Thứ năm, 26/12/2024 | 21:59 GMT+7
Gần 60 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực đã cùng xem xét hỗ trợ phát triển hướng đến 100% năng lượng tái tạo tại Việt Nam vào năm 2050, trong hội thảo đồng tổ chức bởi Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam (VBCSD), thuộc Phòng Thương Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), và WWF-Việt Nam.
Báo cáo “Kịch bản Bền vững cho Ngành điện Việt Nam – Tầm nhìn đến năm 2050”, của WWF-Việt Nam và Liên minh Năng lượng Bền vững Việt Nam (VSEA) đưa ra gần đây, cho thấy tính khả thi của việc cung cấp 100% nhu cầu điện năng trong nước bằng năng lượng tái tạo.
Bước đầu hỗ trợ thực hiện kịch bản tham vọng này, doanh nghiệp các ngành nuôi trồng và chế biến thuỷ hải sản, chế biến lâm sản, dệt may, xây dựng, thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam đã cùng thảo luận những giải pháp năng lượng bền vững cho từng ngành, và trao đổi về cơ hội đầu tư ‘xanh’ để áp dụng sử dụng năng lượng bền vững, tại Hội thảo “Phát triển năng lượng bền vững – Cơ hội cho các doanh nghiệp tại Việt Nam”, đồng tổ chức bởi VBCSD và WWF-Việt Nam.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) khẳng định: “Khu vực doanh nghiệp đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự thành công của cuộc cách mạng chuyển đổi sang năng lượng sạch tại Việt Nam.”
Sau khi lắng nghe các sáng kiến và giải pháp cho doanh nghiệp trong áp dụng năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng trên thế giới và tại Việt Nam, cũng như chia sẻ về kinh nghiệm áp dụng tiết kiệm năng lượng của công ty Coca-Cola, các doanh nghiệp tham gia thảo luận những khó khăn, hạn chế trong việc tối ưu hoá sử dụng năng lượng và áp dụng năng lượng tái tạo, tham khảo những ứng dụng thành công trong cụ thể từng ngành khác nhau, đồng thời kiến nghị những hỗ trợ chính sách và tài chính cần thiết để thúc đẩy phát triển năng lượng bền vững cho doanh nghiệp tại Việt Nam.
Cũng trong hội thảo, đại diện các tổ chức hỗ trợ kĩ thuật và tài chính như Dự án chuyển hóa Carbon thấp trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng (LCEE/GIF) – Đại sứ quán Đan Mạch, Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ), Công ty Tài chính Quốc tế IFC, thuộc Ngân hàng Thế giới (World Bank), đã cùng doanh nghiệp thảo luận, đưa ra các hướng dẫn nhằm tạo ưu tiên đầu tư và cho vay trong các dự án về sử dụng năng lượng hiệu quả và năng lượng tái tạo.
“Năng lượng tái tạo là một cơ hội đầu tư vàng cho các doanh nghiệp bởi trữ lượng gần như vô tận trong khi giá thành năng lượng ổn định và có thể đoán trước được,” bà Phạm Thị Cẩm Nhung, Giám đốc Dự án Năng lượng Bền vững của WWF-Việt Nam cho biết. “Hội thảo sẽ là cầu nối để các doanh nghiệp quan tâm tới phát triển bền vững và an ninh năng lượng thuộc 5 ngành sản xuất quan trọng của Việt Nam tiếp cận với các cơ quan tài chính cũng như các đơn vị tư vấn hoặc kinh doanh thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo.”
Với sự hỗ trợ của VCCI, các khúc mắc và giải pháp riêng biệt cho từng ngành thủy sản, lâm sản, dệt may, xây dựng, thực phẩm và đồ uống, sẽ được WWF-Việt Nam tập hợp và kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền của Việt Nam. Đây cũng là bước đệm để WWF-Việt Nam phát triển một dự án quy mô hơn, nhằm thúc đẩy việc áp dụng các giải pháp năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng cho khu vực doanh nghiệp tại Việt Nam.
Theo lifestyle.com.vn