Thứ bảy, 07/12/2024 | 04:15 GMT+7
Tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong các tòa nhà là rất lớn. Cụ thể, các công trình xây dựng như văn phòng, khu thương mại, khách sạn… nếu đầu tư xây dựng tòa nhà sử dụng hệ thống tiết kiệm năng lượng sẽ phát sinh chi phí đầu tư xây dựng tăng khoảng 3%, nhưng chi phí vận hành giảm từ 14-36% do tiết kiệm năng lượng.
Đối với các công trình đang hoạt động hoặc sắp cải tạo nếu tiến hành kiểm toán năng lượng và sau đó triển khai các giải pháp tiết kiệm cũng có thể tiết kiệm từ 15-25%.
Theo thống kê của Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP. Hồ Chí Minh, đối với tòa nhà là trụ sở cơ quan hành chính, thiết bị sử dụng nhiều năng lượng là điều hòa không khí chiếm trên 70% tổng năng lượng sử dụng; đèn chiếu sáng chiếm 10%; các thiết bị khác như máy móc văn phòng, thang máy, máy bơm nước chiếm khoảng 20%. Đối với tòa nhà là trung tâm thương mại, siêu thị, 75% năng lượng được tiêu tốn bởi điều hòa không khí; 10% là thiết bị chiếu sáng, các thiết bị khác chiếm 15%. Đối với khách sạn, các con số này lần lượt là 60%, 25% và 15%.
Các công trình xây dựng như văn phòng, khu thương mại, khách sạn… nếu đầu tư xây dựng tòa nhà sử dụng hệ thống tiết kiệm năng lượng sẽ phát sinh chi phí đầu tư xây dựng tăng khoảng 3%, nhưng chi phí vận hành giảm từ 14-36% do tiết kiệm năng lượng. Đối với các công trình đang hoạt động hoặc sắp cải tạo nếu tiến hành kiểm toán năng lượng và sau đó triển khai các giải pháp tiết kiệm cũng có thể tiết kiệm từ 15-25%.
Theo bà Lý Thị Thúy Hương, Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng Tp. Hồ Chí Minh, các tòa nhà hiện đại gần đây được thiết kế không theo điều kiện khí hậu của Việt Nam, như sử dụng nhiều kính tường (nhiều công trình là 100% kính tường), các cửa sổ không mở được... khiến hệ thống điều hòa không khí tiêu thụ khá nhiều năng lượng.
Do vậy, đối với công trình xây dựng mới, cần tuân thủ Quy chuẩn mới QCVN 09:2013/BXD và vận hành công trình hiệu quả, sẽ có khả năng làm giảm tổng mức tiêu thụ năng lượng trong các tòa nhà từ 14 – 36%. Trong đó, việc thiết kế thụ động mang tính hiện đại (có cửa sổ mở, lấy ánh sáng tốt, sử dụng chất liệu cách nhiệt) cũng sẽ giúp giảm tối đa nhu cầu tiết kiệm năng lượng.
Để áp dụng công nghệ vào tiết kiệm năng lượng cho các tòa nhà, Bộ Xây dựng đang triển khai Dự án “Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các tòa nhà thương mại và nhà ở cao tầng tại Việt Nam”.
Ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cho hay, với vai trò của cơ quan quản lý chuyên ngành và chưa thể trực tiếp xử lý các nút thắt về tài chính cho các chủ đầu tư công trình sử dụng ngân sách muốn làm dự án tiết kiệm năng lượng, hiện Bộ Xây dựng đang phát động “bầu không khí” cổ vũ cho các công trình tiết kiệm năng lượng trong cộng đồng chủ đầu tư các tòa nhà tại Việt Nam.
Trước mắt, từ năm 2017, Bộ Xây dựng sẽ khởi động dự án thí điểm trình diễn mô hình tiết kiệm năng lượng tại 16 tòa nhà xây mới hoặc cải tạo ở TPHCM, Hà Nội, Nha Trang và Phú Yên. Bên cạnh phần vốn đối ứng của các chủ đầu tư tòa nhà, dự án còn được Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ thông qua Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) ở Việt Nam, với tổng vốn viện trợ không hoàn lại là 3,198 triệu USD. Dự kiến thực hiện trong 4 năm.
Những công trình khác muốn tham gia áp dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng theo Chương trình này vẫn có thể đăng ký với Bộ Xây dựng để được bổ sung.
Để hỗ trợ phần vốn cho các tòa nhà có nhu cầu tiết kiệm năng lượng, ông Diệp Thế Cường, Tổng Giám đốc Viet ESCO - công ty chuyên tư vấn - thực hiện giải pháp tiết kiệm năng lượng chia sẻ, công ty hiện có hai hình thức đầu tư chính cho các công trình muốn làm dự án tiết kiệm năng lượng. Một là hợp đồng bảo đảm tiết kiệm, tức cam kết với chủ đầu tư tòa nhà về tỉ lệ năng lượng tiết kiệm nhất định. Hai là bỏ vốn đầu tư, từ khảo sát, tư vấn thiết kế tòa nhà, sử dụng vật liệu, đến mua sắm, lắp đặt thiết bị, vận hành dự án.
Theo Tạp chí Công thương