Thứ bảy, 02/11/2024 | 01:34 GMT+7

Hội thảo triển khai Hợp phần xây dựng NAMA tạo tín chỉ, đề xuất công cụ thị trường áp dụng cho ngành thép Việt Nam

08/04/2019

Ngày 3 tháng 4 năm 2019, tại Hà Nội, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) phối hợp với Ngân hàng Thế giới và Ban Quản lý dự án Sẵn sàng tham gia thị trường carbon (VNPMR) – Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo triển khai Hợp phần xây dựng NAMA tạo tín chỉ, đề xuất công cụ thị trường áp dụng cho ngành thép Việt Nam.

Ngày 3 tháng 4 năm 2019, tại Hà Nội, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) phối hợp với Ngân hàng Thế giới và Ban Quản lý dự án Sẵn sàng tham gia thị trường carbon (VNPMR) – Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo triển khai Hợp phần xây dựng NAMA tạo tín chỉ, đề xuất công cụ thị trường áp dụng cho ngành thép Việt Nam.

Dự án VNPMR do Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ quản Dự án, cùng với sự tham gia của các Bộ ngành có liên quan gồm Bộ Công Thương, Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư. Dự án VNPMR sẽ tập trung nghiên cứu các cơ chế chính sách thúc đẩy các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính và thí điểm nghiên cứu, xây dựng NAMA tạo tín chỉ cho ngành thép và chất thải rắn.

Hợp phần xây dựng NAMA tạo tín chỉ, đề xuất công cụ thị trường áp dụng cho ngành thép Việt Nam do Bộ Công Thương chủ trì triển khai trong giai đoạn từ 2018 – 2020. Mục tiêu chủ yếu của Hợp phần là tăng cường năng lực, tìm kiếm các cơ hội hợp tác huy động các nguồn tài chính trong nước và quốc tế để thực hiện các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong ngành thép, cụ thể: (i) thiết kế và xây dựng thí điểm chương trình NAMA tạo tín chỉ cho ngành thép Việt Nam nhằm hỗ trợ Bộ Công Thương xây dựng phương pháp luận và cách tiếp cận tương tự cho các ngành công nghiệp tiêu thị nhiều năng lượng trong trung và dài hạn; (ii) xác định các công cụ định giá carbon khả thi với ngành thép và đề xuất lộ trình áp dụng công cụ định giá carbon.

Hội thảo có sự tham gia của đại diện các Bộ ngành liên quan như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, các đơn vị có liên quan của Bộ Công Thương, các Sở Công Thương, các viện nghiên cứu, Hiệp hội thép Việt Nam, các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất thép, các tổ chức quốc tế, các đơn vị truyền thông trong và ngoài Bộ Công Thương, các chuyên gia trong và ngoài nước trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Tăng Thế Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững khẳng định, tính đến thời điểm hiện tại, Dự án hợp phần Xây dựng và triển khai thí điểm NAMA tạo tín chỉ và đề xuất công cụ thị trường và lộ trình áp dụng cho ngành thép Việt Nam đã cơ bản sẵn sàng để triển khai thực hiện trong thời gian tới. Đây là cơ hội cho các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp của ngành thép Việt Nam trong việc chuẩn bị, sẵn sàng tham gia thực hiện các nghĩa vụ giảm phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, đây là những vấn đề còn mới đối với ngành Công Thương nói chung và ngành thép nói riêng, do đó, sẽ có nhiều thách thức, khó khăn về kiến thức, năng lực nghiên cứu, tổ chức triển khai thực hiện.

Ông Tăng Thế Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững

Ông Hoàng Văn Tâm - Phó Chánh Văn phòng Biến đổi khí hậu và Tăng trưởng xanh, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững đã trình bày kế hoạch triển khai các nội dung chính của Dự án hợp phần liên quan đến xây dựng và triển khai NAMA tạo tín chỉ trong lĩnh vực sản xuất thép và mong muốn nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các Sở Công Thương, doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất thép và các bên có liên quan trong quá trình triển khai Dự án hợp phần.

Tại Hội thảo, các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế về những lĩnh vực liên quan trình bày về kinh nghiệm áp dụng các cơ chế, công cụ thị trường cho ngành thép và các ngành tương tự. Một số kết quả ban đầu về phương pháp luận MRV, tiềm năng tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải cũng được đề cập và đưa ra thảo luận, trao đổi. Đại diện một số doanh nghiệp, Hiệp hội thép Việt Nam cũng đã chia sẻ cơ hội, tiềm năng và kinh nghiệm triển khai các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính và cải thiện hiệu suất sử dụng năng lượng trong ngành thép Việt Nam.

Kết quả của Dự án hợp phần trong lĩnh vực sản xuất thép sẽ là tiền đề cơ bản cho viêc triển khai các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính trong công nghiệp thực hiện Quyết định số 253/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030.

Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững