Chủ nhật, 24/11/2024 | 18:21 GMT+7
Ngày 6/7/2018 tại TP Đà Nẵng, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị bàn tròn về Sản xuất sạch hơn (SXSH) và Tiêu dùng bền vững (TDBV) năm 2018.
Tham dự hội nghị có các Bộ, ngành liên quan, đại diện 63 sở Công Thương các tỉnh, Thành phố, Trung tâm khuyến công, trung tâm tiết kiệm năng lượng, các tổ chức, cá nhân đến hoạt động sản xuất sạch hơn, sản xuất và tiêu dùng bền vững, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng điều hành hội nghị.
Đẩy mạnh SXSH trong công nghiệp
Chiến lược SXSH trong công nghiệp đến năm 2020 có tiền đề là Hợp phần SXSH trong công nghiệp thuộc Chương trình Hợp tác phát triển về môi trường Việt Nam – Đan Mạch. Chiến lược bao gồm 5 đề án chia thành 2 giai đoạn 2009 - 2015 và 2016 - 2020.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, tính đến hết năm 2017 trên cả nước đã có 41/63 địa phương có đầu mối về SXSH. 35 địa phương ban hành Kế hoạch, chương trình thực hiện Chiến lược SXSH 2009 -2015. Đặc biệt, 22 địa phương đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược SXSH 2016 – 2020. Gần 100 trung tâm (khuyến công, tiết kiệm năng lượng, sản xuất sạch hơn, xúc tiến thương mại, tư vấn phát triển công nghiệp) triển khai các hoạt động tư vấn, hướng dẫn thực hiện SXSH cho các Doanh nghiệp.
Trong khuôn khổ các hoạt động của Chiến lược, Bộ Công Thương đã tổ chức hàng trăm hội thảo, tập huấn với sự tham gia của trên 25.000 lượt người. Hàng nghìn bài báo, phóng sự và ấn phẩm phổ biến SXSH đã được xây dựng ở cấp trung ương và địa phương.
Bộ Công Thương đã ban hành trên 20 hướng dẫn kỹ thuật về SXSH cho các ngành nghề khác nhau; Thực hiện đánh giá nhanh cho 411 doanh nghiệp, đánh giá chi tiết cho 102 doanh nghiệp; Xây dựng 02 mô hình trình diễn. Ở cấp địa phương, đã hỗ trợ đánh giá nhanh 335 doanh nghiệp; Hỗ trợ 88 mô hình áp dụng SXSH.
Sắp tới, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nâng cao nhận thức và năng lực; Hỗ trợ kỹ thuật và duy trì cơ sở dữ liệu website về SXSH. Tổ chức khảo sát, đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến 2020, đề xuất các hoạt động cho giai đoạn 2021-2030. Nhằm hướng đến một nền công nghiệp sản xuất sạch hơn, Bộ Công Thương sẽ xây dựng hệ thống đánh giá chứng nhận về SXSH trong công nghiệp cho các doanh nghiệp trên cơ sở tự nguyện.
Sản xuất và tiêu dùng bền vững
Ở Việt Nam, đánh giá kết quả gần 30 năm đổi mới cho thấy chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh xã hội và xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, sự phát triển của nước ta trong thời kỳ này chủ yếu dựa vào việc mở rộng đầu tư sản xuất theo chiều rộng, trên cơ sở khai thác các tài nguyên thiên nhiên sẵn có; năng suất lao động còn thấp; công nghệ sản xuất, mô hình tiêu dùng còn sử dụng nhiều năng lượng, nguyên liệu và thải ra nhiều chất thải. Nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên đang bị khai thác tới mức cạn kiệt, sử dụng lãng phí và kém hiệu quả. Môi trường thiên nhiên ở nhiều nơi bị phá hoại nghiêm trọng, ô nhiễm và suy thoái đến mức báo động. Phát triển bền vững là con đường tất yếu của Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 622/QD-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2017 Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững với các mục tiêu cụ thể đến năm 2030 trong đó chỉ rõ các mục tiêu phát triển bền vững.
Bộ Công Thương đã Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững với các mục tiêu cụ thể đến năm 2030. Kế hoạch đặt ra 13 nhiệm vụ với 15 giải pháp tổng thể phát triển bền vững, sản xuất và tiêu dùng bền vững cho ngành Công Thương.
Các mục tiêu chủ yếu xung quanh các vấn đề như năng lượng sạch và bền vững; Tăng trưởng kinh tế; Tiêu dùng có trách nhiệm; tăng cường hợp tác toàn cầu vì sự phát triển bền vững…
Hai năm đầu các hoạt động chủ yếu là việc xây dựng chính sách, khuôn khổ pháp lý, chương trình được tại Trung ương. Sắp tới, Bộ Công Thương đề xuất ban hành chính thức bộ chỉ số bộ chỉ tiêu quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững ngành Công Thương làm cơ sở cho việc theo dõi và đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu.
Bộ Công Thương đã thành lập Văn phòng Sản xuất sạch hơn và Sản xuất tiêu dùng bền vững giúp việc cho Ban điều hành Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020 và Ban điều hành Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Chi tiết các nhiệm vụ và mục tiêu PTBV ngành Công Thương, xem tại đây.