Thứ sáu, 01/11/2024 | 20:27 GMT+7
Tình trạng thiếu hụt năng lượng cho phát triển kinh tế đã được nhắc đến nhiều trong năm 2019, nay tiếp tục gây áp lực cho 2020 và những năm tiếp theo.
Nhu cầu tăng nhanh, nguồn cung không đủ
Trong những năm gần đây, công nghiệp của Việt Nam có sự tăng trưởng mạnh mẽ với tỷ lệ tăng trưởng cao. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đạt mức 6,8% từ năm 2016 đến nay. Song song với sự phát triển kinh tế, nhu cầu về năng lượng cũng tăng lên nhanh chóng.
Theo ghi nhận của Bộ Công Thương, trong giai đoạn 2001-2010, tăng trưởng về tiêu thụ năng lượng hàng năm đạt mức gần 10%. Đặc biệt, tiêu thụ điện đạt mức tăng trưởng rất cao, trung bình 13,07% trong giai đoạn này. Đến giai đoạn 2011-2015, mặc dù tốc độ tăng trưởng tiêu thụ năng lượng giảm xuống nhưng tốc độ tiêu thụ điện năng vẫn đạt mức trên 11%/năm. Vấn đề này dẫn đến những thách thức rất lớn trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong tương lai.
Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, với tốc độ tăng trưởng phụ tải như hiện nay, mỗi năm cần sản suất bổ sung khoảng 3.000 - 4.000 MW công suất từ các dự án nguồn điện đưa vào vận hành thương mại. Trong khi đó, hiện nay, nhiều dự án nguồn điện chậm tiến độ, gây khó khăn cho tình hình cung cấp điện.
Trước thực trạng này, giải pháp thiết thực nhất hiện nay là thực hiện sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.
Thực trạng sử dụng năng lượng trong công nghiệp
Công nghiệp là lĩnh vực tiêu thụ nhiều năng lượng nhất, khoảng 51.9 % tổng tiêu thụ năng lượng của quốc gia, theo số liệu năm 2017.
Ngân hàng Thế giới đánh giá tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp của Việt Nam lên đến 25-40% (tiềm năng kỹ thuật). Đây là con số rất lớn, nhưng nói theo cách khác, doanh nghiệp đang sử dụng năng lượng chưa hiệu quả.
Thực tế, tiền điện luôn chiếm một phần không nhỏ trong tổng chi phí sản xuất của các doanh nghiệp ngành công nghiệp. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng quan tâm đến vấn đề tiết kiệm điện.
"Khối sản xuất công nghiệp sử dụng gần một nửa tổng sản lượng điện cả nước, tức là khoảng 100 tỷ kWh/năm. Nếu doanh nghiệp điều chỉnh phụ tải vào giờ cao điểm, giảm được 1%, tương đương 1 tỷ kWh điện một năm, thì đã tiết kiệm được 1.600 tỷ đồng", ông Võ Quang Lâm cho hay.
Tự thân doanh nghiệp
Điểm sáng trong lĩnh vực công nghiệp về vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một số doanh nghiệp thuộc các ngành nghề tiêu tốn năng lượng như thép, xi măng, sản xuất chế tạo.,.. đã chủ động hướng đi, đầu tư tiết kiệm năng lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Tại Khu liên hợp sản xuất gang thép Dung Quất – Quảng Ngãi, ông Hồ Đức Thọ, Phó Giám đốc Công ty Thép Hòa Phát Dung Quất cho biết, áp dụng công nghệ mới, đơn cử như giải pháp công nghệ tuần hoàn khép kín, vừa giúp công ty tiết kiệm lượng lớn điện năng tiêu thụ vừa bảo vệ môi trường,. Giải pháp này được áp dụng cho cả hai Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát tại Hải Dương và Quảng Ngãi. Vốn đầu tư cho các hạng mục về môi trường của thép Hòa Phát chiếm khoảng 20-30% tổng vốn đầu tư các dự án.
Hiện Khu liên hợp sản xuất gang thép Dung Quất – Quảng Ngá sử dụng công nghệ lò cao khép kín 100%, không xả thải ra môi trường: toàn bộ chất thải, khí thải, nước thải đều được xử lý triệt để, tuần hoàn tái sử dụng, không xả nước sản xuất ra môi trường.
Ngoài ra, ông Hồ Đức Thọ còn cho hay, khu liên hợp lựa chọn công nghệ luyện than cốc thu hồi nhiệt siêu sạch tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay, triệt tiêu toàn bộ khí, khói và các chất hóa học độc hại sinh ra từ quá trình luyện than cốc, chỉ thu hồi lại nhiệt năng để chạy máy phát điện.
Việc sử dụng công nghệ thu hồi nhiệt chạy máy phát điện trong nội bộ sẽ giúp khu liên hợp Hòa Phát - Dung Quất tự chủ khoảng 70% tổng nhu cầu điện sản xuất. Điện tiết kiệm được sẽ giúp doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh. Đây cũng là nhu cầu tự thân của doanh nghiệp nếu muốn phát triển bền vững.
Ngoài ra, Tập đoàn Hòa Phát cũng đang tích cực cùng Điện lực Quảng Ngãi tham gia điều chỉnh phụ tải điện phi thương mại để sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả hơn.
Một doanh nghiệp khác cũng đi đầu và đẩy mạnh tiết giảm lượng điện năng tiêu thụ trong sản xuất là Sơn Hà. Theo ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hà, tập đoàn áp dụng nhiều biện pháp sản xuất tiết kiệm năng lượng, giúp giảm 30% chi phí năng lượng cho sản xuất.
Ông Sơn cho hay, những sáng kiến như thay thế toàn bộ đèn LED trong nhà xưởng, thiết kế khu sản xuất tận dụng ánh sáng mặt trời, lắp đặt điện mặt trời áp mái hay ứng dụng công nghệ 4.0 trong nhiều công đoạn sản xuất giúp tăng năng suất gấp 15-20 lần so với trước đây, giúp tiết kiệm điện hơn rất nhiều.
Tiết kiệm điện, ngoài doanh nghiệp, chủ thể sử dụng năng lượng trọng điểm, đóng vai trò rất quan trọng trong việc thực thành công, phía nhà nước, các cơ quan chức năng cũng cần có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp tiết kiệm điện và ngược lại là xử phạt các doanh nghiệp tiêu tốn điện năng. Theo Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tăng cường thực thi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong mọi lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội thông qua triển khai đồng bộ và triệt để các giải pháp quản lý, kỹ thuật, tập trung vào những ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng, có khả năng gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc thực hiện lộ trình dán nhãn năng lượng bắt buộc, loại bỏ các trang thiết bị lạc hậu tiêu tốn nhiều năng lượng.
Phương Huyền