Thứ sáu, 10/01/2025 | 23:14 GMT+7
Sáng ngày 17/12, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo “Ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh ngành Công Thương – Sự tham gia của tổ chức công đoàn”.
Biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường là vấn đề nhận được sự quan tâm trên quy mô toàn cầu và là điều khó tránh khỏi trong quá trình phát triển của kinh tế thế giới, đặc biệt là sự phát triển lớn mạnh của nền công nghiệp phát triển. Tác động của những vấn đề toàn cầu này ảnh hưởng nhiều đến đời sống của toàn xã hội tại nhiều quốc gia.
Toàn cảnh Hội nghị
Từ các kết quả nghiên cứu của mình, các nhà khoa học trên thế giới đã dự báo Việt Nam là một trong những quốc gia sẽ phải đối mặt với nhiều tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu như gia tăng tần suất và cường độ lũ lụt, nước biển dâng, nhiệt động trung bình tăng, gây thiệt hại lớn về hạ tầng, phát triển kinh tế, cuộc sống của người dân, ảnh hưởng đến an ninh lương thực, an ninh năng lượng cũng như các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước trong tương lai.
Cùng với cộng đồng quốc tế, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã nhận thức đầy đủ và đã sớm có những chương trình hành động ứng phó kịp thời theo hướng chủ động với quan điểm ưu tiên các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu và tích cực triển khai các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo các cơ chế tự nguyện, khuyến khích và dần cam kết các hoạt động và mục tiêu giảm nhẹ trong mọi hoạt động của nền kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp, năng lượng và Thương mại mà ngành Công Thương chúng ta chủ trì thực hiện.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Để chủ động ứng phó với BĐKH và thực hiện tăng trưởng xanh trong lĩnh vực công nghiệp, năng lượng và thương mại, Bộ Công Thương đã thành lập Ban chỉ đạo về Ứng phó với BĐKH và Tăng trưởng xanh do Bộ trưởng làm Trưởng ban nhằm tăng cường xây dựng triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính như sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm, phát triển năng lượng tái tạo, phát triển các mô hình doanh nghiệp, kinh tế các-bon thấp, ít gây ô nhiễm môi trường, hướng đến tăng trưởng xanh và mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai.
Bà Nguyễn Thị Lâm Giang, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững
Theo bà Nguyễn Thị Lâm Giang, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, mục tiêu Chương trình hướng tới nhằm cung cấp thông tin về cơ hội và thách thức của ngành Công Thương trong việc thực hiện các cam kết quốc tế mới nhất của Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính theo Thoả thuận Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu. Hội nghị cũng chia sẻ thông tin về một số giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, đặc biệt là cơ hội tiếp cận tài chính dành cho các doanh nghiệp công nghiệp ngành Công Thương để thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính. “Trên cơ sở kinh nghiệm tốt của một số đơn vị trong ngành, hội nghị sẽ được nghe những chia sẻ về việc triển khai các giải pháp tăng trưởng xanh được lồng ghép trong hoạt động của tổ chức công đoàn từ đại diện công đoàn viên của các doanh nghiệp ngành Công Thương” bà Lâm Giang cho biết thêm.
Ông Hoàng Văn Tâm, Phó Chánh văn phòng BĐKH&TTX Bộ Công Thương
Theo ông Hoàng Văn Tâm, Phó Chánh văn phòng BĐKH&TTX Bộ Công Thương, ứng phó BĐKH đang gặp nhiều khó khăn thách thức về cơ chế, chính sách toàn cầu về khí hậu tác động đến sự phát triển các quốc gia và cơ hội phát triển của DN như chính sách thuế, phí, rào cản kỹ thuật, các vấn đề về chính trị, ngoại giao. Nhu cầu nguồn lực tài chính cho BĐKH lớn, khả năng tiếp cận còn khó khăn. Các dòng tài chính quốc tế hạn chế các dự án sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Đặc biệt, lợi ích đầu tư ứng phó BĐKH chưa hấp dẫn các nhà đầu tư. Chính vì vậy, giải pháp được Phó Chánh văn phòng BĐKH&TTX Bộ Công Thương đưa ra đó là cần nâng cao khả năng thích ứng với BĐKH, rủi ro thiên tai như quy chuẩn, tiêu chuẩn mới, năng lực, nhận thức của con người. Sử dụng hiệu quả năng lượng, tài nguyên nước. Phát triển cơ cấu về cung cấp và sử dụng năng lượng theo hướng nâng cao tỷ lệ năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Hệ thống hóa cơ sở dữ liệu về sử dụng năng lượng theo hướng có thể đo lường, báo cáo và thẩm tra được.
Ông Đinh Văn Châu, Phó Chánh Văn phòng Phát triển bền vững Bộ Công Thương khẳng định “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả mang lại lợi ích kinh tế”. Dẫn chứng về nội dung này, ông Châu cho biết, IBM tiết kiệm được $43 triệu trong năm 2011 nhờ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; $400 triệu tính từ năm 1990. IBM hiện là công ty xanh nhất của Mỹ. Tháng 6/2012, lợi nhuận của công ty cũng tăng 6% nhờ tiết kiệm năng lượng mặc dù doanh thu giảm. Ông Châu cũng cho rằng “tiềm năng tiết kiệm năng lượng là rất lớn”. Từ năm 2006 đến 2015, chục triệu tấn dầu quy đổi đã được tiết kiệm nhờ hoạt động của Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Khoảng 60 triệu tấn dầu quy đổi có thể được tiết kiệm trong giai đoạn 2019-2030.
“Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu qảu không phả là hoạt động một lần mà phải là hoạt động thường xuyên và liên tục” ông Đinh Văn Châu nhấn mạnh. Chúng ta phải hiểu được tiềm năng tiết kiệm năng lượng và khả năng tác động đến giá thành từ đó xây dựng kế hoạch và hướng ưu tiên đầu tư. Để làm được điều này trong quá trình triển khai phải ưu tiên những điểm đã xác định lãng phí năng lượng. Một số hoạt động không cần phải đầu tư sẽ tiến hành thực hiện trước. Phải giám sát để đảm bảo mọi việc đều được thực hiện. Sử dụng hệ thống quản lý và kiểm soát năng lượng với tiềm năng tiết kiệm từ 2-8%.
Tham luận tại Hội nghị về vai trò của Công đoàn với bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH, nguyên lãnh đạo Công đoàn Công Thương Việt Nam Nguyễn Xuân Thái cho biết bắt đầu từ năm 2013, Công đoàn Công Thương Việt Nam đã phối hợp với FES, IG BCE xây dựng Chương trình nghiên cứu về Vai trò của Công đoàn với bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Chương trình được thực hiện trên 30 doanh nghiệp trong các ngành hóa chất, giấy, nhựa, sành sứ, thủy tinh. Tổng kết sau 05 năm thực hiện, ông Nguyễn Xuân Thái cho rằng, ban đầu DN e ngại khi bàn phối hợp về ô nhiễm môi trường, BĐKH, qua tiếp xúc thực hiện Chương trình, qua các lớp tập huấn DN đã ủng hộ và muốn hợp tác với Công đoàn Công Thương. Ngoài các lớp do Chương trình tài trợ, nhiều DN đã tự tổ chức các lớp về môi trường, BĐKH với nguồn kinh phí của đơn vị. Là công đoàn đầu tiên trong hệ thống công đoàn triển khai thực hiện chuyên đề bảo vệ môi trường, ứng phó BĐKH, từ kết quả Chương trình đã có một số công đoàn ngành, liên đoàn lao động địa phương muốn được chia sẻ thông tin và hợp tác tham gia. Triển khai Chương trình, CDDCT Việt Nam là thành viên Ban chỉ đạo BĐKH Bộ Công Thương, thành viên tham dự COP, nâng cao vai trò vị thế của tổ chức Công đoàn. Biên soạn được bộ tài liệu về bảo vệ môi trường, BĐKH phù hợp với thực tế ngành, địa phương. Bảo vệ môi trường, BĐKH là lĩnh vực mới, khó với cán bộ công đoàn, thông qua Chương trình, qua đào tạo, hướng dẫn của chuyên gia, sự nỗ lực của nhóm giảng viên kiêm nhiệm của CĐCT Việt Nam đã có thể tổ chức giảng dạy tốt các lớp tập huấn cho người lao động tại doanh nghiệp.
Với 05 năm nghiên cứu và thực hiện chương trình, ông Nguyễn Xuân Thái cũng kiến nghị, mặc dù là vấn đề đang được quan tâm nhưng bảo vệ môi trường, BĐKH lại khá mới đối với tổ chức công đoàn nên cần được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp công đoàn. Hàng năm Bộ Công Thương và Công đoàn Công Thương Việt Nam cần có kế hoạch hợp tác, triển khai nhân rộng đến các đơn vị trong Ngành về bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH. Đồng thời, Công đoàn chủ động phối hợp với cơ quan chuyên môn quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện để thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tập huấn về bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH cho đoàn viên, người lao động của đơn vị.
Ông Trần Quang Huy, Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam
Bế mạc Hội nghị, ông Trần Quang Huy, Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam cho rằng là Hội nghị đầu tiên về ứng phó biến đổi khí hậu với tăng trưởng xanh. Ông Huy khẳng định vai trò to lớn của Tổ chức công đoàn trong việc động viên khuyến khích để người lao động trong ngành Công Thương thực hiện tốt Chương trình ứng phó biến đổi khí hậu với tăng trưởng xanh. Tuy nhiên, để làm tốt điều này cần có môi trường làm việc thực sự trong lành, cần có điều kiện để ngành Công Thương phát triển bền vững. Khi có sự phát triển bền vững của ngành Công Thương thì mỗi người lao động sẽ có được việc làm ổn định, môi trường đảm bảo cho cuộc sống. Còn đối với doanh nghiệp, khi tham gia vào chương trình, trước hết doanh nghiệp đã thực hiện đúng quy định của pháp luật. Tham gia vào Chương trình, doanh nghiệp cũng có bước phát triển mạnh mẽ hơn trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, đó là doanh nghiệp sẽ để lại sự phát triển bền vững cho con em trong tương lai.
Trong thời gian tới, Công đoàn Công Thương Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với Vụ Tiết kiệm năng lượng và biến đổi khí hậu tổ chức nhiều hoạt động hơn nữa để thực hiện tốt vai trò của tổ chức công đoàn trong ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.
Kết thúc Hội nghị, đoàn đại biểu đã di chuyển tham quan Tòa nhà xanh Liên Hợp Quốc – một điển hình của mô hình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại Việt Nam.