Thứ bảy, 23/11/2024 | 03:31 GMT+7

Kiến trúc xanh và vấn đề tiết kiệm năng lượng

14/07/2017

Nhiều dạng công trình “kiến trúc xanh” ra đời, những công trình trên thế giới với nhiều kiểu “kiến trúc xanh” nhằm tiết kiện năng lượng.

Nhiều dạng công trình “kiến trúc xanh” ra đời, những công trình trên thế giới với nhiều kiểu “kiến trúc xanh” nhằm tiết kiện năng lượng như việc xây dựng vườn cây trên mái nhà, xây dựng hệ thống cây leo quanh nhà, một số công trình lớn được thiết kế sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió đảm bảo đủ điện cho sinh hoạt trong ngôi nhà...

 

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà vui mừng trước một sản phẩm vật liệu tiết kiệm năng lượng do Viglacera sản xuất. (Ảnh: BXD)

Quá nửa thế kỷ nay, đứng trước nguy cơ các nguồn nhiên liệu phục vụ cho cung cấp điện năng dần cạn kiệt, loài người hy vọng sẽ được cứu vãn bằng nguồn điện năng từ các nhà máy điện nguyên tử, song với sự cố Chernobyl xảy ra tại Nga, sự cố các nhà máy điện nguyên tử do sóng thần tại Nhật Bản thì hy vọng về nguồn năng lượng điện nguyên tử của con người trở nên mong manh. Nhiều nước trên thế giới đi tìm các nguồn năng lượng điện mới như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, song tất cả cũng rất khó khăn do tình hình biến đổi khí hậu của Trái đất.

Cùng với việc đi tìm những nguồn năng lượng mới thì việc đầu tiên loài người tính đến việc sử dụng tiết kiệm nguồn năng lượng điện hiện có. Cuộc cách mạng “kiến trúc xanh” đã ra đời bởi đây là một yếu tố quan trọng để tiết kiệm năng lượng trong đời sống sinh hoạt, đảm bảo môi trường, đảm bảo sức khỏe con người.

Nhiều dạng công trình “kiến trúc xanh” ra đời, những công trình trên thế giới với nhiều kiểu “kiến trúc xanh” nhằm tiết kiện năng lượng như việc xây dựng vườn cây trên mái nhà, xây dựng hệ thống cây leo quanh nhà, một số công trình lớn được thiết kế sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió đảm bảo đủ điện cho sinh hoạt trong ngôi nhà... Đặc biệt hiện nay đối với các nước phát triển trên thế giới nhiều nước đã sử dụng kính tiết kiệm năng lượng một cách phổ biến đối với mọi loại công trình xây dựng kể cả nhà ở.

Ở Việt Nam, cuộc cách mạng “kiến trúc xanh” mặc dù chưa trở thành những điều kiện bắt buộc trong hoạt động xây dựng, song nhiều khu du lịch, khu nghỉ mát đã xuất hiện nhiều dạng công trình “kiến trúc xanh” với hệ thống cây xanh bao phủ công trình; nhiều công trình công cộng, nhà dân đã sử dụng năng lượng mặt trời để phục vụ sinh hoạt, và chúng ta cũng đã bước đầu xây dựng hệ thống năng lượng gió. Tuy nhiên những việc đó còn phụ thuộc vào tình hình kinh tế và ý đồ riêng của từng chủ đầu tư.

Trong tình hình thực tế tại Việt Nam, nguồn năng lượng than, khí cung cấp cho các nhà máy phát điện đã cạn dần, năng lượng điện từ thủy điện hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên, trong khi thiên tai và hạn hán thường xảy do tình hình biến đổi khí hậu của Trái đất. Trước thực trạng đó, vấn đề “kiến trúc xanh” nhằm tiết kiệm năng lượng cần sớm được quy định bằng những quy phạm pháp luật để góp phần tiết kiệm năng lượng điện cho đất nước, tạo ra môi trường sinh hoạt đảm bảo sức khỏe. Tùy từng điều kiện cụ thể có thể quy định từng loại công trình bắt buộc phải thực hiện một hoặc vài tiêu chí về “kiến trúc xanh”. Nhưng tiêu chí dễ thực hiện nhất trong “kiến trúc xanh”, có thể quy định bắt buộc thực hiện sử dụng kính tiết kiệm năng lượng đối với công trình xây dựng nhà cao tầng. Việc này có thể thực hiện ngay.

Lợi ích của kính tiết kiệm năng lượng đã được nhiều nhà khoa học công bố như mang lại hiệu quả lâu dài cho người sử dụng trong việc tiết kiệm điện sinh hoạt đạt tới 45%; bảo vệ sức khỏe cho con người do kính tiết kiệm năng lượng có thể ngăn cản gần như tuyệt đối (99% tia tử ngoại có hại cho sức khỏe). Những ngày nóng lực vừa qua, những ai sống trong những căn nhà cao tầng sử dụng kính thông thường, trong khi máy điều hòa đã hoạt động hết công suất nhưng vẫn cảm thấy cái nóng lực ngoài trời làm cơ thể mệt mỏi. Loại kính tiết kiệm năng lượng còn đảm bảo an toàn trong việc sử dụng.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Ngành Xây dựng Việt Nam cũng đã đi tiên phong trong việc thực hiện “kiến trúc xanh”. Đặc biệt ngày 25/7/2016, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã cắt băng khánh thành dây chuyền sản xuất kính tiết kiệm năng lượng do Tổng Công ty Viglacera đầu tư xây dựng, giai đoạn 1 có công suất 2.300.000m2/năm tại Đông Hiệp, Chí An, tỉnh Bình Dương. Đây là nhà máy kính tiết kiệm năng lượng đầu tiên của Đông Nam Á với thiết bị công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới do Đức sản xuất. Dự án “công nghệ cao” này cũng được Chính phủ phê duyệt ngày 13/01/2015 và được Bộ Khoa học công nghệ cấp giấy chứng nhận hoạt động ứng dụng công nghệ cao theo Quyết định số 2456/QĐ-BKHCN ngày 22/9/2015. Với quy mô 5.000.000m2/năm, giai đoạn 1 dự án có công suất 2.300.000m2/năm tại Bình Dương; dây chuyền 2 dự kiến công suất là 2,3-2,7 triệu m2/năm tại Bắc Ninh. Nhà máy kính tiết kiệm năng lượng ra đời là một đột phá trong cuộc cách mạng “kiến trúc xanh” tại Việt Nam. Sự quan tâm của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, bước đầu đã khích lệ các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng hướng tới cuộc cách mạng “kiến trúc xanh”. Quan trong hơn là lãnh đạo Bộ cần chỉ đạo các Cục, Vụ chức năng chuyên ngành tham mưu ban hành tiêu chuẩn sử dụng kính tiết kiệm năng lượng đối với các nhà cao tầng và bước đầu khuyến khích nhân dân sử dụng trong xây dựng nhà ở, từng bước ban hành các văn bản quy phạm bắt buộc sử dụng đối với một số công trình cao tầng và có các quy định xử phạt nếu không sử dụng theo quy định. Đó là những việc rất cần thiết của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành.

Chắc chắn vấn đề này có thể gây các phản ứng khác nhau, song ngành Xây dựng còn nhớ, cách đây khoảng hơn chục năm khi thực hiện việc điều tra khảo sát tình hình sử dụng gạch nung thủ công tại Viêt Nam đã cho thấy trên toàn quốc có hàng ngàn ngàn các lò gạch thủ công, chất lượng gạch không đồng đều, các lò gạch nhả khói, bụi gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt hàng năm có hàng vạn hecta đất nông nghiệp bị tiêu hủy làm gạch (diện tích tương đương với diện tích một xã của các tỉnh đồng bằng). Trước tình hình đó, ngành Xây dựng đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị hạn chế việc xây dựng lò gạch nung thủ công và chấm dứt việc xây dựng lò gạch nung thủ công vào năm 2010. Công việc này gặp muôn vàn khó khăn và nhiều sự phản ứng khác nhau, nhưng với quyết tâm và định hướng đúng đắn trong lĩnh vực phát triển vật liệu xây dựng, đến nay chúng ta đã làm được. Tiếp đó là chủ trương đưa gạch không nung vào công trình xây dựng, công việc này cũng không kém phần khó khăn nhưng Bộ Xây dựng đã quyết tâm ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc sử dụng gạch không nung; đồng thời tham mưu cho Thủ tướng ban hành quy phạm xử phạt đối với công trình không đưa gạch không nung vào công trình xây dựng. Những định hướng đúng đắn và quyết tâm của những người lãnh đạo đã tạo ra những bước ngoặt trong lĩnh vực phát triển và sử dụng vật liệu xây dựng mang lại lợi ích cho đất nước và xã hội.

Vấn đề “kiến trúc xanh” không phải là câu chuyện mới, cả thế giới, đặc biệt là những nước phát triển đã tiến hành làm cả nửa thế kỷ nay, chúng ta không thể không làm trong khi các nguồn năng lượng phục vụ cho điện năng đang dần cạn kiệt. “Kiến trúc xanh” trong việc tiết kiệm năng lượng điện năng là một giải pháp quan trọng góp phần tiết kiệm điện năng, đảm bảo an ninh điện năng cho đất nước. Trước mắt, những việc dễ làm như việc sử dụng kính tiết kiệm điên năng cần phải được thực hiện sớm.

Theo Báo Xây dựng