Thứ bảy, 23/11/2024 | 06:02 GMT+7

Thúc đẩy năng lượng tái tạo: Thời cơ đã đến

12/07/2017

Chương trình “Hội nhập: Thách thức và Cơ hội” phát sóng ngày 5/7, trên kênh VTV1 đã đưa ra cái nhìn cụ thể về tình hình thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam.

Chương trình có sự đồng hành của Tổng công ty Khí Việt Nam PVGas – CTCP, Công ty TNHH MTV My Health, Công ty CP Peacelife Việt Nam và Trung tâm thông tin VIBIZ.VN. 

Hiện nay, Tổng Công ty Điện lực miền Nam đang triển khai một dự án năng lượng mặt trời mới tại Côn Đảo, dự kiến hoàn thành trong năm nay. Công suất sự kiến là khoảng 2.2 triệu kWh mỗi năm, đáp ứng khoảng 1/6 nhu cầu điện của đảo, tiết kiệm hàng chục tỉ đồng và giảm lượng khí thải ra môi trường. Điều này cho thấy nỗ lực của Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, bắt kịp với xu hướng trong khu vực và trên thế giới. Chương trình Hội nhập phát sóng ngày 5/7 trên kênh VTV1. Đài THVN đã cho chúng ta cái nhìn cụ thể hơn về tình hình thúc đẩy phát triển năng lượng sạch của Việt Nam. 

Câu chuyện về dự án mô hình điện mặt trời tại Côn Đảo là một minh họa sống động cho việc thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo ngay ở những nơi xa xôi nhất trên đất nước. Công trình thuộc tòa nhà Điện lực Côn Đảo với toàn bộ phần mái được lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời, công suất tạo ra khoảng 100kW, vượt xa nhu cầu của công trình, không những không tạo áp lực lên nhu cầu điện của đảo, mà còn tạo thêm năng lượng. 

Với tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo, nhất là năng lượng mặt trời và năng lượng gió, cùng các chính sách khuyến khích của chính phủ, nhiều chuyên gia cho rằng, thời cơ của năng lượng tái tạo đang mở ra cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Hiện nay, có 77 dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn, nhỏ đã đăng ký đầu tư tại Việt Nam, tổng công suất lên đến 5000 MW. Những dự án này đã đánh dấu việc tham gia và đầu tư vào năng lượng sạch và năng lượng tái tạo của Việt Nam. 

"Việt Nam có cơ hội lớn trong việc phát triển năng lượng xanh và sạch", đó là nhận định của ông Bruno Angelet - Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam, khách mời của chương trình. Bởi lẽ, chi phí sản xuất năng lượng xanh hiện nay đã giảm đi đáng kể, do đó Việt Nam có thể chọn áp dụng mô hình thành công và phù hợp nhất, tránh dùng quá nhiều tiền thuế của người dân. Điều cần nhất chính là nêu rõ vai trò của nhà nước, bảo đảm người dân nghèo vẫn được sử dụng điện với giá phải chăng, xây dựng hệ thống thuế và thị trường phù hợp. Và ông cũng khẳng định, đó chính là những nội dung mà EU muốn hỗ trợ Việt Nam thực hiện. 

Vào ngày 21/6, ông Bruno Angelet - Đại sứ phái đoàn Liên minh châu Âu cùng Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chứng kiến lễ ra mắt nhóm đối tác năng lượng Việt Nam. Sự kiện cũng nhấn mạnh việc khởi động cơ chế đối thoại chính sách giữa chính phủ và các đối tác phát triển để hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển tiếp sang một chính sách năng lượng bền vững hơn.

Theo ông Trần Tuấn Anh, cơ chế đối thoại giữa Việt Nam và các đối tác như EU cũng như các tổ chức khác sẽ giúp chúng ta có điều kiện để nghiên cứu, tiếp cận những kinh nghiệm thực tiễn để mang lại những cơ hội rất quý báu cho chúng ta trong không chỉ xây dựng và hoạch định những chính sách, mà còn thực thi chính sách cả trong lĩnh vực về năng lượng và hiệu quả của năng lượng trong quá trình phát triển kinh tế xã hội. 

Với một thách thức lớn đó chính là nhu cầu năng lượng ngày càng tăng cao trong khi ràng buộc về môi trường ngày càng chặt chẽ hơn, Việt Nam cần phải tích cực hơn trong việc phát triển năng lượng xanh và năng lượng tái tạo. Sân chơi hội nhập càng ngày càng yêu cầu những tiêu chuẩn cao về môi trường, về năng lượng sạch mà chúng ta cần đáp ứng. Tuy vậy, sân chơi hội nhập cũng có nghĩa rằng, luôn có những đối tác sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ Việt Nam trong việc thúc đẩy phát triển chuyển hóa từ "năng lượng nâu" sang "năng lượng xanh".

Theo VTV