Thứ sáu, 22/11/2024 | 16:58 GMT+7

Hội thảo "Kết quả nghiên cứu định mức tiêu hao NL và đề xuất định mức NL tối thiểu ngành sản xuất Mía đường VN"

08/04/2019

Ngày 3 tháng 4 năm 2019 tại Hà Nội, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Vụ TKNL và PTBV) Bộ Công thương đã chủ trì tổ chức Hội thảo “Kết quả nghiên cứu định mức tiêu hao năng lượng và đề xuất định mức năng lượng tối thiểu ngành sản xuất Mía đường Việt Nam” trong khuôn khổ Chương trình Năng lượng phát thải thấp Việt Nam (V-LEEP) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.

Ngày 3 tháng 4 năm 2019 tại Hà Nội, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Vụ TKNL và PTBV) Bộ Công thương đã chủ trì tổ chức Hội thảo “Kết quả nghiên cứu định mức tiêu hao năng lượng và đề xuất định mức năng lượng tối thiểu ngành sản xuất Mía đường Việt Nam” trong khuôn khổ Chương trình Năng lượng phát thải thấp Việt Nam (V-LEEP) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ. Tham dự hội thảo trên 40 đại biểu đến từ Hiệp hội mía đường, các công ty mía đường của Việt Nam, các chuyên gia, nhà khoa học và đơn vị tư vấn liên quan đến sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho ngành đường mía tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng, Vụ TKNL và PTBV nhận định: tăng trưởng nhu cầu năng lượng của Việt Nam còn ở mức cao so với tốc độ tăng trưởng GDP, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng tiêu thụ điện hàng năm thông thường bằng 1,5-1,6 lần so với tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh đó, cường độ năng lượng (lượng năng lượng cần sử dụng trên một đơn vị GDP) hiện nay đang cao hơn rất nhiều so với các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Châu Âu và cao hơn Thái Lan và Malaysia tương ứng là 30 và 60%. Lĩnh vực công nghiệp chiếm gần 50% tổng nhu cầu năng lượng quốc gia, theo đánh giá vẫn còn nhiều dư địa để cải thiện năng suất và hiệu quả năng lượng, ví dụ như ngành xi măng (27%), giấy và bột giấy (14%), thép (20%), dệt may (20%).

Đại diện các doanh nghiệp mía đường chia sẻ ý kiến tại hội thảo

Ở góc độ chính sách, nhằm tiếp tục tăng cường thực thi Luật sử dụng năng lượng TK&HQ, ngày 13 tháng 3 năm 2019 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 280/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng TK&HQ giai đoạn 2019 – 2030. Theo đó, Chương trình đề ra một loạt các hoạt động và giải pháp nhằm đạt mục tiêu từ nay đến năm 2030 tiết kiệm từ 8% – 10% trên tổng tiêu thụ năng lượng tiêu thụ trong cùng giai đoạn. Đặc biệt trong công tác xây dựng chính sách sẽ tiếp tục rà soát, kiện toàn việc xây dựng các quy định về định mức năng lượng tối thiểu cho từ 10 đến 15 ngành và tiểu ngành thuộc một số lĩnh vực công nghiệp trọng điểm tiêu thụ nhiều năng lượng.

Để thực hiện các mục tiêu về tiết kiệm năng lượng trong ngành mía đường, từ năm 2018 Bộ Công thương đã phối hợp Hiệp hội Mía đường Việt Nam và các doanh nghiệp trong ngành tổ chức nghiên cứu định mức tiêu hao năng lượng nhằm xác định hiện trạng mức tiêu hao năng lượng, làm cơ sở để xây dựng thông tư quy định định mức năng lượng tối thiểu cũng như các chính sách, quy định nhằm hỗ trợ phát triển ngành trong tương lai. Kết quả đã phác thảo được bức tranh về tiêu thụ năng lượng trong hoạt động sản xuất đường từ mía của Việt Nam hiện nay là đầu vào hữu ích cho cơ quan quản lý, doanh nghiệp của ngành phục vụ xây dựng chính sách, kế hoạch phát triển hướng tới tăng trưởng bền vững trong thời gian tới, đặc biệt là dự thảo Thông tư định mức tiêu hao năng lượng tối thiểu ngành sản xuất đường mía đã được trình bày giới thiệu tại Hội thảo.​

Thông qua Hội thảo Bộ Công Thương ghi nhận ý kiến từ các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà quản lý và các doanh nghiệp sản xuất mía đường về thực trạng tiêu thụ năng lượng, đánh giá tiềm năng tiết kiệm năng lượng và góp ý cho đề xuất định mức năng lượng tối thiểu có thể áp dụng cho ngành... sẽ góp phần tích cực trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, tăng cường sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm, thúc đẩy ngành Mía đường Việt Nam phát triển hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững trong tương lai.

Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững