Thứ bảy, 21/12/2024 | 22:01 GMT+7
Ngày 4/4/2019, tại Thành phố Hải Phòng, Bộ Công Thương chủ trì, phố hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Giới thiệu các dự án hỗ trợ đầu tư, đổi mới công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp”.
Đây là hoạt động cụ thể nhằm triển khai Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13 tháng 3 năm 2019. Hội thảo đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ gần 100 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, các công ty cung cấp dịch vụ năng lượng (ESCO) thuộc địa bàn các tỉnh, thành phố Hải Phỏng, Hải Dương, Quảng Ninh và Thái Bình cũng như chi nhánh ngân hàng Vietcombank và BIDV trên địa bàn. Đại diện các Sở Công Thương Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh và Thái Bình cùng các đơn vị đầu mối về tiết kiệm năng lượng các tỉnh trên cũng có mặt tại Hội thảo.
Bà Nguyễn Thị Lâm Giang, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương
Phát biểu tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Lâm Giang, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương nhấn mạnh, “Năng lượng và an ninh năng lượng luôn là mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ Việt Nam. Trong bối cảnh sức ép nguồn cung năng lượng hiện nay, đặc biệt, việc Quốc hội Việt Nam đã thông qua chủ trương tạm dừng các dự án điện hạt nhân; Các nguồn thủy điện quy mô lớn và trung bình đã tiệm cận đến mức khai thác tiềm năng; Khai thác dầu khí chưa có nhiều đột biến về sản lượng, năng lượng tái tạo chưa thể một sớm một chiều đóng vai trò lớn hơn trong cơ cấu nguồn cung năng lượng quốc gia do yếu tố yếu tố kỹ thuật và giá thành thì việc cải thiện chất lượng sử dụng và tiêu thụ năng lượng được coi là giải pháp bền vững đối với ngành năng lượng cũng như chiến lược an ninh năng lượng quốc gia. Việc thúc đẩy các hoạt động, giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả phải được đẩy mạnh triển khai cả theo chiều sâu và chiều rộng, liên tục và đồng bộ”.
Toàn cảnh hội thảo với hơn 170 đại biểu tham dự
Nhiều năm qua, Bộ Công Thương với đầu mối là Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững đã đẩy mạnh việc tìm kiếm các nguồn vốn thông qua hợp tác với các đối tác phát triển quốc tế phục vụ việc chuyển đổi công nghệ, thay thế, cải tạo máy móc, dây chuyền sản xuất, nâng cao năng lực quản lý năng lượng theo hướng sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả từ đó gia tăng năng lực cạnh tranh cho sản phảm tại các doanh nghiệp. Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam là một trong những đối tác phát triển đã và đang đồng hành cùng Bộ Công Thương trong mục tiêu tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam.
Hội thảo đã tập trung giới thiệu chuỗi các dự án sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả do Ngân hàng Thế giới tài trợ đối với doanh nghiệp. Theo đó, Dự án Tiết kiệm năng lượng cho các ngành công nghiệp Việt Nam (VEEIE) huy động được khoảng 158 triệu USD trong đó Ngân hàng Thế giới hỗ trợ 100 triệu USD, số còn lại đến từ ngân hàng thương mại Vietcombank và BIDV cùng đối ứng từ doanh nghiệp. Song song với Dự án này, Dự án Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng cho các ngành công nghiệp Việt Nam cũng đang được Bộ Công Thương và Ngân hàng Thế giới chuẩn bị và dự kiến sẽ sớm đưa vào triển khai trong năm 2019 với số tiền lên đến gần 84 triệu USD nhằm hỗ trợ hoạt động kiểm soát rủi ro các khoản cho vay đối với ngân hàng thương mại với các dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng tại doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Chương trình VE2C2P về mua bán giảm phát thải khí nhà kính thông qua hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng được Bộ Công Thương và Ngân hàng Thế giới giới thiệu tại Hội thảo. Lượng phát thải khí nhà kính sẽ được mua lại với tổng số tiền khoảng 20 triệu USD từ các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại doanh nghiệp sẽ trên cơ sở hai dự án trên là nội dung chinh của Dự án mua bán tín chỉ giảm phát thải khí nhà kính.
Đại diện Ngân hàng Thế giới, chuyên gia cao cấp về năng lượng, Ông Chu Bá Thi, tại Hội thảo, đã khẳng định, nhiều năm qua, Ngân hàng Thế giới đã đồng hành cùng với Việt Nam, thông qua Bộ Công Thương trong việc phát triển bền vững ngành năng lượng của Việt Nam từ khâu phát, truyền tải đến thay đổi chất lượng cầu năng lượng. Ngân hàng Thế giới sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam cải thiện chất lượng sử dụng năng lượng thông qua hàng loạt chương trình, dự án đang và sẽ đưa vào triển khai trong thời gian tới với mục đích góp phần hoàn thành mục tiêu Chương trình quốc gia về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030.
Tại Hội thảo, nhiều đại diện doanh nghiệp đã bày tỏ mối quan tâm thông qua các câu hỏi về điều kiện, thủ tục và quy trình tiếp nhận và triển khai nguồn vốn từ Dự án, trong đó có những ý kiến về công nghệ, giải pháp kỹ thuật, quản lý năng lượng. Các doanh nghiệp cung cấp giải pháp như Công ty cổ phần CESS đã có những trình bày cụ thể nhằm cung câp một trong những giải pháp giúp doanh nghiệm tiết kiệm điện lên đến 15 %. Để cung cấp những băn khoăn về giải pháp công nghệ và tình trạng tiêu hao năng lượng của một số doanh nghiệp tại Hội thảo, ông Lê Tuấn Phong, chuyên gia năng lượng Bộ Công Thương đã trình bày những nội dung liên quan đến kiểm toán năng lượng tại doanh nghiệp, trong đó nêu bật những giải pháp cụ thể cho từng doanh nghiệp cụ thể thông qua khâu kiểm toán năng lượng. Đại diện Ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam đã trình bày chi tiết các thủ tục, quy trình giải ngân dự án đầu tư về tiết kiệm năng lượng tại doanh nghiệp cho các đại diện doanh nghiệp.
Kết thúc Hội thảo, bà Nguyễn Thị Lâm Giang, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững đã đánh giá cao những nỗ lực của Ngân hàng Thế giới, của các Sở Công Thương Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình và Quảng Ninh đã quyết tâm đồng hành thực hiện mục tiêu Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030 thông qua tổ chức thành công hội thảo. Bà Lâm Giang cũng đánh giá cao sự quan tâm của doanh nghiệp và sự đồng hành của ngân hàng Vietcombank và BIDV trong nỗ lực sử dụng năng lượng và hiệu quả tại doanh nghiệp và mong mỏi, sau hội thảo, nhiều doanh nghiệp sẽ có những chiến lược, giải pháp thực tế để giảm thiểu tình trạng sử dụng năng lượng không hiệu quả tại đơn vị, góp phần bảo tồn và hiệu quả tài nguyên năng lượng của quốc gia.
Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững