Thứ bảy, 11/01/2025 | 10:14 GMT+7

Phát triển năng lượng: Nâng cao hiệu suất, sử dụng tiết kiệm

29/08/2016

Chuyên gia kinh tế cho rằng để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, ngành năng lượng phải bỏ tư duy đi cuốc, đi đào, đi chặt, tức là chỉ khai thác tài nguyên để phục vụ sản xuất năng lượng. Thay vào đó, cần tập trung ứng dụng công nghệ, nâng cao hiệu suất sử dụng, tiết kiệm năng lượng.

Tại "Diễn đàn năng lượng Việt Nam 2016: Thách thức cho phát triển bền vững", ngày 26/8, ông Lê Tuấn Phong, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Năng lượng cho biết nhu cầu năng lượng của Việt Nam đã tăng lên rất nhanh. Đơn cử, nhu cầu tiêu thụ điện năng của Việt Nam cũng đã tăng trung bình 13,07% mỗi năm trong giai đoạn 2006-2010 và tăng 11% giai đoạn 2011-2015.

"Việt Nam đang phải đối mặt với sức ép rất lớn trong việc bảo đảm an ninh năng lượng. Từ nước xuất khẩu năng lượng, Việt Nam trở thành nước nhập khẩu, (dự kiến nhập khẩu khoảng 17 triệu tấn than, chiếm 31% nhu cầu than cho phát triển vào năm 2020)", ông Lê Tuấn Phong thừa nhận. 

Đánh giá về nguyên nhân khiến sức ép về năng lượng ngày càng lớn, TS. Trần Đình Thiên phân tích: “Nhìn vào lĩnh vực cốt lõi của ngành công nghiệp là công nghiệp chế biến chế tạo, trong suốt 30 năm chỉ tạo ra đóng góp nhỏ cho nền kinh tế. Đây là ngành thể hiện sự cạnh tranh, tiết kiệm năng lượng và đua tranh thế giới nhưng phát triển thấp. Điều này liên quan đến tư duy phát triển kinh tế, gắn trực tiếp với phát triển năng lượng. Nỗ lực khai thác than và làm thủy điện của chúng ta tốt nhưng chưa đáp ứng được cho nhu cầu phát triển".

Đồng tình với nhận định của ông Trần Đình Thiên, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học năng lượng VEA (VESB) Tô Quốc Trụ cho rằng áp lực từ nhu cầu thực tế đòi hỏi phải điều chỉnh kịp thời chiến lược năng lượng quốc gia theo hướng áp dụng công nghệ nhằm khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn năng lượng truyền thống, tăng cường năng lượng tái tạo.

Lấy ví dụ từ ngành nông nghiệp, TS. Trần Đình Thiên chia sẻ: Tôi thấy các tỉnh đều thích hướng vào sản lượng. Làm 10 tấn lúa gạo bây giờ bán ra cũng chỉ bằng 1 tấn gạo chất lượng cao. Trong khi đó làm 10 tấn gạo sẽ tốn diện tích đất gấp 5 lần, số lượng giống gấp 2 lần, rồi tốn nước, tốn máy bơm, tốn điện phơi sấy, xay xát, lượng bao bì cũng tốn gấp mấy lần, chưa kể chi phí vận chuyển… Đây chính là tốn kém năng lượng. Còn công nghiệp chủ yếu vẫn là khai thác tài nguyên, gia công lắp ráp, đẳng cấp công nghiệp thấp nhất hoặc có những ngành tiêu thụ năng lượng khổng lồ như thép, xi măng.

Ông Tô Quốc Trụ kiến nghị: "Chúng ta cần ưu tiên phát triển các ngành kinh tế, công nghiệp sử dụng ít năng lượng, áp dụng công nghệ mới, sản xuất các trang thiết bị hiệu suất cao, khuyến khích về thuế cho các doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng, miễn giảm thuế thu nhập hàng hóa và thiết bị tiết kiệm năng lượng, trợ giá cho đầu tư các dây truyền sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng và các dự án tiết kiệm năng lượng, ban hành tiêu chuẩn bắt buộc về tiêu thụ năng lượng cho thiết bị".

Đối với các tập đoàn có chức năng sản xuất năng lượng sơ cấp (như ngành than) cần triệt để tiết kiệm chi phí trong cả quá trình tìm kiếm, thăm dò, khai thác, dự trữ, vận chuyển, phân phối và sử dụng. Đối với các tập đoàn, công ty, doanh nghiệp sản xuất điện, cần phấn đầu giảm tổn thất điện năng tự dùng trong vận hành ở các nhà máy điện, riêng Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần phấn đấu giảm tổn thất truyền tải, phân phối điện và phát triển lưới điện thông minh nhằm khai thác hiệu quả tối đa hệ thống năng lượng. 

Theo baochinhphu.vn