Thứ năm, 07/11/2024 | 23:42 GMT+7
Sáng ngày 15/5/2018, Bộ Công Thương chủ trì tổ chức Hội thảo Phương pháp luận xây dựng kế hoạch thực hiện Báo cáo đóng góp quốc gia tự xác định lĩnh vực năng lượng.
Tại Hội nghị Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP21) diễn ra tại Paris, Cộng hòa Pháp, các Bên tham gia đã cùng nhau đạt được thỏa thuận quan trọng về ứng phó với biến đổi khí hậu, được gọi là Thỏa thuận Paris. Thỏa thuận này đã đánh dấu một giai đoạn mới, với cách thức mới về hợp tác và chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu trong những thập kỷ tới.
Đóng góp quốc gia tự quyết định NDCs (NDCs - National Determined Contributions) là nội dung quan trọng của Thỏa thuận Paris. Với tinh thần trách nhiệm, chủ động, Việt Nam đã gửi Ban thư ký UNFCCC tại Hội nghị COP21 Dự kiến đóng góp quốc gia tự quyết định INDCs (INDCs – Intended Nationally Determined Contributions) và nay là NDCs ngay sau khi Thỏa thuận Paris có hiệu lực.
Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững Nguyễn Thị Lâm Giang phát biểu khai mạc Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Nguyễn Thị Lâm Giang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết, theo báo cáo INDCs, Việt Nam cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát thải thông thường bằng nguồn lực của quốc gia và tăng lên 25% nếu có sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Cũng theo báo cáo này, giai đoạn 2021-2030, phát thải khí nhà kính từ lĩnh vực năng lượng ngày càng tăng nhanh, chiếm tới trên 80% tổng phát thải quốc gia vào năm 2030.
Lĩnh vực năng lượng và công nghiệp đã, đang và sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Theo nghiên cứu của Bộ Công Thương, dự báo đến năm 2035, tổng nhu cầu năng lượng cuối cùng đạt gần 135 triệu tấn dầu quy đổi (MTOE) tăng gấp 2,5 lần so với năm 2015 là 54 MTOE, trong đó mức tiêu thụ năng lượng trong giao thông vận tải, chiếm tỷ trọng khoảng 27% được dự báo sẽ tăng nhanh nhất với tốc độ khoảng 5,7%/năm; lĩnh vực công nghiệp chiếm tỷ trọng 45,3% có tốc độ tăng khoảng 5,0%/năm trong giai đoạn 2016-2035.
Bộ Công Thương với vai trò cơ quan tham mưu cho Chính phủ quản lý trong lĩnh vực năng lượng và công nghiệp đã nhận thức rõ những cơ hội, thách thức trong việc vừa đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng đồng thời tham gia tích cực vào các nỗ lực chung thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.
Thực hiện Quyết định số 2053/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Bộ Công Thương đã giao Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững – Đơn vị đầu mối về biến đổi khí hậu của Bộ, phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ ngành liên quan và các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ thực hiện nghiên cứu, đánh giá và đề xuất giải pháp và kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris và NDCs trong lĩnh vực năng lượng.
Kết quả nghiên cứu này sẽ đưa ra phương pháp luận, cách tiếp cận trong việcxây dựng kịch bản phát thải thông thường (BAU) và các kịch bản giảm nhẹ của các ngành sản xuất và tiêu dùng năng lượng đồng thời đưa ra phương pháp xác định mục tiêu giảm phát thải định lượng cho các phân ngành và phương án giảm phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Ông Hoàng Văn Tâm, Phó Chánh Văn phòng Biến đổi khí hậu và Tăng trưởng xanh (Bộ Công Thương)
Ông Hoàng Văn Tâm, Phó Chánh Văn phòng Biến đổi khí hậu và Tăng trưởng xanh (Bộ Công Thương) cho biết, nhiệm vụ của Bộ Công Thương thực hiện thỏa thuận Paris và NDCs lĩnh vực năng lượng năm 2018 gồm các nhiệm vụ về giảm nhẹ: Kiểm kê khí nhà kính năm cơ sở 2016; Triển khai các dự án NAMA; Chính sách phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050; Thiết lập hệ thống MRV... và các nhiệm vụ khác liên quan: Xây dựng, triển khai chương trình về Biến đổi khí hậu phù hợp với các yêu cầu của Thỏa thuận Paris; Đề xuất danh mục các dự án ứng phó với Biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, ưu tiên thực hiện các cam kết trong NDC; Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định liên quan đến giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, tăng trưởng xanh... Các nhiệm vụ của Bộ Công Thương sẽ thực hiện trong năm 2018, 2019, 2020 và giai đoạn 2021-2030. Trong đó, các hoạt động đang triển khai là: Quản lý hoạt động tiết kiệm năng lượng của các doanh nghiệp tiêu thụ năng lượng trọng điểm; Quy định mức tiêu hao năng lượng và hiệu suất năng lượng tối thiểu đối với thép, hóa chất, nhựa, giấy, bia - nước giải khát; Triển khai Chương trình dán nhãn năng lượng; Xây dựng và đề xuất Chương trình quốc gia về tiết kiệm năng lượng đến 2025, tầm nhìn 2030...
Phương pháp luận, cách thức triển khai xây dựng NDCs thực hiện Thỏa thuận Paris là những vấn đề còn mới không chỉ đối với Việt Nam mà còn với nhiều các quốc gia trên thế giới. Đến nay, vẫn chưa có hướng dẫn chung của quốc tế về phương thức, thủ tục và lộ trình thực hiện Điều 6, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Tại Hội thảo "Phương pháp luận xây dựng kế hoạch thực hiện Báo cáo đóng góp quốc gia tự xác định lĩnh vực năng lượng", các chuyên gia đã trình bày kết quả nghiên cứu và cùng đại biểu trao đổi, thảo luận, làm rõ và đi đến thống nhất về cách tiếp cận, phương pháp tính toán và xây dựng kế hoạch triển khai NDCs lĩnh vực năng lượng. Điều này sẽ góp phần quan trọng trong quá trình việc tính toán, cập nhật NDCs của quốc gia và xác lập các mốc tính toán lượng giảm phát thải cho các ngành sản xuất và tiêu dùng năng lượng.
Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương