Thứ bảy, 23/11/2024 | 10:43 GMT+7

Hiệu quả từ mô hình tưới nhỏ giọt trên cây điều

29/06/2016

Các nhà nghiên cứu thuộc Trường đại học Thủy lợi (cơ sở 2 tại TP Hồ Chí Minh) vừa hoàn thành bước đầu rất khả quan "Mô hình tưới công nghệ cao trên cây điều".

Nhiều năm trở lại đây, tình trạng hạn hán kéo dài ở nhiều địa phương đã tác động không nhỏ đến nền sản xuất nông nghiệp. Cùng với Chính phủ hạn chế tình trạng này, các nhà nghiên cứu thuộc Trường đại học Thủy lợi (cơ sở 2 tại TP Hồ Chí Minh) vừa hoàn thành bước đầu rất khả quan "Mô hình tưới công nghệ cao trên cây điều". Công trình mở ra nhiều hy vọng mới cho những nông dân trồng điều đang phải đối mặt với tình trạng hạn hán kéo dài thời gian qua.

Trong khi nhiều nông dân trồng điều khác rơi vào cảnh hạn hán mất mùa thì vườn điều của gia đình ông Hà Thanh Thuẩn, ngụ xã Long Bình, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước vẫn giữ được năng suất như mọi năm. Ông Thuẩn kể lại: Cách đây hơn một năm, một nhóm nghiên cứu từ TP Hồ Chí Minh đề nghị ông hợp tác để họ thí nghiệm một mô hình tưới điều công nghệ cao. Đang trong cảnh hạn hán kéo dài, nghe về phương pháp tưới điều tiết kiệm mà hiệu quả, thấy “bùi tai”, ông đồng ý giao 2 ha cho nhóm nghiên cứu ra vườn điều để thí nghiệm.

Ngay sau khi có nơi thực hành công trình, TS Triệu Ánh Ngọc, Trưởng ban Khoa học Công nghệ và Hợp tác Quốc tế, Đại học Thủy lợi cùng các cộng sự của mình đã thiết lập hệ thống tưới, trong đó, 1 ha tưới nhỏ giọt và 1 ha tưới phun mưa. Kế đó là một khu trồng điều không áp dụng mô hình tưới mới nhằm đối chứng không tưới. Riêng hệ thống kênh rãnh được đào theo các mạn sườn đồi, nước mưa được thu gom và tập trung về ao trữ nước vào mùa mưa, nhằm tích nước tưới cho cây điều vào mùa khô. Đối với 1 ha tưới nhỏ giọt, nước từ ao trữ nước mưa được bơm lên bồn chứa nước (5 m3) sau đó nước được xả xuống qua hệ thống ống, đến van lọc nước rồi đi qua hệ thống đường ống tưới nhỏ giọt tại các gốc điều. Còn với hệ thống tưới phun mưa, nước được bơm trực tiếp từ ao trữ nước qua hệ thống ống dẫn đến các péc phun mưa tại các gốc điều. Tất cả các khu tưới đều được kiểm soát lưu lượng thông qua đồng hồ đo nước cho từng khu nhằm đánh giá kết quả chính xác theo từng mức tưới.

Ông Hà Thanh Thuẩn giới thiệu với khách tham quan vườn điều áp dụng mô hình tưới công nghệ cao.

Qua hơn một năm thí điểm, theo các số liệu thống kê được, TS Triệu Ánh Ngọc cho biết: Trên cùng một diện tích trồng, những khu không áp dụng mô hình tưới nước tiết kiệm công nghệ cao thì 1 kg hạt điều (khoảng 150 hạt) chỉ đạt 32% điều nhân, còn khu vực áp dụng mô hình tưới công nghệ cao thì chỉ 130 hạt đã đạt trọng lượng 1 kg điều, tỷ lệ thu hồi điều nhân đạt 34%. Theo TS Lê Trung Thành, Trưởng Ban đào tạo và công tác sinh viên, Đại học Thủy lợi (cơ sở 2 tại TP Hồ Chí Minh), trước tình trạng diễn biến phức tạp của khí hậu, mô hình tưới nước tiết kiệm công nghệ cao nhằm phát triển bền vững cây điều được Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt hàng và nhóm nghiên cứu đã triển khai từ tháng 1-2015.

Hiện nay, khan hiếm nước đang trở thành mối quan tâm hàng đầu ở nước ta nói riêng và thế giới nói chung, trong khi lượng nước tưới cho cây trồng chiếm đến 70% tổng lượng nước trên toàn thế giới, do vậy với tính hiệu quả mà mô hình này đang hướng đến trong quá trình thử nghiệm, rõ ràng là một tín hiệu vui cho người nông dân bởi những ưu điểm: Giúp tăng năng suất, chất lượng hạt điều và tiết kiệm nước. TS Triệu Ánh Ngọc cho biết, theo cách tính toán thông thường, một tháng, một gốc điều phải tưới 3-4 lần, mỗi lần tưới mất 400-500 lít nước, còn theo phương pháp tưới mới, 1 ha chỉ mất khoảng 5m3 /ngày đêm và tưới hai lần mỗi tuần trong mùa khô.

Theo ông Thuẩn, sau hơn một năm áp dụng mô hình này, diện tích điều ở khu thực nghiệm ra bông sớm, nhiều và đều hơn so với khu vực khác. Năng suất hạt cũng tăng từ 500-600 kg/ha, tương đương hơn 36%. Được biết, chí phí đầu tư 1 ha tưới theo mô hình mới không quá 25 triệu đồng, nên chỉ sau 12-18 tháng người trồng điều đã thu hồi được vốn.

Vừa qua, đoàn công tác của Chính phủ khi đến kiểm tra tại đây, đã đề nghị nhóm phối hợp địa phương sớm triển khai rộng rãi cho người dân áp dụng. Nhận thấy hiệu quả của mô hình này, các địa phương lân cận, hộ trồng điều cũng đã đến tìm hiểu để áp dụng mô hình cho mùa khô năm sau.

Tuy nhiên, theo Thạc sĩ Trần Đăng An, Phó Bộ môn Mỹ thuật và Tài nguyên nước, Đại học Thủy lợi cho biết, bên cạnh những ưu điểm thì mô hình còn gặp bất lợi trong quá trình vận hành vì chưa thể chạy bằng điện lưới. Việc chạy bằng máy phát điện có thể dẫn đến những sai số ngoài mong muốn giữa thực tế và yêu cầu thí nghiệm. Đây cũng là mô hình nghiên cứu thí điểm nên cần quan trắc thêm độ ẩm để có đánh giá toàn diện hơn các yếu tố tác động đến hiệu quả tăng năng suất điều.

Thời gian tới, thông qua các trung tâm khuyến nông, phòng nông nghiệp tại các địa phương nhằm đề xuất mô hình gom nước vùng Đông Nam Bộ và xây dựng sổ tay quy trình thiết kế hệ thống tưới công nghệ cao. Đồng thời, biên tập sổ tay quy trình tưới phù hợp cho cây điều nhằm đạt năng suất cao nhất để các cơ quan chức năng phổ biến, áp dụng rộng rãi cho người dân tại các khu vực trồng điều, Thạc sĩ Trần Đăng An chia sẻ.

Theo nhandan.com.vn