Thứ bảy, 23/11/2024 | 05:15 GMT+7

Làm chủ công nghệ để đảm bảo an ninh năng lượng

26/09/2017

Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc bảo đảm an ninh năng lượng gắn với phát triển bền vững.

Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc bảo đảm an ninh năng lượng gắn với phát triển bền vững. Từ một nước xuất khẩu năng lượng, nước ta đã phải nhập khẩu và mức độ phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu ngày càng tăng để phục vụ cho các ngành sản xuất. Do đó, để đáp ứng được nhu cầu năng lượng, vấn đề then chốt là cần phải làm chủ công nghệ để giảm tổn hao, phát triển năng lượng tái tạo, từng bước nội địa hóa để tránh phụ thuộc vào công nghệ nhập khẩu.

Giải bài toán năng lượng tái tạo

Theo đánh giá của Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) ở nước ta rất lớn nhưng thực tế triển khai còn rất khiêm tốn. Đến cuối năm 2016, tiềm năng phát điện gió ở Việt Nam là 3.000-6.000MW, thực tế khai thác chỉ đạt 159MW nối lưới; tiềm năng điện mặt trời khoảng 10.000MW, thực tế chỉ đạt 6MW (riêng nối lưới 0,18MW). Tính đến tháng 7-2017, tổng số dự án đăng ký phát triển điện gió, mặt trời, điện sinh khối hơn 250 dự án với tổng công suất gần 25.000MW.

Viện sĩ, GS, TS Trần Đình Long, Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam đánh giá, hiện nay, vấn đề về công nghệ cho phát triển NLTT ở nước ta không còn là trở ngại. Chi phí đầu tư cho NLTT giảm rất nhanh, giá thành của điện mặt trời hoàn toàn có thể cạnh tranh với nguồn điện năng từ nhiệt điện hay thủy điện. Giải pháp phát triển điện mặt trời nối lưới lắp trên mái nhà (hộ gia đình, doanh nghiệp) đang là xu thế rất phổ biến trên thế giới bởi có rất nhiều ưu điểm. Với loại điện này chỉ cần lắp đặt pin năng lượng mặt trời trên các mái nhà (không cần tích điện) vì điện từ các bộ pin mặt trời được phát thẳng vào lưới thông qua thiết bị kết nối. Việc loại bỏ ác quy ra khỏi hệ thống điện đã tạo ra hiệu ứng rất lớn, góp phần làm giảm giá thành.

Điện năng lượng mặt trời lắp đặt tại đảo An Bang, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Trọng Hải 

Trở ngại lớn nhất trong phát triển NLTT ở nước ta chính là cơ chế hỗ trợ giá về phát triển NLTT trong hệ thống sản xuất năng lượng chung. GS, TS Trần Đình Long khẳng định, nếu có chính sách giá cả hợp lý, bảo đảm các nhà đầu tư có lợi nhuận khi đầu tư vào lĩnh vực này thì sẽ rất phát triển. Kinh nghiệm từ các quốc gia đi trước trong phát triển NLTT như Đức, Hoa Kỳ, các nước Bắc Âu cho thấy, với chính sách trợ giá hợp lý, bảo đảm cho các nhà đầu tư tin tưởng thì NLTT ở những quốc gia này đang rất phát triển. Riêng ở Đức, NLTT chiếm hơn 30% tổng nguồn cung năng lượng. Trong khi đó, phát triển NLTT ở Việt Nam đang rất ì ạch do chưa thu hút được các nhà đầu tư quan tâm. Bên cạnh đó, chi phí sản xuất quy dẫn của NLTT còn cao hơn so với các dạng năng lượng truyền thống khác dẫn đến giá thành bán điện cao. Bộ Công Thương đã ban hành thông tư, quy định các dự án điện mặt trời được hưởng cơ chế giá bán điện tại điểm giao nhận điện là 2.086 đồng/kWh (9,35 US cent/kWh). Trong khi giá bán lẻ điện bình quân là 1.622 đồng/kWh (7,2 US cent/kWh). Mặt khác, cơ chế giá khuyến khích mua điện NLTT chưa cao; khó khăn và chi phí lớn cho việc đấu nối vào hệ thống điện quốc gia...

Nâng cao tỷ lệ nội địa hóa công nghệ năng lượng

Hiện nay, các công nghệ tiên tiến, hiện đại trên thế giới về tiết kiệm năng lượng cũng như phát triển NLTT đã có rất nhiều. Vấn đề đặt ra với Chính phủ, các bộ, ngành chức năng là cần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa về công nghệ để nâng cao hiệu suất khai thác năng lượng tự nhiên và giảm chi phí sản xuất điện từ NLTT, thu hút các nhà đầu tư quan tâm vào lĩnh vực này cũng như giảm phụ thuộc về công nghệ nhập ngoại. Theo PGS, TS Phạm Hoàng Lương, Ban Chủ nhiệm Chương trình trọng điểm cấp quốc gia "Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng giai đoạn 2016-2020" (Chương trình KC.05), Chương trình KC.05 đã nhận được đề xuất từ Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam về việc nghiên cứu thiết kế nội địa hóa các phần thiết bị, động cơ điện có sử dụng máy biến tần để phòng, chống nổ trong khai thác hầm lò; Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đề xuất nghiên cứu nội địa hóa công nghệ để nâng cao hiệu quả hệ số thu hồi dầu... Như vậy, nhu cầu nội địa hóa công nghệ ngành năng lượng là rất lớn và cấp bách.

Đưa ra quan điểm để tiết kiệm năng lượng hiệu quả, PGS, TS Phạm Hoàng Lương cho rằng, giải pháp tiết kiệm năng lượng cần tập trung ở 3 khâu, đó là tiết kiệm trong quá trình sản xuất; thứ hai là các giải pháp liên quan đến truyền tải, phân phối để bảo đảm tổn hao nhỏ nhất, chất lượng điện năng tốt và quan trọng nhất là tiết kiệm năng lượng tại khâu tiêu thụ cuối cùng. Chỉ cần tiết kiệm 1 đơn vị năng lượng ở khâu tiêu thụ cuối cùng thì có thể giảm rất nhiều chi phí cũng như giảm ô nhiễm môi trường từ khâu sản xuất và truyền tải.

Theo tính toán, tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp là khá lớn, riêng trong ngành sản xuất xi măng có thể đạt 50%. Các nhà máy sản xuất xi măng đã sử dụng công nghệ mới, tạo ra các giá trị gia tăng từ việc sản xuất xi măng nhưng có kết hợp với công nghệ sử dụng nhiệt thải để sản xuất điện. Nhưng rõ ràng, đây là vấn đề liên quan đến cơ chế. Vấn đề đặt ra là làm sao để các nhà máy sản xuất xi măng có đủ năng lực tham gia vào thị trường phát điện và cơ quan quản lý, tiêu thụ điện cần tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất xi măng có được nguồn thu từ bán sản phẩm gia tăng (điện) sau khi đã sản xuất xong xi măng.

Trong bối cảnh các nguồn năng lượng tự nhiên như dầu khí, than đá đang ngày càng suy giảm, yêu cầu bắt buộc và ngày càng cấp bách là cần nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới trong quá trình khai thác như thế nào để giảm tổn hao năng lượng. Hiện ngành dầu khí đang ứng dụng khá tốt công nghệ khai thác dầu đá móng. Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Yến, Trưởng ban Khoa học công nghệ của PVN cho biết, trong những năm 1980-1983, với công nghệ cũ, quá trình thăm dò không phát hiện được mỏ, không đủ dầu để khai thác trên tầng cao. Chỉ đến khi khoan sâu hơn thì phát hiện có dầu dưới tầng đá móng mà theo lý thuyết là không thể có dầu. Trong quá trình khai thác dầu tại mỏ Bạch Hổ, PVN đã hoàn chỉnh lý thuyết và công nghệ khai thác dầu trong đá móng, giúp tối ưu hóa, nâng cao hiệu quả khai thác. Đến thời điểm hiện tại, nhờ công nghệ khai thác này mà mỏ Bạch Hổ vẫn là mỏ cung cấp sản lượng rất lớn trong tổng sản lượng khai thác dầu của toàn ngành với mức hơn 5 triệu tấn/năm, mặc dù đã được khai thác đến nay là hơn 30 năm.

Để bảo đảm cho an ninh năng lượng quốc gia, phát triển NLTT là xu thế tất yếu. Các chuyên gia nhận định, Chính phủ cần tiếp tục có các chính sách hỗ trợ về giá thành, cơ chế ưu đãi cho các dự án phát triển NLTT; thiết lập các quỹ hỗ trợ NLTT. Các cơ sở nghiên cứu cần tập trung nghiên cứu các giải pháp công nghệ lưu trữ, truyền tải để bảo đảm chất lượng điện của NLTT khi đấu nối vào hệ thống điện quốc gia. Mặt khác, trong bối cảnh thủy điện đã hết tiềm năng, phát triển nhiệt điện than cần hướng đến công nghệ than sạch, làm cơ sở cho phát triển bền vững; tăng cường các biện pháp quản lý để nâng cao hệ số thu hồi, giảm tổn thất khai thác... Hiện Chương trình KC.05 đã hoàn thiện công nghệ đốt than trộn, giúp nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn năng lượng sơ cấp và đã thử nghiệm thành công. Trên cơ sở những kết quả thử nghiệm ban đầu, Bộ Khoa học và Công nghệ sớm cho phép để áp dụng công nghệ này trên phạm vi rộng.

Theo Báo Quân đội nhân dân