Thứ sáu, 08/11/2024 | 07:45 GMT+7
Ngày 22/12/2016, tại trụ sở Bộ Công Thương, Tổng cục Năng lượng đã tổ chức Lễ ký kết doanh nghiệp tham gia chương trình thỏa thuận tự nguyện thí điểm về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Tham dự buổi lễ có sự hiện diện của đại diện Tổng cục Năng lượng – Bộ Công Thương; Dự án Tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn tại Việt Nam (CPEE); Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, các doanh nghiệp tham gia Chương trình thỏa thuận tự nguyện thí điểm; các hội, hiệp hội, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng; các chuyên gia tư vấn và đông đảo cơ quan thông tấn báo chí, truyền hình đến đưa tin về sự kiện.
Phát biểu tại lễ ký kết, ông Đỗ Đức Quân, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương nhấn mạnh: “Chương trình thỏa thuận tự nguyện thí điểm về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được ký kết giữa Tổng cục Năng lượng và lãnh đạo doanh nghiệp. Các doanh nghiệp tham gia lễ ký kết ngày hôm nay là các doanh nghiệp đầu tiên trong cả nước được lựa chọn tham gia chương trình thí điểm. Chúng tôi hy vọng rằng, thông qua chương trình này, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội tăng cường năng lực hoạt động, giảm thiểu năng lượng tiêu thụ, giảm chi phí sản xuất, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh để đáp ứng các yêu cầu của pháp luật, góp phần phát triển bền vững”.
Chương trình thỏa thuận tự nguyện thí điểm về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (Chương trình VA) nằm trong khuôn khổ Dự án “Tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn tại Việt Nam” do Ngân hàng thế giới (World Bank) và Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ. Tham gia Chương trình VA, các doanh nghiệp cam kết thực hiện các mục tiêu giảm tiêu thụ năng lượng trong sản xuất dựa trên sự hỗ trợ từ Bộ Công Thương.
Mục đích của Chương trình VA là nhằm thúc đẩy hoạt động tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp ở Việt Nam, hỗ trợ các doanh nghiệp cải thiện hiệu quả năng lượng, giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng các yêu cầu của pháp luật.
Doanh nghiệp tham gia Chương trình VA được cấp chứng nhận của Bộ Công Thương, được tặng cúp doanh nghiệp nếu thực hiện tốt các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, được quảng bá thương hiệu thông qua các sự kiện do Bộ Công Thương tổ chức, được đào tạo nhằm nâng cao nhận thức và năng lực của doanh nghiệp trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đặc biệt doanh nghiệp được hỗ trợ 100% chi phí kiểm toán năng lượng lần đầu nhằm đánh giá hiện trạng sử dụng năng lượng, xác định các giải pháp sử dụng tiết kiệm năng lượng và hiệu quả từ đó lập kế hoạch thực hiện và giám sát.
Chương trình VA được triển khai trên phạm vi toàn quốc. Tất cả các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm quốc gia, doanh nghiệp có nguyện vọng xây dựng và thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả trong sản xuất lâu dài và bền vững đều có thể tham gia chương trình.
Thỏa thuận tự nguyện có thời hạn 10 năm, trong đó giai đoạn thí điểm là 2 năm, sau giai đoạn thí điểm Bộ Công Thương sẽ đánh giá khả năng thực thi và chỉnh sửa các nội dung của các thỏa thuận trước khi quyết định mở rộng quy mô chương trình trong tương lai.
Được biết, 7 doanh nghiệp thỏa thuận tiết kiệm năng lượng bao gồm: Công ty TNHH Sản phẩm Ricoh Imaging (Việt Nam); Công ty TNHH Giầy Annora Việt Nam; Công ty cổ phần Giấy Vĩnh Huê; Công ty cổ phần Lương thực Thực Phẩm Colusa – MILIKET; Công ty TNHH MTV Dệt Kim Đông Xuân; Chi nhánh Công ty cổ phần Sữa Việt Nam – Nhà Máy Sữa Sài Gòn và Công ty cổ phần Việt Nam Food.
Dưới đây là một số hình ảnh của buổi ký kết: