Thứ bảy, 02/11/2024 | 04:37 GMT+7
Ngày 11/3/2016, hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm tiết kiệm nước trong nông nghiệp cho các vùng nhiễm mặn ở ĐBSCL” đã được Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (BĐKH), trường Đại học Cần Thơ và Tổ chức Hanns Seidel Foundation (Cộng hòa Liên bang Đức) phối hợp tổ chức. Hội thảo có sự tham dự của hơn 50 đại biểu là các nhà khoa học, nhà quản lý và đại diện các sở, ngành của 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL.
Đây là hội thảo nhằm chia sẻ những kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp tiết kiệm nước nhằm giúp bà con hạn chế thiệt hại trong điều kiện hạn - mặn như hiện nay.
Tại hội thảo, các diễn giả đã báo cáo về thay đổi nguồn nước ở các vùng ven biển ĐBSCL và chiến lược ứng phó, các giải pháp kĩ thuật về tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp, giải đoán ảnh vệ tinh tình hình khô hạn ở ĐBSCL, ứng dụng kĩ thuật tưới ngập khô xen kẽ,...
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Lê Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, cho biết: “Hiện nay hầu hết các cửa sông ở ĐBSCL đều bị nhiễm mặn từ 1 - 21 phần nghìn và có 8/13 tỉnh thành phố ĐBSCL bị hạn và xâm nhập mặn. Các giải pháp ứng phó cần được triển khai kịp thời để đảm bảo sản xuất và đời sống cho người dân trong vùng”.
Trước tình hình hạn, mặn nghiêm trọng như hiện nay, các ngành hữu quan và ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL cần nghiên cứu và triển khai các phương pháp tưới tiết kiệm, nghiên cứu các mô hình thu gom sử dụng nước mưa, phổ biến các giải pháp tiết kiệm nước và bảo vệ nguồn nước để ứng phó với hạn, mặn.
Bên cạnh đó, triển khai xây dựng hoàn chỉnh các công trình thủy lợi, như: kênh, hồ để trữ nước, cống đập, trạm bơm; chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang cây trồng khác ít tiêu thụ nước, nuôi trồng thủy sản nước lợ, mặn ở những vùng bị hạn hán nặng.
Phương Thanh