Thứ sáu, 08/11/2024 | 01:37 GMT+7
Sáng nay, tại Hà Nội, Trung tâm Phát triển Xanh và Công ty Stanley Electric Nhật Bản phối hợp tổ chức Hội thảo “Nâng cao hiệu quả năng lượng và cải tiến môi trường làm việc trên tàu đánh cá ứng dụng thiết bị LED công nghệ mới, COB”. Với sự tham dự của đại diện Vụ khai thác thủy sản (Tổng cục Thủy sản), Sở NN&PTNT các tỉnh và ngư dân…
Hội thảo “Nâng cao hiệu quả năng lượng và cải tiến môi trường làm việc trên tàu đánh cá ứng dụng thiết bị LED công nghệ mới, COB” diễn ra tại Hà Nội
Đây là hoạt động thuộc Dự án “Tiết kiệm năng lượng và cải tiến môi trường làm việc trên tàu đánh cá thông qua ứng dụng thiết bị chiếu sáng LED có công nghệ kỹ thuật mới COB đặc thù tại Việt Nam” (Dự án) do tổ chức Phát triển Công nghệ Công nghiệp và Năng lượng mới Nhật Bản (NEDO) tài trợ thuộc chương trình hợp tác về tăng trưởng cacbon thấp giữa Việt Nam và Nhật Bản theo Cơ chế tín chỉ chung (JCM). Mục tiêu của Dự án là thúc đẩy công nghiệp hóa và hiện đại hóa ngành công nghiệp đánh bắt cá bằng sử dụng công nghệ đèn LED có độ bền, hiện đại được nghiên cứu và phát triển bởi Công ty Stanley Electric.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Phú Quốc, Phó vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản cho biết, hiện nay, các tàu khai thác xa bờ đều sử dụng công nghệ ánh sáng (đèn halogen, thủy ngân, sợi đốt…), tuy nhiên, những công nghệ ánh sáng này đã ảnh hưởng xấu đến môi trường, lãng phí tài nguyên, tốn chi phí cho ngư dân. Chính vì vậy, Dự án Tiết kiệm năng lượng và cải tiến môi trường làm việc trên tàu đánh cá thông qua ứng dụng thiết bị chiếu sáng LED có công nghệ kỹ thuật mới COB đặc thù tại Việt Nam đã triển khai thí điểm trên 50 tàu cá tại tỉnh Quảng Trị với gần 2.000 đèn LED được lắp đặt. Tổng cục Thủy sản mong muốn phía Nhật Bản phát triển và nhân rộng mô hình này, các địa phương kết nối thông tin, phổ biến đến các ngư dân; kết quả của hội thảo hôm nay sẽ là định hướng cho việc lắp đặt hệ thống đèn LED tại nhiều tỉnh, thành ven biển trong cả nước.
Dự án trình diễn giới thiệu các thiết bị chiếu sáng LED với công nghệ mới (COB), là một nguồn ánh sáng cho các tàu đánh bắt xa bờ (trên 90 CV) thay thế cho các nguồn sáng truyền thống sử dụng đèn halogen, thủy ngân và đèn sợi đốt. Hiệu quả tiết kiệm năng lượng dự kiến trên lý thuyết là hơn 70%. Theo báo cáo tại Hội thảo, Dự án đã lắp đặt 1.800 đèn LED công nghệ COB cho các tàu đánh bắt xa bờ tại các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh và Triệu Phong (3 - 8/2017), giúp cho ngư dân tiết kiệm nhiên liệu tăng hiệu quả kinh tế - xã hội; góp phần giảm thiểu phát thải khí nhà kính (GHG) chủ yếu là khí CO2.
Tại hội thảo, các địa phương cùng ngư dân cũng trao đổi nhiều thông tin xung quanh hiệu quả việc lắp đặt đèn LED trên tàu khai thác; theo đó, mục tiêu của ngư dân là việc sử dụng công nghệ này sẽ thu hút được nhiều đàn cá, khai thác hiệu quả và giảm chi phí nhiên liệu. Đồng thời, các đại biểu cũng được cung cấp thêm thông tin về ứng dụng đèn LED trong khai thác thủy sản tại Nhật Bản và chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam.
Ngày 23/11, Dự án tiếp tục triển khai Hội thảo tại Quy Nhơn, Bình Định nhằm chia sẻ thông tin đến các địa phương về doanh nghiệp.
Nguyên Chi