Thứ bảy, 02/11/2024 | 04:25 GMT+7
Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối phó với nạn khô hạn và xâm nhập mặn trên diện rộng khi mà có tới 13 tỉnh công bố bị mặn xâm nhập. Tình trạng này đã dẫn đến việc thiếu nước tưới và sinh hoạt trầm trọng, gây nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất nông nghiệp do đây là ngành tiêu thụ nguồn nước lớn nhất hiện nay (chiếm khoảng 70%).
Tỉnh Đồng Tháp cũng nằm trong vùng ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng kéo dài và hiện tượng El Nino. Tuy nhiên, bà con nông dân các huyện đầu nguồn của tỉnh đã chủ động có giải pháp tiết kiệm nước ngay từ giai đoạn đầu mùa khô. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày là lựa chọn của nhiều hộ làm nông ở đây. Trong đó, cây đậu phộng (cây lạc) được phần lớn bà con trồng trên nền đất lúa.
Cây lạc rất phù hợp với vùng đất gò, đất và cát, từ xuống giống đến thu hoạch chỉ cần 2 - 3 lần tưới nước. Cây đậu phộng còn rất dễ chăm sóc, chỉ cần chăm sóc giai đoạn bỏ hạt đến gia đoạn đâm đọt là đậu phộng phát triển tốt. Đặc biệt, trồng đậu giảm chi phí hơn, lượng nước cũng tiết kiệm hơn so với trồng lúa.
Bên cạnh cây đậu phộng, nhiều người dân còn trồng cây mè do có đặc tính chịu hạn tốt, chi phí đầu vào thấp, nhẹ công chăm sóc. Cây mè rất thích hợp trồng trong điều kiện thiếu nước tưới như hiện nay.
Cùng với việc chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây đậu phộng, ở nhiều nơi như Cà Mau, Hậu Giang... một số vùng cũng đã chọn được cây đậu xanh, cây khóm thay cho cây lúa và sẽ mở rộng trồng loại cây này trong thời gian khô hạn tới.
Cách làm này đã tiết kiệm nguồn nước tưới tiêu khi sản xuất gặp khó do thời tiết khô hạn như năm nay.
Đức Toàn