người dân đã nâng cao được nhận thức về lợi ích của tiết kiệm năng lượng; đã đào tạo trên 250 kiểm toán viên năng lượng và trên 2.500 cán bộ quản lý năng lượng được Bộ Công Thương cấp chứng chỉ.

4/ Xây dựng và phát triển nhiều trung tâm tiết kiệm năng lượng ở các tỉnh, thành phố; các đơn vị dịch vụ năng lượng (ESCO), trợ giúp các địa phương, các hộ tiêu thụ kiểm toán năng lượng, tiến hành các dự án tiết kiệm năng lượng (TKNL).

5/ Kết quả hoạt động TKNL ở một số lĩnh vực trọng điểm: Công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, chương trình gián nhãn năng lượng,... rất đáng ghi nhận, thể hiện tập trung thông qua Chương trình quốc gia về SDTK&HQNL (VNEEP) hai giai đoạn 2006-10 và 2011-2015.

Kết quả định lượng tiết kiệm được trình bày ở bảng sau:

Kết quả tiết kiệm năng lượng từ thực hiện VNEEP giai đoạn 1 và 2.

II. Nhận xét

Thứ nhất: Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là khâu cực kỳ quan trọng, nó được đánh giá là tạo ra nguồn năng lượng sạch giá rẻ, là quốc sách "thâm canh" trong năng lượng. Tuy thực thi Luật và hoạt động của Chương trình hoạt động khá sôi nổi, nhưng tính lan tỏa và hiệu quả còn thấp, nhận thức của cộng đồng, doanh nghiệp, kể cả nhà quản lý vẫn còn hạn chế, lượng năng lượng tiết kiệm được còn khá khiêm tốn.

Thứ hai: Nội dung hiệu quả và tiết kiệm năng lượng có tính hệ thống cao, nhưng thời gian qua chỉ mới thực hiện chủ yếu theo quy mô các dự án đơn lẻ, theo từng hộ tiêu thụ. Đặc biệt là thiếu những khảo sát đánh giá tổng thể về tiềm năng TKNL, nên tính lan tỏa và hiệu quả chưa cao.

Thứ ba: Thiếu cơ chế quản lý và hỗ trợ, nên công tác quản lý các cơ sở sử dụng năng lượng còn khá lỏng lẻo, do chưa kịp thời điều chỉnh mức tiêu thụ của hộ trọng điểm, số hộ trọng điểm tăng lên phải quản lý, nhưng lại chưa kiểm soát được tổng năng lượng tiêu thụ cần quản lý, việc trợ giúp các doanh nghiệp đầu tư thay đổi công nghệ còn rất hạn chế.

Thứ tư: Luật còn những phân biệt đối xử giữa hộ tiêu thụ năng lượng nhà nước và tư nhân, thể hiện thiếu bình đẳng.

Thứ năm: Kết quả đạt được từ việc thực thi Luật và Chương trình quốc gia là rất đáng ghi nhận, nhưng thiếu những tổng kết, đánh giá cụ thể, mức độ tin cậy; thiếu tổ chức biên tập cơ sở dữ liệu để sử dụng cho hoạt động TK&HQ, lập kế hoạch, quy hoạch năng lượng; thiếu quan tâm xây dựng các chỉ tiêu pháp lý cho hoạt động này.

Thứ sáu: Chỉ tiêu Cường độ năng lượng, Cường độ điện chưa trở thành chỉ tiêu quản lý vĩ mô của quốc gia, mặc dù đã có một số lần kiến nghị.

Thứ bảy: Đầu tư cho hoạt động TK&HQNL nói chung và cho Chương trình quốc gia nói riêng được đánh giá còn khá khiêm tốn, việc động viên tư nhân, doanh nghiệp đầu tư còn hạn chế.

(còn tiếp)

PGS. TS. Bùi Huy Phùng

Tạp chí Năng lượng Việt Nam