Thứ sáu, 01/11/2024 | 23:38 GMT+7
Trong cuộc đời làm báo của mình, tôi may mắn được đến nhiều vùng miền của đất nước, song ấn tượng hơn vẫn là chuyến đến huyện đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa. Đối với tôi: đây là hành trình và trải nghiệm vô cùng ý nghĩa.
Quần đảo Trường Sa có 21 đảo do Việt Nam quản lý (9 đảo nổi, 12 đảo chìm) với 33 điểm đảo. Điểm nổi bật dễ nhận thấy ở các điểm đảo là hệ thống cột tháp tuốc-bin năng lượng gió được phân bố khá đều quanh các đảo, phía đỉnh cột là quạt gió quay tít; Trên nóc các ngôi nhà lắp đặt nhiều tấm pin năng lượng mặt trời. Đây là hai thiết bị thu năng lượng sạch tự nhiên là gió và mặt trời để tạo ra điện - nguồn năng lượng quý giá. Điện có ý nghĩa vô cùng đặc biệt, khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt nam. Nhận thức được điều đó, công tác sử dụng điện tiết kiệm luôn được cán bộ chiến sĩ (CBCS) và nhân dân huyện đảo Trường Sa quan tâm thực hiện nghiêm túc. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết: Trước đây cuộc sống CBCS và người dân rất khó khăn. Hệ thống chiếu sáng phục vụ trên đảo chạy máy phát diesel nên mỗi tối chỉ phát 2 đến 3 giờ là dừng. Từ khi có hệ thống năng lượng sạch đời sống ở đảo đã có bước phát triển mạnh. Năm 2008, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đã tài trợ vốn để xây dựng hệ thống năng lượng tái tạo và chiếu sáng; Tiếp đến Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Năng lượng Mặt trời Bách Khoa (SolarBk) lắp đặt các thiết bị như: tấm pin mặt trời, bình ắc quy, tuabin gió, động cơ gió tại đảo Trường Sa lớn. Sau đó triển khai đến tất cả các điểm đảo còn lại biến nắng và gió Trường Sa thành nguồn năng lượng sạch quý giá. Theo thiết kế: năng lượng điện trên các đảo được lấy trực tiếp từ gió chiếm 35%, từ các tấm pin mặt trời chiếm 65% tổng sản lượng điện. Quân và dân trên các đảo linh hoạt trong việc sử dụng điện và tiết kiệm tối đa để vừa có điện dùng, vừa có thể dự trữ được một nguồn điện đáng kể phục vụ cho những tháng thời tiết khắc nghiệt, không có gió hoặc thời gian có nắng không đủ.
Nhiều năm qua, hệ thống năng lượng gió và mặt trời cung cấp điện 24/24 giờ, hạn chế tối đa việc sử dụng máy nổ phát điện, góp phần tiết kiệm lớn chi phí chạy dầu diesel so với trước. Nguồn năng lượng sạch nói trên cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ sẵn sàng chiến đấu, canh trực, bảo đảm đời sống, sinh hoạt, học tập, công tác của quân và dân trên các đảo. Điện đem lại thay đổi lớn cho cuộc sống của CBCS và nhân dân nơi đảo xa. Riêng đảo Song Tử Tây, điện còn là yếu tố quan trọng trong việc triển khai hệ thống thiết bị lọc nước mặn thành nước ngọt có công suất lớn. Điện còn là nguồn năng lượng vận hành hệ thống Vsat do Tập đoàn Viettel trang bị đối với 100% điểm đảo (cả đảo nổi và đảo chìm), giúp bộ đội và nhân dân xem truyền hình qua vệ tinh, được nói chuyện với người thân trong đất liền qua điện thoại. Đặc biệt là kết nối internet, cập nhật thông tin trong nước và thế giới, làm cho quần đảo Trường Sa gần với đất liền, động viên khích lệ CBCS an tâm công tác.
Anh Nguyễn Văn Tuấn - một trong 7 hộ dân ở đảo Trường Sa lớn chia sẻ: Ở đây điện và nước là hai thứ quý hiếm nên luôn được các hộ dân sử dụng hết sức tiết kiệm. Tuy nước dùng cho sinh hoạt của gia đình đã gần cạn nhưng hộ anh vẫn kiên quyết không bơm nước (chỉ tận dụng nguồn nước mưa dự trữ của gia đình để sử dụng) Theo thỏa thuận của các hộ dân sống trên đảo, việc bơm nước chỉ được tiến hành vào 2 ngày trong tuần và luân phiên nhau, tránh việc bơm cùng một lúc dễ dẫn đến hao hụt điện năng một cách cục bộ sẽ dẫn đến thiếu điện. Các gia đình hạn chế tối đa việc sử dụng thiết bị điện có công suất lớn vào giờ cao điểm. Mọi người ra khỏi nhà luôn tắt điện. Ý thức đó không chỉ người lớn mà thấm vào trong nhận thức và hành động của con các hộ dân còn nhỏ tuổi.
Trung tá Đỗ Thế Tuyến, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa lớn cho biết: Điện ở Trường Sa được ví như nguồn mạch sự sống quý giá nên ý thức trách nhiệm của CBCS và nhân dân về tiết kiệm điện luôn đặt lên hàng đầu. Tiết kiệm điện theo quy trình chung đồng thời theo quy định riêng của đảo. Không sử dụng điện bừa bãi, lãng phí làm ảnh hưởng chung. Tiết kiệm điện với nhiều giải pháp: Thiết bị chiếu sáng, thiết bị lưu điện đóng ngắt tự động. Tận dụng tối đa ánh sáng mặt trời dùng cho chiếu sáng. Hệ thống chiếu sáng công cộng trên các đảo thường được kiểm tra, bão dưỡng, hạn chế đến mức thấp nhất chạm chập, rò rĩ, hao hụt điện năng. 100 % các điểm đảo và các hộ dân đều thay các bóng đèn sợi đốt, tiêu hao điện lớn bằng bóng đèn compact hoặc đèn led để tiết giảm lượng điện tiêu thụ và tăng tuổi thọ của thiết bị, đem lại hiệu quả thiết thực. Cắt điện một số thời gian trong ngày, dành điện ưu tiên cho những trường hợp quan trọng và thực sự cần thiết. Tất cả CBCS và các hộ dân luôn tự giác tắt các thiết bị điện khi không dùng, xem đó là ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm minh… Nhờ áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp tiết kiệm điện, mỗi năm đảo Trường Sa lớn tiết kiệm được gần 40 % sản lượng điện tiêu thụ. Góp phần dự trữ nguồn năng lượng sạch trên các điểm đảo, đảm bảo phục vụ tốt đời sống, sinh hoạt, an ninh, quốc phòng. Nhìn rộng hơn: ý thức tiết kiệm điện của quân và dân trên quần đảo Trường Sa chính là điển hình cho nhân dân cả nước noi theo vì mục tiêu quốc gia không để thiếu điện phục vụ sinh hoạt và các nhu cầu thiết yếu khác. Góp phần nâng cao ý thức của cả cộng đồng vì sự phát triển bền vững của nguồn năng lượng.
Tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo ở Trường Sa rất tốt bởi số giờ nắng cao nên pin mặt trời là nguồn cung cấp chính. Tài nguyên gió cũng rất tốt nhưng theo mùa. Vào mùa gió, hoàn toàn có thể dựa vào nguồn năng lượng này để phát điện và tích trữ. Đó là những điều kiện thuận lợi để phát triển và đảm bảo nguồn năng lượng điện đáp ứng đủ nhu cầu cho phát triển kinh tế, dân sinh, đảm bảo môi trường biển ở huyện đảo Trường Sa. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của nước biển và hơi mặn từ biển, hệ thống cũng như các thiết bị điện sẽ rất chóng bị hao mòn, hư hỏng nên cần phải có yêu cầu cao trong việc quản lý vận hành cũng như bảo dưỡng. Ông Phạm Mạnh Thắng - Thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Trưởng đoàn công tác của EVN ra thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ, nhân dân huyện đảo Trường Sa cuối tháng 5.2016 cho biêt: Từ kết quả khảo sát hiện trạng cung cấp điện cho các đảo, EVN sẽ xây dựng đề án cải tạo, nâng cấp hệ thống điện để trình Chính phủ phê duyệt, cho phép Tập đoàn được tham gia quản lý vận hành và cung cấp điện cho các đảo tại quần đảo Trường Sa. Trước mắt, chúng tôi thấy cần nâng cấp, thay thế hệ thống ắc-quy để việc lưu trữ điện được tốt hơn và bổ sung thêm các nguồn năng lượng mặt trời, điện gió trên cơ sở đánh giá kỹ nhu cầu điện thực tế của các đảo. EVN nguyện làm hết sức mình để góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Theo các chuyên gia, việc sử dụng nguồn năng lượng sạch hoàn toàn phù hợp với điều kiện tự nhiên trên đảo và đây cũng là nguồn năng lượng đầy tiềm năng. Tuy nhiên, ý thức tiết kiệm năng lượng vẫn được quán triệt đến mỗi CBCS và người dân trên đảo. Sau một thời gian sử dụng, hầu hết hệ thống điện trên đảo đều hoạt động bình thường và hệ thống “năng lượng sạch” này cùng với nguồn máy phát dự phòng sẽ duy trì sự ổn định cao cho nguồn điện trên quần đảo. Những cánh quạt gió và tấm pin mặt trời nay đã trở thành biểu tượng của huyện đảo Trường Sa. Thành công của hệ thống “năng lượng sạch” đã chính thức đưa huyện đảo Trường Sa trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước sử dụng năng lượng sạch; đồng thời mở ra hướng đi mới cho sự phát triển của nguồn năng lượng này trong tương lai.
Nguyễn Xuân Tư