Thứ sáu, 01/11/2024 | 22:35 GMT+7

Tiết kiệm năng lượng để phát triển bền vững

05/08/2016

Đi tiên phong cả nước, TPHCM đang hướng đến hình ảnh một TP xanh với các yếu tố tăng trưởng xanh và bền vững.

Theo kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2016-2020 vừa được UBND TPHCM ban hành, đến năm 2020, TP phấn đấu tiết kiệm được 2% - 2,5% sản lượng điện tiêu thụ trung bình so với nhu cầu năng lượng ước tính.

Để thực hiện được mục tiêu này, bên cạnh các giải pháp kích thích từ Nhà nước, đòi hỏi ý thức tiết kiệm năng lượng của cộng đồng phải được nâng lên, nhất là ý thức tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng xanh thay thế.

 

Hệ thống điện mặt trời nối lưới 20kWp được lắp đặt tại tòa nhà UBND quận 10

Điểm sáng điện mặt trời

Nhằm đưa điện mặt trời đến gần hơn với người dân và doanh nghiệp (DN), Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TPHCM (EEC-HCMC) thuộc Sở Khoa học Công nghệ (KH-CN) đã triển khai chương trình Thí điểm xây dựng cơ chế hỗ trợ đầu tư điện mặt trời trên địa bàn TP với kinh phí 10 tỷ đồng (năm 2015 - 2016). Đối tượng nhận hỗ trợ là DN, hộ gia đình và tòa nhà công sở. Trong đó, 7 tòa nhà công sở được lắp đặt một hệ thống điện mặt trời nối lưới 20kWp/tòa nhà. Đối với DN và hộ gia đình, hỗ trợ bằng cách mua lại lượng điện hòa lưới với giá là 2.000 đồng/kWh. 

Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc ECC-HCMC, cho biết trong vòng 4 tháng cuối năm 2015, đã có 10 đơn vị là hộ gia đình và DN với tổng công suất điện mặt trời hơn 360kWp nhận được tiền hỗ trợ từ chương trình (tổng chi phí hỗ trợ là 125 triệu đồng, tương đương khoảng 62.500kWh điện mặt trời). Bên cạnh việc hỗ trợ 2.000 đồng/kWh điện mặt trời cho DN và hộ gia đình, đơn vị đã triển khai lắp đặt 7 hệ thống điện mặt trời công suất 20kWp/tòa nhà tại các cơ quan ban ngành của TP (tòa nhà Sở KH-CN; Sở Tài chính, UBND quận 2, UBND quận 10, UBND quận 3…). Từ đầu năm 2016 đến nay, đã có thêm 30 đơn vị là hộ gia đình và DN đăng ký tham gia chương trình với tổng công suất là 500kWp.

Theo số liệu khảo sát của Chương trình Năng lượng xanh TPHCM đến năm 2015, TPHCM có tiềm năng phát triển điện mặt trời với cường độ bức xạ mặt trời trung bình là 4,3kWh/m2/ngày. Trong số hơn 1MWp điện mặt trời được lắp đặt trên địa bàn TP, hiện chỉ hơn 800kWp hòa vào lưới điện của TP với tổng lượng điện năng ước tính đạt hơn 1 triệu kWh/năm. Do đó, theo ông Huỳnh Kim Tước, việc triển khai chương trình sẽ thúc đẩy phát triển thị trường và nâng công suất lắp đặt điện mặt trời trên địa bàn TP, đồng thời thu hút các quỹ tài chính (WB, JICA, UK Fund... ) tham gia thông qua các chương trình hỗ trợ khác, góp phần thực hiện mục tiêu công suất năng lượng tái tạo đạt 1,74% tổng công suất tiêu thụ của TP đến năm 2020.

Nâng cao ý thức cộng đồng

Đi tiên phong cả nước, TPHCM đang hướng đến hình ảnh một TP xanh với các yếu tố tăng trưởng xanh và bền vững. Do đó, việc đẩy mạnh sử dụng hiệu quả tài nguyên và năng lượng là một trong những chỉ tiêu bắt buộc của tăng trưởng xanh. Để thành công với hướng đi đó, theo Phó Giám đốc Sở KH-CN Nguyễn Khắc Thanh, rất cần sự chung tay hơn nữa của tất cả các lĩnh vực, từ công nghiệp, tòa nhà, hạ tầng đô thị, giao thông vận tải đến trường học, bệnh viện… trong việc ứng dụng công nghệ mới. 

Trên thực tế, do mỗi nhóm đối tượng sử dụng năng lượng có mục đích khác nhau, nên xác định đúng nhu cầu thì mới có giải pháp tiết kiệm năng lượng (TKNL) phù hợp. Tại TPHCM, nhiều giải pháp tổng thể TKNL đã được triển khai. Từ giữa năm 2015, 16 đơn vị nhà nuớc đã ký cam kết thực hiện chỉ tiêu TKNL trong 3 năm (2015-2017) với lãnh đạo UBND TPHCM. Theo tính toán của Sở KH-CN, với việc thực hiện triệt để các chỉ tiêu TKNL, sau 3 năm triển khai chương trình này, 16 đơn vị nhà nước sẽ tiết kiệm được 481 triệu kWh điện và 5,6 triệu lít dầu, tương đương 807 tỷ đồng và cắt giảm 285 tấn CO2 phát thải. Trong khi đó, với đối tượng là DN, để kết hợp nâng cao sức cạnh tranh cùng với TKNL, buộc DN phải đổi mới công nghệ, thay đổi phương án sản xuất. Tuy nhiên, cái khó lớn nhất là nguồn kinh phí eo hẹp. Vì thế, DN cần chính sách hỗ trợ với cơ chế rõ ràng, minh bạch, từ việc tư vấn giải pháp thay thế phù hợp, tính toán hiệu quả đầu tư thiết bị và nguồn vốn vay ưu đãi. Qua các chương trình triển khai, đến nay, TPHCM đã hỗ trợ trên 1.000 DN với hơn 6.000 giải pháp TKNL, tập trung vào tư vấn đổi mới công nghệ, áp dụng mô hình quản lý tiên tiến.

Còn với hộ gia đình, hướng hỗ trợ thích hợp nhất là hướng dẫn người dân cách lựa chọn và sử dụng thiết bị tiêu thụ điện hiệu quả cũng như khả năng tiếp cận với các nguồn năng lượng tái tạo như gió hay điện mặt trời. Từ năm 2013, Tổng Công ty Điện lực TPHCM đã thực hiện chương trình “Ấp văn hóa - Khu phố văn hóa tiết kiệm điện”. Ban đầu chỉ có 523 ấp, khu phố và 210.473 hộ gia đình tham gia, nhưng đến cuối năm 2015, số lượng tham gia đã tăng lên là 872 ấp, khu phố và 366.710 hộ gia đình. 

Rõ ràng, ý thức về TKNL của các cơ quan nhà nước, DN và người dân TPHCM những năm qua đã nâng cao rõ rệt. Nhưng để có kết quả lớn hơn, cũng cần phải có sự quan tâm, đầu tư thỏa đáng vào công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của cộng đồng. Chỉ khi nào cộng đồng chung tay cùng Nhà nước thực hiện, thì mục tiêu TKNL của TPHCM mới có thêm nhiều kết quả, góp phần xây dựng TPHCM trở thành TP xanh với các yếu tố tăng trưởng xanh và bền vững trong tương lai.

Trong lĩnh vực công nghiệp, từ năm 2002 đến nay, Sở KH-CN TPHCM đã hỗ trợ hàng ngàn DN đổi mới công nghệ; tư vấn hơn 100 DN xây dựng hệ thống quản lý năng lượng ISO 5000; xây dựng Benchmark cho hơn 60 sản phẩm… Qua đó, giúp tiết kiệm hơn 460 tỷ đồng, tổng CO2 giảm phát thải hơn 579 triệu kg/năm. Trong lĩnh vực hạ tầng đô thị, đã thực hiện thay thế 90% đèn hiệu suất cao cho hệ thống chiếu sáng dân lập công cộng, tiết kiệm 75,6% so với hệ thống cũ.

Theo sggp.org.vn