Thứ sáu, 22/11/2024 | 15:37 GMT+7

Bà Rịa - Vũng Tàu: Hệ thống điện mặt trời giúp giảm 90% tiền điện lưới

10/09/2016

Khảo sát hóa đơn tiền điện lưới của Công viên Trần Hưng Đạo, thành phố Vũng Tàu trong 12 tháng sử dụng hệ thống điện mặt trời kết hợp đèn LED cho thấy, lượng điện lưới tiêu thụ giảm hơn 90%.

Tận dụng lợi thế ánh nắng

Khu vực tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có điều kiện bức xạ trung bình khoảng 4.800-5.090Wh/m2/ngày và thời gian nắng 4-5 giờ/ngày, số giờ nắng trung bình đạt 2.000 giờ/năm. Để tận dụng lợi thế này, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã quyết định đầu tư hệ thống điện mặt trời có công suất cực đại - 2025Wp.

Theo ông Cao Phước Lộc - Chủ nhiệm dự án Ứng dụng năng lượng điện mặt trời kết hợp đèn LED tiết kiệm điện chiếu sáng Công viên Trần Hưng Đạo (thành phố Vũng Tàu), hệ thống này đảm bảo thắp sáng cho 3 trụ đèn LED công suất 40W. Thời gian sử dụng điện mặt trời chiếu sáng từ 18h chiều đến 5h30 sáng.

Hệ thống điện mặt trời lắp đặt tại Công viên Trần Hưng Đạo (TP. Vũng Tàu). Ảnh Ngọc Vũ

Phân tích về cơ chế hoạt động của hệ thống, ông Nguyễn Hoàng Minh Trí - Trung tâm Ứng dụng KH&CN (Sở KH&CN Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, các thiết bị điều khiển của hệ thống điện mặt trời được phân tích lựa chọn bao gồm: Bộ điều khiển nạp cho giàn pin mặt trời, bộ biến đổi một chiều sang xoay chiều sang lưới điện quốc gia, bộ lưới dự phòng chỉ hoạt động khi bình ắcquy xuống dưới ngưỡng 15% (khoảng 42V) và chỉ nâng điện áp lên mức 48V. Việc nạp đầy bình lên ngưỡng đầy 56,8V sẽ được ưu tiên cho giàn pin mặt trời khi có ánh sáng.

Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Minh Trí, khi có một trong hai nguồn cấp điện, hệ thống sẽ tự động nạp vào ắcquy. Thiết bị điều khiển cũng có khả năng tự nhận dạng ngày - đêm để khởi động cấp điện cho đèn vào ban đêm và tự ngắt khi trời sáng.

Hồ hởi nói về hiệu quả của hệ thống ứng dụng điện mặt trời, ông Cao Phước Lộc cho biết, dự án đã khảo sát hóa đơn tiền điện lưới trong 12 tháng và kết quả cho thấy, hệ thống này đã giảm tiêu thụ điện lưới đến 90,27%. Cụ thể, nếu như trong vòng 1 năm trước đó, lượng điện lưới tiêu thụ trung bình là 334,18kWh/tháng thì sau khi có hệ thống điện mặt trời, con số này chỉ là 32,5kWh.

Thêm vào đó, việc sử dụng hệ thống đèn LED cũng giúp tiết kiệm tới 71% lượng điện tiêu thụ.

Cần tính đến hiệu quả kinh tế

Ông Đỗ Hữu Hiền - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KH&CN, Sở KH&CN Bà Rịa - Vũng Tàu - phân tích: “Hệ thống thiết bị để làm pin mặt trời hầu hết đều nhập khẩu nên chi phí rất cao. Chi phí cho hệ thống điện mặt trời tại Công viên Trần Hưng Đạo là hơn 600 triệu đồng. Xét về hiệu quả năng lượng thì rất rõ rệt, nhưng về hiệu quả kinh tế thì cần thời gian dài để thu hồi vốn”.

Ông Lộc phân tích thêm: “Nếu như trong 10 năm, hệ thống điện mặt trời tạo ra khoảng gần 37.000kWh điện và cần chi phí gần 700 triệu đồng thì mỗi kWh điện sẽ có giá khoảng 18.000 đồng. Đây là chi phí rất cao so với giá điện lưới được cung cấp hiện nay”.

Tuy nhiên, theo ông Đỗ Hữu Hiền, trước xu hướng sử dụng năng lượng tái tạo và năng lượng sạch của thế giới, đây vẫn là phương án cần tính đến ở những khu vực công cộng sử dụng nhiều điện năng. Ông cho biết, mô hình đèn chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời sẽ được nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh, mà trước hết là ở các đảo nhỏ thuộc quần đảo Côn Đảo - nơi chưa có điện lưới. Dự án này đã được lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phê duyệt.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh Trí, khi nhân rộng mô hình điện mặt trời, các cán bộ kỹ thuật đã bổ sung hệ thống chuyển hóa năng lượng gió để nâng cao công suất. Mô hình đã được triển khai cho 1 trạm biên phòng và 8 đảo nhỏ trên toàn tỉnh.

“Đây là những hòn đảo nằm cách đất liền rất xa, không có điện lưới. Việc đầu tư máy phát điện vừa tốn kém, vừa gây ô nhiễm môi trường do chất thải từ xăng dầu chạy máy. Vì thế, lãnh đạo tỉnh đã quyết định đầu tư hệ thống điện mặt trời này cho các đảo nhỏ để phục vụ nhu cầu sử dụng điện của lực lượng kiểm lâm” - ông Hiền nói.

Tuy nhiên, do khí hậu ở Côn Đảo khắc nghiệt, độ ẩm và nồng độ muối trong không khí cao nên để thích ứng, hệ thống mới sẽ được cải tạo thêm nhiều điểm nhằm tăng độ bền.

Ông Hiền hào hứng nói thêm: “Hệ thống cũ không có chế độ tự ngắt khi bình đầy hoặc sắp cạn năng lượng, khiến pin rất dễ bị chai và nhanh hỏng. Thêm vào đó, bình sạc cũ cần được chăm sóc thường xuyên, bổ sung nước. Chúng tôi đã bổ sung hệ thống tự động ngắt để đảm bảo tuổi thọ của pin. Với công suất được nâng lên 3.000kWh, hệ thống đảm bảo cung cấp đủ điện năng cho các hoạt động như đèn chiếu sáng, thông tin liên lạc, tivi...”.

Theo khoahocphattrien.vn