Thứ bảy, 02/11/2024 | 03:37 GMT+7
Tấm lợp sinh thái - sản phẩm tái chế từ vỏ hộp sữa. Ảnh: dongtienpaper.com
Đầu tư quản lý năng lượng hiệu quả
Là một trong 8 doanh nghiệp thí điểm tham gia Mạng lưới sử dụng năng lượng hiệu quả, Công ty TNHH Giấy và Bao bì Đồng Tiến là đơn vị chuyên sản xuất giấy Testliner (giấy hai da), là sản phẩm giấyđể làm lớp mặt ngoài của thùng carton; Giấy Medium (giấy lớp sóng), là sản phẩm giấy để làmlớp sóng của thùng carton. Ngoài ra, Công ty còn có một sản phẩm khá đặc biệt là tấm lợp sinh thái, được sản xuất từ việc tái chế phần nhôm và nhựa tách ra từ vỏ hộp sữa giấy.
Sản phẩm giấy tái chế từ vỏ hộp sữa được giới thiệu tại hội chợ. Ảnh: dongtienpaper.com
Với hệ thống máy xeo lưới dài hiện đại và công nghệ xử lýbột từ nguyên liệu giấy thu gom tiên tiến nhất của châu Âu hiện nay, sản phẩm củaĐồng Tiến luôn thỏa mãn những yêu cầu khắt khe nhất của khách hàng.
Trước khi tham gia vào Mạng lưới sử dụng năng lượng hiệu quả, Đồng Tiến cũng đã có ý tưởng về việc quản lý năng lượng nhằm nâng cao sức cạnh tranh, nhưng các giải pháp còn chưa rõ nét. Sau khi tham gia Mạng lưới, điều đầu tiên là Công ty được tiến hành kiểm toán năng lượng để nắm được, đâu là chỗ tiêu hao nhiều năng lượng nhất. Từ đó, khi các chuyên gia tư vấn đề xuất các giải pháp, Công ty đã đầu tư khá lớn để đạt được mục tiêu đề ra.
Dây chuyền sản xuất tấm lợp sinh thái. Ảnh: dongtienpaper.com
Ông Phạm Quyết Tiến – Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Giấy và Bao bì Đồng Tiến cho biết, do sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực giấy, bao bì nên sản lượng điện, than Công ty sử dụng khá lớn. Năm 2016, Công ty sử dụng xấp xỉ 20 triệu kWh điện và năm 2017 là xấp xỉ 22 triệu kWh. Tuy nhiên, năm 2017, nhờ tập trung vào một số giải pháp chủ chốt tiêu hao năng lượng cao như hệ thống cuộn thủy lực, hệ thống nghiền, các hệ thống lò hơi, ép sấy, nên lượng điện tiêu thụ trên 1 tấn sản phẩm đã giảm đáng kể, từ 621 kWh (năm 2016) xuống còn 541 kWh (năm 2017). Tương tự, lượng tiêu hao hơi bình quân năm 2016 là 3 tấn hơi/tấn sản phẩm, thì đến 2017 đã giảm xuống 2,5 tấn hơi/tấn sản phẩm.
“Khi được tư vấn, chúng tôi đã chấp nhận đầu tư 01 thiết bị nâng cao độ khô của giấy trị giá 210.000 USD (chưa kể chi phí lắp đặt, vận hành…). Hay đầu tư dự án nâng cao hiệu quả truyền nhiệt thu hồi, sử dụng tối đa hơi thứ cấp, cũng trị giá 180.000 USD. Thời gian thu hồi vốn dự kiến chỉ 1-2 năm, hiệu quả đã trông thấy rõ. Tuy nhiên, vẫn cần tính toán kỹ để cân đối nguồn tài chính cho dự án” – ông Tiến chia sẻ.
Đồng bộ nhiều giải pháp
Qua quá trình khảo sát thực trạng sử dụng năng lượng của Đồng Tiến, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về Tiết kiệm Năng lượng (Enerteam) đã đề xuất một số giải pháp rất cụ thể với đơn vị này tập trung vào các điểm mấu chốt tiêu hao năng lượng cao như hệ thống nghiền, hệ thống chân không, két nước, kiểm soát độ ẩm đầu ra… Đây là những giải pháp tương đối tổng thể, phải tối ưu hóa các vấn đề từ con người cho đến tài chính để đầu tư.
Sau khi xây dựng các định mức năng lượng (KPIs), có mục tiêu giảm tiêu thụ năng lượng hàng năm, Đồng Tiến triển khai hoạt động tiết kiệm năng lượng đến tất cả người lao động, khuyến khích tất cả mọi người có sáng kiến cải tiến nhằm đưa ra các giải pháp giảm năng lượng tiêu thụ trên một tấn sản phẩm. Ông Tiến đưa một ví dụ, Công ty có hệ thống điều hòa tổng, nên với những hệ thống cần bảo vệ là những thiết bị bán dẫn điện tử sẽ được làm lạnh, còn các hệ thống khác có thể bật nhiệt độ thường, như vậy có thể tiết kiệm từ những cái nhỏ nhất.
Giấy bao bì carton. Ảnh: dongtienpaper.com
Một giải pháp khác là lò hơi. Theo ông Tiến, Công ty đang sử dụng các lò hơi hiệu suất không cao, chỉ cần bỏ chi phí đầu tư vào lò hơi là có thể nâng cao hiệu suất của lò hơi lên tới 80%, thậm chí lên 85%, vừa giảm lãng phí, vừa tiết kiệm được đáng kể năng lượng tiêu hao cho lò hơi.
Hay giải pháp tăng độ khô của giấy trước khi vào buồng sấy bằng phương pháp cơ học, thì tiêu hao năng lượng buồng sấy sẽ giảm. Do đó, Công ty đã chuẩn bị đầu tư nâng cấp cải tạo hệ thống ép nhằm nâng độ khô của giấy trước sấy. Nếu như trước đây giấy khô khoảng 44-46% thì sắp tới phấn đấu đạt 50%. Theo tính toán, việc nâng thêm 4% độ khô của giấy sẽ giúp Công ty giảm tiêu hao năng lượng buồng sấy đến 16%.
Thể hiện trách nhiệm xã hội
Ông Tiến cho biết, nhờ tham gia vào dự án Mạng lưới sử dụng năng lượng hiệu quả mà Công ty biết được mình đang bị tiêu hao năng lượng ở đâu. Phía Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) đã đầu tư một số thiết bị thịnh hành để Công ty có thể kiểm toán theo dõi năng lượng và trên cơ sở đó đề ra giải pháp.
“Quan trọng là đề ra giải pháp đúng. Khi có giải pháp rồi chúng tôi đủ sức đánh giá hiệu quả của các dự án như thế nào và loại bỏ những lãng phí không cần thiết trong quá trình sản xuất, tối ưu hóa quá trình vận hành, hoàn thiện nâng cấp các thiết bị nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả” – ông Tiến nói.
Ông Tiến cho rằng, trong kinh doanh hiện nay, tiết kiệm năng lượng rất quan trọng, ảnh hưởng lớn đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp vì nó quyết định đến giá thành sản phẩm. Ngoài ra, áp dụng các giải pháp quản lý hiệu quả năng lượng còn thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với cộng đồng, giảm phát thải khí nhà kính khi giảm sử dụng các nhiên liệu hóa thạch.
Với những nỗ lực trong quản lý năng lượng, Đồng Tiến hoàn toàn có thể tham gia Giải thưởng quốc gia về hiệu quả năng lượng trong công nghiệp năm 2017, một sáng kiến trong khuôn khổ dự án Năng lượng tái tạo và Hiệu quả năng lượng vừa được phát động hồi tháng 11/2017 và sẽ kết thúc trao giải trong tháng này. Giải thưởng được bảo trợ bởi Bộ Công Thương và GIZ. Đơn vị tổ chức Giải thưởng là Hội Khoa học và Công nghệ sử dụng năng lượng Tiết kiệm và Hiệu quả Việt Nam.
Theo Tạp chí Công Thương