Thứ năm, 07/11/2024 | 21:49 GMT+7
Giờ Trái đất là sáng kiến của Quỹ Quốc tế về Bảo vệ thiên nhiên (WWF) nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về biến đổi khí hậu và tiết kiệm năng lượng trên toàn thế giới. Mọi cá nhân và tổ chức tại Việt Nam đều có thể tham gia bằng nhiều hình thức như tắt đèn và thiết bị không cần thiết hoặc tổ chức các hoạt động ủng hộ nhằm đối phó với tác động của quá trình biến đổi khí hậu. Trong những năm qua, Chiến dịch Giờ Trái đất tại Việt Nam do Bộ Công Thương chủ trì đã thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của 63 tỉnh, thành phố cùng hàng triệu người dân ở mọi tầng lớp khác nhau.
Lãnh đạo tỉnh đạp xe hưởng ứng Chiến dich GTĐ
Để hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất 2019, góp phần vào những nỗ lực chung của thế giới, Bộ Công Thương vừa đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng trong tháng 3 năm 2019, vận động các tổ chức, cơ quan và người dân tham gia vào các hoạt động của Chiến dịch Giờ Trái đất và Sự kiện chính thức Giờ Trái đất năm 2019 diễn ra từ 20h30-21h30 thứ bảy, ngày 30/3/2019 bằng việc tắt đèn và các thiết bị điện không cần thiết vào thời gian diễn ra sự kiện, nhằm nâng cao ý thức tiết kiệm điện và bảo vệ môi trường trong toàn xã hội, góp phần thúc đẩy việc thực thi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 07/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện tiết kiệm điện.
Đa dạng các hình thức tuyên truyền
Tại tỉnh Hà Giang, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Công Thương chủ trì cùng các cơ quan liên quan tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng; vận động các tổ chức, cơ quan và người dân tham gia hưởng ứng. Theo đó, trong thời gian tới các đơn vị tăng cường công tác tuyền truyền, phổ biến Chiến dịch như treo các băng rôn, cờ phướn tại các địa điểm đông dân cư; thi công các hộp tuyên truyền Giờ Trái đất và tiết kiệm năng lượng đặt tại quảng trường 26/3; Tổ chức thu dọn vệ sinh tại các khu vực công cộng; tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài, truyền hình...
Đây là năm thứ tám liên tiếp tỉnh Hà Giang tích cực hưởng ứng và tham gia sự kiện, với mục đích chung là vận động cộng đồng, doanh nghiệp và toàn xã hội thực hiện các hoạt động về tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường và ứng phó với hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu. Trong năm 2018, với một giờ tắt đèn hưởng ứng cùng các hoạt động bên lề, hệ thống điện toàn tỉnh đã tiết kiệm được trên 4500 kWh điện Sản lượng điện tiết kiệm được trong 1 giờ tắt đèn có thể không nhiều nhưng mang lại ý nghĩa rất lớn trong việc cùng nhau nâng cao nhận thức trong sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.
Lê Thắng - Phòng Tư vấn TKNL